Blog

Xây dựng hệ thống Quản lý Nhân tài

Nhân tài là yếu tố then chốt giúp tổ chức tạo ra lợi thế cạnh tranh, tăng trưởng và phát triển bền vững.

  • Giống như Lưu Bị không thể gây dựng nước Thục Hán nếu không có những nhân tài như: Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân…

Đôi khi cũng không cần quá nhiều nhân tài…

  • Một đội bóng, chỉ cần xuất hiện một nhân tài như Messi hay Ronaldo, là có thể thay đổi cục diện của trận đấu.

Vậy trong tổ chức của bạn có những nhân tài nào rồi?

Quan trọng hơn là: “Làm thế nào chúng ta xây dựng một hệ thống để liên tục tạo ra nhân tài cho tổ chức?”

Đây là một bài toán khó!

Một thách thức lớn của mọi doanh nghiệp!

Để giải bài toán này, bạn có thể tham khảo mô hình quản lý nhân tài trong Lean-HR:

Mục lục

Talent Management model: Mô hình Quản lý nhân tài trong Lean-HR

Talent Management

Mô hình Quản lý nhân tài của Lean-HR bao gồm 3 trụ cột chính:

Nhưng mà:

#1. Thu hút, Gắn kết và Phát triển nhân tài để làm gì?

Mục tiêu cuối cùng của quản lý nhân tài là để nâng cao hiệu suất kinh doanh của tổ chức. Vì vậy:

Chúng ta cần xây dựng hệ thống quản lý hiệu suất.

Hệ thống quản lý hiệu suất vừa là “định hướng”, vừa là “chất keo” gắn kết 3 trụ cột. Nếu không có quản lý hiệu suất, thì việc thu hút, gắn kết và phát triển nhân tài sẽ hoạt động rời rạc và không đạt hiệu quả cao.

Tôi nhớ câu chuyện anh Trương Gia Bình mời anh Nguyễn Đức Vinh về Tập đoàn FPT làm việc. Lúc đó, anh Vinh là Phó Tổng của Việt Nam Airlines.

Vì hai ngành nghề quá khác nhau, nên anh Vinh hỏi: “Nếu về FPT thì tôi làm gì?”

Lúc đó, anh Bình chưa nghĩ ra, chỉ biết anh Vinh là một nhân tài tầm cỡ nên cứ mời anh Vinh về FPT đã, rồi tính việc sau.

FPT đã nhiều lần thành công với cách làm này: Cứ mời Nhân tài về trước, Công việc để tính sau.

Tuy nhiên, trường hợp chiêu mộ anh Vinh đã bất thành. Đó chính là may mắn! Bởi vì:

Sau này, anh Vinh trở thành Tổng Giám đốc của Techcombank và Vpbank. Với tài năng lãnh đạo của mình, anh Vinh đã đưa 2 ngân hàng này trở thành những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu ở Việt Nam.

Tóm lại:

  • Hệ thống Quản lý hiệu suất giúp chúng ta trả lời câu hỏi: “Cần nhân tài để làm gì?”.
  • Quản lý hiệu suất là khởi nguồn (nhu cầu) và cũng là mục tiêu của hệ thống quản lý nhân tài.

Câu hỏi quan trọng tiếp theo:

#2. Yếu tố nào giúp tổ chức Thu hút, Gắn kết và Phát triển nhân tài?

Đó chính là “Giá trị nhân viên” (Employee Value).

Hiểu đơn giản, giá trị nhân viên là những lợi ích mà nhân viên nhận được khi làm việc trong tổ chức. Bao gồm: giá trị tài chính (lương, thưởng…) và giá trị phi tài chính (môi trường làm việc, sự ghi nhận, văn hóa doanh nghiệp…).

Gia tăng giá trị cho nhân viên chính là chìa khóa, là nền móng vững chắc để thu hút, gắn kết và phát triển nhân tài.

Đây chính là lý do, theo ma trận giá trị – hiệu suất, mô hình Lean-HR đặt ra hai mục tiêu lớn:

  • Nâng cao hiệu suất của tổ chức.
  • và Gia tăng giá trị cho nhân viên.

Gia tăng Giá trị cho nhân viên ư?

Vấn đề là:

#3. Tổ chức không có đủ nguồn lực?

Ngân sách và nguồn lực của doanh nghiệp luôn có giới hạn. Vì vậy, chúng ta không thể cùng lúc đầu tư lớn cho cả 3 hoạt động thu hút, gắn kết và phát triển nhân tài.

Trong mỗi giai đoạn, tổ chức cần lựa chọn ưu tiên để đầu tư nguồn lực có trọng điểm.

Đây chính là lý do chúng ta cần xây dựng Chiến lược nguồn nhân lực. Bởi vì, bản chất của chiến lược là xác định sự ưu tiên trong dài hạn.

Có những giai đoạn, chúng ta ưu tiên nguồn lực cho hoạt động “Thu hút nhân tài”, có khi là tập trung vào “Gắn kết nhân tài” hoặc “Phát triển nhân tài”.

Trong hệ thống quản lý nhân tài: Xác định sự ưu tiên chính là vai trò của Chiến lược nguồn nhân lực.

Cuối cùng, bạn có thể tìm hiểu thêm về từng yếu tố trong hệ thống quản lý nhân tài trong các bài viết dưới đây:

P.s:

Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẻ nó cho các đồng nghiệp của mình!

Hpo Banner