Blog

Duy trì thách thức – Bước ra ngoài vùng thoải mái

Bạn đã bao giờ cảm thấy dường như mình đang bị mắc kẹt? Hầu hết mọi người đều trải qua cảm giác này tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống công việc của họ. Khi rơi vào những thói quen có thể dự đoán trước và cảm thấy thoải mái trong vai trò của mình, chúng ta thường có xu hướng “không muốn mạo hiểm”. Chúng ta cảm thấy chán nản và chỉ đạt được một phần nhỏ trong khả năng của mình.

Đây là lý do tại sao thúc đẩy bản thân thường xuyên và thử nghiệm những điều mới mẻ lại quan trọng đến vậy. Thử thách, cho dù là chạy marathon hay học một kỹ năng mới, đều có thể mang lại năng lượng và sự phấn khích. Khi bị thách thức, chúng ta cảm thấy được sống hết mình và gắn kết vì tích cực tham gia vào cuộc sống, làm hết sức mình để đạt đến tiềm năng của bản thân.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao thách thức lại quan trọng đến vậy và khám phá làm thế nào bạn có thể thúc đẩy bản thân trong mọi khía cạnh của cuộc đời mình

Mục lục

Tầm quan trọng của việc duy trì thách thức

Dừng lại và suy nghĩ về những điều sẽ xảy ra khi bạn “tự mãn về thành công của mình” và luôn cảm thấy thoải mái trong suốt sự nghiệp.

Kiến thức và kỹ năng của bạn sẽ trở nên trì trệ, làm giảm cơ hội cạnh tranh trên thị trường việc làm. Bạn đặt ít nỗ lực hơn để tìm kiếm cơ hội mới hay cách suy nghĩ mới và công việc bắt đầu “lao dốc”. Bạn có thể ngày càng sợ hãi rủi ro, làm những việc khiến bản thân không thoải mái hoặc làm giảm mức độ tin cậy trong mắt mọi người.

Một trong những vấn đề của việc trở nên quá thoải mái là nó có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của bạn. Khi thực hiện những nhiệm vụ quen thuộc, bạn rất dễ bị cám dỗ và hoàn thành công việc với nỗ lực tối thiểu vừa đủ. Điều này có thể mang đến tác động tiêu cực đến danh tiếng của bạn, đội nhóm và cả sự nghiệp của bạn.

Thực hiện những điều mới mẻ có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu – bạn đặt bản thân vào những tình huống không quen thuộc và không biết làm thế nào để thực hiện. Tuy nhiên, bạn sẽ phát triển khi bước ra khỏi vùng an toàn và tự thách thức bản thân theo đuổi cơ hội, ý tưởng, kỹ năng và mối quan hệ mới.

Khả năng làm việc của bạn cũng sẽ được cải thiện. Mô hình chữ U ngược cho thấy, khi gặp phải áp lực thích hợp, hiệu suất tăng lên. Khi học một kỹ năng mới hay đặt bản thân vào một tình huống bất thường, bạn có thể tạo ra áp lực tối ưu để thúc đẩy mình thực hiện hết khả năng.

Hơn thế nữa, thách thức bản thân sẽ càng trở nên dễ dàng hơn khi bạn thực hiện chúng càng nhiều. Nó mang lại cho bạn sức mạnh và sự linh hoạt để đối phó với những thay đổi bất ngờ, chấp nhận rủi ro và vượt qua nỗi sợ thất bại.

Làm thế nào để thách thức bản thân

Rất khó để thường xuyên thách thức bản thân bởi vì nó có nghĩa là bạn phải đối mặt với tổn thương. Bạn cần phải can đảm chấp nhận sự không chắc chắn, nguy cơ thất bại tiềm tàng.

Tuy nhiên, thực hiện bước đầu tiên và bắt đầu với mục tiêu nhỏ rất quan trọng. Hãy sử dụng những chiến lược dưới đây để thử thách bản thân cũng như phát triển kiến ​​thức và kỹ năng của bạn.

1. Ra khỏi khu vực thoải mái

Trong bài viết  “From Comfort Zone to Performance Management,” năm 2008, giáo sư Alasdair White xác định “vùng thoải mái” là “trạng thái hành vi trong đó một người hoạt động trong tình trạng lo lắng – trung lập, sử dụng số lượng  hành vi giới hạn để mang lại mức độ hiệu suất ổn định mà không có cảm giác rủi ro. “

Hầu hết chúng ta đều biết khi nào mình đang ở trong vùng thoải mái. Chúng ta trải nghiệm nó khi thực hiện những công việc, thói quen quen thuộc, thứ mà chúng ta giỏi và không cần phải suy nghĩ nhiều về nó.

Theo bản chất, vùng thoải mái là không cần thiết và việc dành quá nhiều thời gian ở trong đó nghĩa là bạn sẽ không học được bất cứ điều gì mới. Không bao giờ đạt được sự vĩ đại trong một vòng tròn quen thuộc!

Để bước ra khỏi vùng thoải mái của mình, trước hết hãy lên danh sách tất cả những nhiệm vụ và thói quen quen thuộc với bạn và cố gắng xác định chủ đề chung. Tại sao những công việc này lại khiến bạn thoải mái? Chúng dựa vào những kỹ năng hoặc thế mạnh nào?

Tiếp theo, ghi lại những nhiệm vụ mà bạn biết mình nên làm nhưng không làm vì chúng nằm ngoài vùng thoải mái của bạn.

Ví dụ, bạn biết rằng mạng lưới và nói trước công chúng rất quan trọng cho sự tiến bộ trong sự nghiệp, nhưng bạn không theo đuổi những cơ hội này bởi chúng khiến bạn cảm không thoải mái. Hoặc, bạn biết mình sẽ được mọi người công nhận nếu thực hiện dự án sắp tới nhưng lại đang lưỡng lự vì lo lắng phải tham gia nhóm mới.

Hãy xem xét kỹ từng công việc và xác định lý do bào chữa bạn đưa ra để tránh chúng. Tại sao bạn lại sợ thách thức này? Công việc này mang lại những lợi ích nào? Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu bạn thực hiện bước nhảy vọt và thử nghiệm là gì?

2. Thiết lập mục tiêu SMART

Khi xác định được một nhiệm vụ thách thức bản thân ở mức độ cá nhân hoặc chuyên nghiệp, bắt đầu bằng việc thiết lập mục tiêu SMART. Mục tiêu phải có tính thách thức nhưng vẫn có thể đạt được. Nếu nó không làm bạn khó chịu một chút nào thì có lẽ vẫn chưa đủ thách thức!

Tiếp theo, hãy chia mục tiêu thành những bước nhỏ hơn mà bạn có thể đưa vào thói quen hàng ngày hoặc Danh sách công việc cần làm để đạt được những tiến bộ có ý nghĩa hàng ngày.

Ví dụ: nếu muốn học ngoại ngữ, hãy đầu tư vào khóa học trực tuyến cho phép bạn học tập trong cả khi công tác lẫn đi làm. Đặt mục tiêu dành 30 phút mỗi ngày để học ngoại ngữ. Để củng cố cam kết, bạn cũng có thể thuê gia sư dạy kèm 1 buổi/tuần để giúp bạn sửa cách phát âm của mình.

Đừng ngại điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với nhu cầu của mình. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng mục tiêu của bạn là tham dự sự kiện kết nối hàng tuần. Thay vì tập trung nói chuyện với mọi người trong phòng (có thể khiến bạn lo lắng và quyết định không tham gia), hãy tập trung để hiểu rõ một người. Đây là mục tiêu nhỏ hơn nhưng vẫn có thách thức và ý nghĩa.

Hãy chắc chắn rằng bạn làm việc với thách thức hàng ngày hoặc vài lần một tuần để tăng sự tự tin. Bạn cần phải kiên trì, dành thời gian phát triển chuyên môn hoặc loại bỏ một số thói quen xấu để đạt được mục tiêu lâu dài của mình.

3. Xem xét lại công việc hàng ngày

Nhiều nhiệm vụ nằm trong vùng thoải mái có thể rất cần thiết trong vai trò của bạn. Mặc dù không thể bỏ cuộc nhưng bạn có thể thử thách mình theo những cách mới bằng cách xem xét lại cách thức thực hiện chúng.

Hãy xem xét những nhiệm vụ mà bạn thường phải chịu trách nhiệm. Làm thế nào để tăng thêm thách thức cho chúng? Bạn có thể làm gì để tạo ra một chút không thoải mái trong vai trò của mình?

Ví dụ, đặt ra thời hạn để tăng thêm áp lực hoàn thành công việc. Nếu có thói quen đưa ra quyết định nhanh chóng, từ giờ hãy chậm lại và dành nhiều thời gian hơn để xem xét những lựa chọn của mình. Yêu cầu sếp cho bạn tham gia dự án mới hoặc bổ sung thêm trách nhiệm cho bạn. Hoặc tìm một người cố vấn, huấn luyện viên trong tổ chức có thể giúp bạn thực hiện vai trò của mình với nhiều thử thách hơn.

Xem xét những nhiệm vụ mà bạn thường xuyên trì hoãn cũng rất quan trọng. Chúng ta thường trì hoãn, từ bỏ những nhiệm vụ thách thức hoặc khiến bản thân không thoải mái. Thay vì làm vậy, hãy nắm lấy chúng. Xác định những điều bạn có thể học hỏi hoặc những lợi ích bạn có thể nhận được bằng cách hoàn thành chúng sớm hơn.

Một cách khác để thách thức bản thân là phát triển chiến lược nghề nghiệp. Điều này có thể giúp bạn làm rõ vị trí hiện tại của mình và vị trí mình muốn hướng tới để có thể phát triển kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng và tiến bộ.

Những điểm chính

Thách thức là một phần quan trọng để cuộc sống thêm hạnh phúc và trọn vẹn. Nếu không có thách thức, cả kiến thức và kỹ năng của bạn có thể trở nên trì trệ, làm giảm cơ hội phát triển bản thân ở mức độ cá nhân lẫn chuyên nghiệp. Thường xuyên thách thức bản thân có thể kích thích cuộc sống của bạn, mở ra cơ hội mới, giúp bạn sống và làm việc hết mình.

Để duy trì thách thức với vai trò của mình, hãy liệt kê những nhiệm vụ, kỹ năng hoặc kinh nghiệm mà bạn muốn tham gia. Chọn một hoặc hai trong số đó và đặt ra những mục tiêu SMART tuy khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được. Nếu mục tiêu không khiến bạn lo lắng hay khó chịu thì có lẽ nó không đủ thách thức.

Hãy tăng thêm thách thức cho thói quen hàng ngày bằng cách xem lại công việc bạn làm. Tình nguyện tham gia nhóm mới, đặt ra thời hạn ngắn hơn hoặc tìm một người hướng dẫn có thể thúc đẩy bạn đạt được nhiều thành tựu hơn trong sự nghiệp của mình.

Hpo Banner