Blog

9 cấp độ học tập của Gagne

Sử dụng công cụ này để cấu trúc và cung cấp đào tạo hiệu quả

Bạn đã từng đào tạo ai đó về một quy trình hoặc kỹ năng mới? Có lẽ bạn nghĩ đó sẽ là một nhiệm vụ dễ dàng, đơn giản. Nhưng một khi bắt đầu, thường sẽ khó hơn bạn nghĩ.

Mọi người đều có phong cách học khác nhau. Vậy, làm thế nào để trình bày thông tin tới học viên hoặc đội nhóm một các hiệu quả? Và khi nào thì thích hợp để đưa ra phản hồi hoặc yêu cầu các kỹ năng trình bày, đảm bảo học viên hiểu thông điệp của bạn?

9 cấp độ học tập của Gagne đưa ra cách tiếp cận từng bước giúp các nhà quản lý, giảng viên và người điều phối cấu trúc chương trình đào tạo của mình, từ đó học viên hay đội nhóm có thể tận dụng tối đa cơ hội học tập.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét 9 cấp độ học tập của Gagne và xem làm thế nào áp dụng nó vào đội nhóm bạn.

Chú thích:

9 cấp độ học tập của Gagne cũng được gọi là 9 điều kiện học tập của Gagne, Hệ thống học tập của Gagne và 9 Sự kiện Huấn luyện của Gagne.

Mục lục

Bối cảnh của Mô hình

Robert Gagne (1916-2002) là một nhà tâm lý học giáo dục tiên phong trong khoa học giảng dạy vào những năm 1940. Cuốn sách “The Conditions of Learning,” của ông được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1965 đã xác định được các điều kiện tinh thần cần thiết để học tập hiệu quả.

Gagne đã tạo ra một quy trình 9 bước chi tiết từng phần cần thiết để học tập hiệu quả. Mô hình này hữu ích cho tất cả các loại học tập, nhưng bài viết này tập trung áp dụng đào tạo đội nhóm bạn trong môi trường làm việc. Bạn có thể xem 9 bước trong Hình 1 bên dưới.

Hình 1: 9 cấp độ học tập của Gagne

Lợi ích của mô hình của Gagne

Mô hình 9 cấp độ học tập của Gagne cho các giảng viên và người đào tạo một danh sách kiểm tra để sử dụng trước khi họ tham gia vào hoạt động giảng dạy hoặc đào tạo. Mỗi bước nhấn mạnh một hình thức truyền thông giúp cho quá trình học tập. Khi lần lượt hoàn thành mỗi bước, người học tham gia và giữ lại thông tin và kỹ năng tốt hơn. Nếu bạn sử dụng cách tiếp cận này trước bất kỳ loại hình đào tạo hoặc bài trình bày nào, bạn sẽ nhớ làm thế nào để cấu trúc phiên học của mình, từ đó mọi người có được trải nghiệm học tập tốt nhất.

Sử dụng Công cụ

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét từng cấp độ và đưa ra ví dụ cho bạn thấy làm thế nào để áp dụng từng bước cho tình huống của mình.

Cấp độ 1: Thu hút sự chú ý

Bắt đầu trải nghiệm học tập bằng cách thu hút sự chú ý của khán giả. Nó cảnh báo cho nhóm rằng việc học tập sẽ sớm diễn ra.

Áp dụng: Đạt được sự chú ý bằng cách tăng âm lượng giọng nói, cử chỉ, chiếu một đoạn video ngắn về chủ đề hoặc sử dụng bất kỳ sự kiện nào khác để kết thúc giai đoạn “chờ đợi tới khi bắt đầu”.

Cấp độ 2: Thiết lập mục tiêu

Tiếp theo, đảm bảo đội nhóm biết họ cần học gì và hiểu tại sao cần tìm hiểu về thông tin mới này.

Áp dụng: Giải thích cho nhóm bạn biết họ sẽ học được gì sau khi kết thúc phiên học. Sau đó, giải thích xem nó đem lại lợi ích cho họ và tổ chức thế nào.

Ví dụ: bạn có thể giải thích rằng quy trình mới mà họ sẽ được học giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 20% chi phí. Do những cắt giảm ngân sách gần đây, quy trình mới giúp tổ chức không phải sa thải 6 người trong bộ phận. Giờ đây nhóm bạn hiểu được tại sao họ cần học kiến thức mới này và rủi ro nếu họ không học là gì, họ sẽ có động lực hơn và dễ tiếp thu hơn.

Cấp độ 3: Kết nối với bài học trước đó

Khi mọi người học điều gì đó mới, hãy khớp thông tin mới với thông tin hoặc chủ đề liên quan mà họ đã học được trong quá khứ.

Áp dụng: Xem lại bất kỳ bài học nào trước đó mà bạn đã thực hiện với nhóm mình và áp dụng nó vào kiến thức đang học. Ngoài ra, hỏi nhóm bạn xem nếu họ có bất kỳ kinh nghiệm nào trước đó với chủ đề này hoặc nếu họ đã trải qua vấn đề mà khóa đào tạo đang cố gắng giải quyết. Sau đó tạo kết nối giữa kiến thức họ đang học và những điều họ đã học trước đây.

Cấp độ 4: Trình bày một cách cuốn hút

Trình bày thông tin mới cho nhóm một cách hiệu quả.

Áp dụng: Sắp xếp thông tin một cách hợp lý và dễ hiểu. Hãy thử sử dụng nhiều phương tiện và phong cách khác nhau (như hình ảnh, giảng dạy bằng lời và học tập bằng hoạt động), phù hợp với các phong cách học khác nhau.

Mẹo:

Bước 2 của Chu trình truyền thông có thể giúp bạn xác định cách tốt nhất để trình bày thông tin.

Cấp 5: Mã hóa nội dung

Để giúp nhóm bạn học và giữ lại thông tin, hãy đưa ra các cách tiếp cận thay thế nhằm minh họa thông tin mà bạn đang cố gắng chuyển tải.

Áp dụng: Giúp nhóm bạn học tập hiệu quả hơn bằng cách đưa ví dụ, case study, đồ họa, kể chuyện hoặc tương tự.

Cấp độ 6: Khám phá hiệu quả

Ở giai đoạn này, bạn cần đảm bảo mọi người có thể chứng minh kiến thức của mình về những điều đã được dạy. Cách mà họ thể hiện phụ thuộc vào điều họ học được.

Áp dụng: Nếu bạn dạy một quy trình hoặc kỹ năng mới, hãy yêu cầu nhân viên chứng minh xem làm thế nào sử dụng nó (kịch bản phân vai có thể hữu ích cho bạn). Nếu bạn dạy thông tin mới, đặt ra câu hỏi, từ đó họ có thể thể hiện kiến thức của mình.

Cấp độ 7: Cung cấp phản hồi

Sau khi nhóm bạn trình bày kiến thức, cung cấp phản hồi và củng cố nếu cần.

Áp dụng: Hãy tưởng tượng, bạn dạy nhóm một kỹ thuật mới để xử lý những khách hàng khó tính. Sau vài kịch bản đóng vai, bạn nhận thấy một vài thành viên trong nhóm không đủ quyết đoán để làm khách hàng bình tĩnh lại trong tình huống căng thẳng “hư cấu” này. Những phản hồi và các mẹo bạn đưa ra chỉ rõ sai lầm của họ, nhờ đó họ có thể sửa đổi.

Cấp độ 8: Đánh giá hiệu suất

Nhóm bạn nên hoàn thành một bài kiểm tra hoặc sử dụng công cụ đo lường khác, cho thấy họ đã học tập hiệu quả. Các thành viên trong nhóm nên hoàn thành bài kiểm tra này một cách độc lập, mà không cần bất kỳ sự trợ giúp hoặc huấn luyện từ bạn.

Áp dụng: Test, bảng câu hỏi ngắn hoặc thậm chí là các bài tiểu luận có thể là những cách hay để kiểm tra kiến thức mới của đội bạn.

Mẹo:

Cũng có thể cung cấp thêm thông tin phản hồi sau khi bạn đã đánh giá thành tích của họ.

Cấp độ 9: Tăng cường chuyển hóa

Trong giai đoạn cuối này, các thành viên trong nhóm cho thấy họ nhớ những điều đã học được bằng cách chuyển giao kiến thức hoặc kỹ năng mới vào các tình huống khác nhau.

Áp dụng: Thực hành lặp đi lặp lại là cách tốt nhất để đảm bảo mọi người ghi nhớ thông tin và sử dụng nó hiệu quả. Đảm bảo nhóm bạn có đủ cơ hội để sử dụng kiến thức học được một cách thường xuyên. Lên lịch trình “thực hành” nếu bạn đã được đào tạo về một quy trình mới hoặc có một phiên học tiếp theo nhằm ôn lại thông tin hoặc kỹ năng.

Khi mọi người trở nên thành thạo hơn, lên lịch trình với các tình huống khách nhau, từ đó họ có thể thải mái.

So sánh với các mô hình đào tạo khác

9 cấp độ học tập của Gagne cung cấp một cách tiếp cận hữu ích giúp quản lý và cấu trúc quá trình học tập. Mỗi giai đoạn bổ sung cho giai đoạn khác và bằng cách thông qua cả 9 cấp độ, bạn giúp nhóm hiểu và lưu giữ kiến thức hiệu quả.

Mặc dù mô hình của Gagne khác với các mô hình đào tạo phổ biến khác, bạn vẫn có thể kết hợp nó với các phương pháp khác. Một ví dụ điển hình là 4MAT, một phương pháp đào tạo giúp bạn cấu trúc cách tiếp cận của mình, từ đó mọi người với phong cách học khác nhau sẽ được học tập hiệu quả như những người khác. (Bài viết 4MAT cũng giải thích các phong cách học tập phổ biến)

Mô hình ARCS cũng là một phương pháp học tập tốt để sử dụng với mô hình của Gagne. ARCS tập trung vào động lực và đảm bảo người học hiểu được lợi ích của kỹ năng và thông tin mới. Vì đây là bước 2 trong mô hình của Gagne, nên mô hình ARCS có thể giúp bạn hiểu rõ hơn xem làm thế nào tăng động lực và sự tham gia vào học tập.

Những điểm chính

9 cấp độ học tập của Gagne cung cấp danh sách kiểm tra từng bước giúp bạn đảm bảo trình bày trải nghiệm học tập toàn diện và thành công. Mỗi bước được thiết kế giúp học viên hiểu và giữ lại thông tin hiệu quả.

Mô hình của Gagne có thể kết hợp hiệu quả với các phương pháp đào tạo khác, như 4MAT và mô hình ARCS. Các phương pháp bổ sung này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về nhu cầu của đội nhóm.

Hpo Banner