Blog

Kể chuyện kinh doanh – Business Storytelling

Kể chuyện truyền cảm hứng

Đã bao lần bạn bị mê hoặc bởi một câu chuyện hay?

Bạn đã từng thức khuya để đọc một cuốn tiểu thuyết hay xem một bộ phim mà không thể dừng lại? Có lẽ bạn đã được thúc đẩy khi nghe câu chuyện về sự thành công của một đồng nghiệp hay đã thay đổi quan điểm sau khi đọc một câu chuyện buồn trên báo?

Một câu chuyện hay có thể thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, hành động và cảm nhận. Chúng có thể hình thành nền tảng văn hoá nơi làm việc và có khả năng phá vỡ rào cản, chuyển biến những tình huống tồi tệ xung quanh. Câu chuyện có thể nắm bắt trí tưởng tượng, minh hoạ ý tưởng, khơi dậy niềm đam mê và truyền cảm hứng cho chúng ta theo một cách mà thực tế thường không thể.

Câu chuyện có thể là công cụ mạnh mẽ và nhiều nhà lãnh đạo sử dụng chúng để thu hút đội nhóm một cách thành công. Vì vậy, nếu muốn động viên người khác một cách hiệu quả, bạn cần học cách kể chuyện thật hay.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu kể chuyện kinh doanh – khi nào bạn nên sử dụng chúng và loại chuyện nào bạn nên kể để có được kết quả mong muốn.

Mục lục

Kể chuyện kinh doanh là gì?

Mọi người sử dụng kể chuyện để giao tiếp và kết nối với nhân viên, khách hàng, đồng nghiệp, đối tác, nhà cung cấp và giới truyền thông. Kể chuyện kinh doanh khác với câu chuyện thông thường, khi kể chuyện, bạn nói với mọi người về mục tiêu hoặc kết quả mong muốn chứ không phải để giải trí.

Kể một câu chuyện hay có thể tạo ra kết nối cá nhân mãnh liệt giữa đối tượng và thông điệp của bạn. Câu chuyện hiệu quả có thể thay đổi ý kiến, truyền cảm hứng cho chúng ta đạt được mục tiêu mà mình nghĩ là không thể, cho chúng ta biết làm thế nào để thay đổi mọi thứ theo cách tốt hơn.

Khi nào nên sử dụng kể chuyện

Bạn có thể sử dụng câu chuyện để đạt được một số mục tiêu khác nhau. Ví dụ:

  • Nam vừa bắt đầu dẫn dắt nhóm mới. Các thành viên trong nhóm xem anh như người ngoài cuộc và không tin vào anh. Nam đã kể một vài câu chuyện về vai trò lãnh đạo của mình trong quá khứ và giải thích tại sao anh lại nhiệt tình với vị trí mới này. Anh cũng tiết lộ thông tin cá nhân, chẳng hạn như nơi anh lớn lên và những sở thích của mình. Sự trung thực ấy giúp nhóm mới bắt đầu cởi mở ra và tin tưởng.
  • Lan, nhân viên bán hàng, gặp gỡ với một khách hàng tiềm năng, người biết rất ít về sản phẩm mà công ty cô cung cấp. Vì vậy, Lan kể một câu chuyện về một trong những sản phẩm của công ty, đã giúp khách hàng khác giảm chi phí cung cấp lên đến 20%. Khách hàng mới rất ấn tượng với hiệu quả của sản phẩm và quyết định đặt hàng.
  • Nga yêu cầu các thành viên trong nhóm tham dự lớp huấn luyện an toàn tại nơi làm việc, nhưng họ không muốn dành thời gian cho việc này. Cô đã kể lại một câu chuyện trên tạp chí thương mại gần đây, nói về việc một nhân viên của tổ chức đối thủ đã bị thương nặng thế nào khi sử dụng cùng loại máy móc mà các thành viên trong nhóm cô đang sử dụng. Câu chuyện đã thuyết phục nhóm Nga rằng lớp huấn luyện an toàn có thể giúp ngăn ngừa thương tích.

Loại câu chuyện bạn nên dùng

Tác giả Annette Simmons đã chỉ ra 6 cấu trúc mà bạn có thể sử dụng để kể chuyện kinh doanh trong cuốn sách “Whoever Tells the Best Story Wins” Hãy tìm hiểu chi tiết dưới đây.

  1. Câu chuyện “Tôi là ai”

Câu chuyện này giải thích bạn là ai. Kể cho người khác về giấc mơ, mục tiêu, thành quả, thất bại, động cơ, giá trị hay quá khứ của bạn.

Câu chuyện “Tôi là ai” rất cần thiết khi cần xây dựng lòng tin. Hãy kể câu chuyện này khi bạn tham gia vào một nhóm mới hay khi cần thiết lập mối quan hệ với người lạ.

  1. Câu chuyện “Tại sao tôi có mặt ở đây”

Câu chuyện “Tại sao tôi ở đây”, mục tiêu là thay thế sự nghi ngờ bằng niềm tin. Mọi người muốn biết, “Mình sẽ được lợi gì?” Nhưng họ cũng muốn biết “Bạn sẽ được lợi gì?” Câu chuyện này giải thích rằng bạn không giấu giếm điều gì và bạn đưa ra sự công bằng cho tình huống.

Ví dụ, mọi người có thể tự hỏi bản thân, liệu bạn đam mê công việc hay vì động cơ tài chính? Bạn có mặt ở đây vì lý do đúng đắn hay sai lầm?

Bạn có thể sử dụng câu chuyện “Tại sao tôi ở đây” để gây quỹ, bán hàng và khi cần xây dựng niềm tin một cách nhanh chóng hoặc muốn trấn an người khác rằng bạn đang trên một sân chơi bình đẳng.

  1. Câu chuyện mang tính chất giảng dạy

Câu chuyện giảng dạy tạo ra trải nghiệm, làm thay đổi thính giả hay độc giả. Chúng cho thấy sự thay đổi trong hành vi, quan điểm hay kỹ năng có thể dẫn tới kết quả có ý nghĩa thế nào.

Bạn cũng có thể sử dụng câu chuyện giảng dạy để minh hoạ tình huống, chẳng hạn như kịch bản tốt nhất hoặc xấu nhất có thể xảy ra.

  1. Câu chuyện thể hiện tầm nhìn

Câu chuyện về tầm nhìn truyền cảm hứng cho mọi người, khuyến khích họ cảm thấy hy vọng, hạnh phúc. Ở đây, bạn thuyết phục đối tượng rằng công việc và sự hy sinh của họ đáng giá. Bạn cần liên kết hành động của họ với một kết quả cụ thể, có giá trị và xứng đáng.

Hãy sử dụng câu chuyện tầm nhìn khi bạn cần thúc đẩy mọi người thay đổi hành vi. Chúng có thể truyền cảm hứng cho mọi người vượt qua thất vọng, chướng ngại và thách thức đi kèm với thay đổi, giúp họ đạt được mục tiêu đáng giá hoặc lý tưởng.

  1. Câu chuyện thể hiện giá trị trong hành động

Nó củng cố những giá trị mà bạn muốn đối tượng chứng minh hoặc suy nghĩ. Những câu chuyện này có thể mang ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực. Ví dụ: bạn có thể kể chuyện chứng minh sự chính trực, lòng trắc ẩn, cam kết hoặc nói với mọi người về kiểu thái độ mà bạn không muốn nhìn thấy – ví dụ như hoài nghi, cẩu thả hay đạo đức làm việc kém.

  1. Câu chuyện “Tôi biết bạn đang nghĩ gì”

Câu chuyện này cho phép bạn giải quyết bất đồng, nghi ngờ, câu hỏi hay mối quan tâm của người khác trước khi họ nói ra. Với câu chuyện này, bạn cần dự đoán quan điểm của đối tượng, chọn một câu chuyện liên quan đến mối lo ngại mà họ không nói ra.

Khi kể loại chuyện này, hãy xác nhận quan điểm, lo lắng của đối tượng. Điều này cho phép họ cảm thấy bạn đang ủng hộ họ, hiểu cảm xúc của họ. Câu chuyện này có giá trị khi bán hàng, đàm phán hoặc quảng cáo cho các bên liên quan chính.

Làm thế nào kể một câu chuyện thuyết phục

Một câu chuyện hay cũng giống như một công thức – một số “thành phần” nhất định cần có để tạo ra thành công. Tất cả những câu chuyện hay đều có 3 yếu tố cơ bản: bối cảnh, hành động và kết quả.

Ba yếu tố này tạo thành khuôn khổ CAR (Context, Action, Result) mà Paul Smith đã viết trong cuốn sách năm 2012 “Lead with a Story“. Trong đó, ông nghiên cứu cách các nhà lãnh đạo sử dụng cấu trúc đơn giản này để kể một câu chuyện kinh doanh tốt hơn. Hãy xem xét từng phần chi tiết.

Bối cảnh

Smith viết rằng bối cảnh là yếu tố bị hầu hết nhiều nhà lãnh đạo bỏ quên. Không có bối cảnh, câu chuyện của bạn có thể khiến đối tượng nhầm lẫn hoặc nhàm chán.

Bối cảnh cung cấp thông tin cơ bản mà người nghe hoặc người đọc cần để hiểu câu chuyện. Nó cũng sẽ khiến mọi người thích thú, tạo ra sự kết nối, quan tâm đến những điều bạn nói.

Bối cảnh cần giải quyết bốn câu hỏi chính.

  • Câu chuyện này diễn ra ở đâu và khi nào? – “Thời điểm” và “địa điểm” trong câu chuyện và làm rõ liệu đó là sự thật hay hư cấu.
  • Ai là nhân vật chính? – Cần là một ai đó mà đối tượng có thể kết nối. Trong hầu hết mọi trường hợp, bạn là nhân vật chính.
  • Anh ta/cô ta muốn gì? – Giải thích những điều nhân vật chính muốn đạt được.
  • Ai hay cái gì, xuất hiện trên đường đi? – Mỗi câu chuyện đều cần trở ngại hay nhân vật phản diện. Đó có thể là một người, một sự kiện hay một thách thức.

Nghĩ xem làm thế nào kể chuyện, lên kế hoạch trả lời 4 câu hỏi trên. Tính xác thực cũng rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn kể câu chuyện cá nhân.

Thí dụ:

Doanh số trong 3 quý của Công ty Nam rất tồi tệ. Tại cuộc họp Town Hall hàng năm, Nam cần nâng cao tinh thần của các thành viên trong nhóm và truyền cảm hứng để họ làm việc chăm chỉ hơn trong quý IV, bù đắp tổn thất.

Nam nói: “Khi bắt đầu công ty này cách đây 10 năm, tôi không biết làm thế nào để kinh doanh, tôi nghĩ mình sẽ làm tất cả mọi thứ và đạt được thành công.”

“Nhưng tôi đã sai, tôi làm việc 15 tiếng mỗi ngày để theo kịp mọi thứ, tôi muốn phát triển công ty nhưng nhanh chóng nhận ra mình không biết làm thế nào và không thể làm điều đó một mình.”

Hành động

Mọi câu chuyện hay đều cần hành động: thăng trầm, trở lại điểm xuất phát, xung đột, thất bại và cạnh tranh. Hành động là nơi chúng ta trải nghiệm thất bại và học được nhiều bài học.

Trong câu chuyện của bạn, nhân vật chính phải “làm” gì đó. Lý tưởng nhất là họ sẽ gặp trở ngại, thất bại hoặc vấn đề phát sinh trên đường đi. Trở ngại tạo ra sự căng thẳng và kết nối với khán giả, bởi mọi người đều trải nghiệm chúng hàng ngày.

Thí dụ:

Nam tiếp tục, “Tất cả các bạn đều biết tôi cứng đầu thế nào, vì vậy tôi đã cố gắng đi một mình, nhưng sau đó tôi bắt đầu mất khách hàng vì không thể giữ lời hứa. Không có đủ thời gian làm việc và đối thủ cạnh tranh ngày càng tiến lên, tôi ngày càng mất nhiều khách hàng hơn. Tôi biết rằng nếu mọi thứ tiếp tục theo cách này, công ty sẽ chìm xuống và tôi có thể đánh mất cả gia đình mình. Tôi cần giúp đỡ.”

Kết quả

Vào cuối câu chuyện, bạn sẽ tiết lộ số phận của nhân vật chính. Bạn cũng cần phải giải thích một cách tinh tế những điều đối tượng nên học hỏi từ nó. Giá trị của nó là gì? Tại sao bạn lại kể câu chuyện này?

Thí dụ:

Nam kết thúc câu chuyện của mình.

“Khi nhận ra mình cần sự giúp đỡ, tôi đã làm vậy. Tôi tạm dừng một số dự án lớn và bắt đầu tìm kiếm những con người tuyệt vời giúp đỡ mình.Tôi chọn mỗi người ở đây bởi các bạn là người giỏi nhất với công việc mà các bạn đang làm. Các bạn có kỹ năng, kiến ​​thức và kinh nghiệm mà tôi còn thiếu. “

“Công ty này là thành công là nhờ tất cả các bạn. Mọi công ty đều có giai đoạn thăng trầm, giống như tôi khi bắt đầu kinh doanh lần đầu, nhưng tôi tin tất cả các bạn và tin rằng chúng ta sẽ khắc phục được vấn đề này trong tháng tiếp theo. Hãy tập trung vào tương lai và nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau cùng thành công.”

Lời khuyên:

Những người kể chuyện giỏi biết rằng câu chuyện hay chỉ là một phần yếu tố truyền cảm hứng cho đối tượng lắng nghe. Thực hiện theo những mẹo dưới đây giúp bạn trở thành người kể chuyện tốt hơn.

  • Lắng nghe – Những người kể chuyện hay nhất cũng là những người lắng nghe tốt nhất. Cải thiện kỹ năng lắng nghe chủ động và chú ý khi người khác kể chuyện.
  • Luyện tập – Thử trình bày câu chuyện của bạn trước khi nói. Ngay cả khi chỉ luyện tập một lần trước gương hay trước máy quay cũng có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng kể chuyện.
  • Tạo trải nghiệm – Khi kể chuyện, bạn phải tạo trải nghiệm cho người nghe. Sử dụng cả 5 giác quan, đừng chỉ nói với họ.

Những điểm chính

Kể chuyện kinh doanh là nghệ thuật sử dụng câu chuyện để giao tiếp và kết nối với nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, đối tác hay bất kỳ ai khác có liên quan đến tổ chức bạn. Mục đích của kể chuyện kinh doanh không phải để giải trí. Thay vào đó, chúng có mục tiêu cụ thể, có kết quả mong muốn.

Để kể một câu chuyện hay, tính xác thực là rất quan trọng. Sử dụng câu chuyện để người khác biết bạn là ai và tại sao bạn ở đây. Đừng sợ khi kể những câu chuyện liên quan đến sự thất bại, phán đoán không tốt hay sai lầm từ phía bạn. Khi có sự chuẩn bị, bạn có thể nhanh chóng thiết lập lòng tin và mối quan hệ.

Hpo Banner