Blog

Thiết lập sự tín nhiệm, uy tín

Truyền cảm hứng, niềm tin cho người khác

Bạn đã tham dự khóa học nào do một ai đó không có kinh nghiệm về chủ đề anh ta giảng dạy? Hay, bạn có làm việc nhiều hơn cho một nhà lãnh đạo thường xuyên không giữ lời?

Rất có thể, bạn sẽ trả lời “không” cho những câu hỏi kể trên. Nếu định đầu tư thời gian, năng lượng và sự nhiệt tình của mình cho ai đó, bạn muốn đó là một người đáng tin cậy và xứng đáng với sự tin tưởng của bạn.

Nhưng tín nhiệm là gì? Tại sao nó lại quan trọng? Làm thế nào để xây dựng nó?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên và tìm hiểu xem tại sao uy tín lại quan trọng cho một sự nghiệp thành công.

Mục lục

Tín nhiệm là gì?

Nguồn gốc của từ “tín nhiệm – credibility” là “credo”, có nghĩa là “Tôi tin” bằng tiếng Latinh. Nói một cách đơn giản, tín nhiệm là cảm giác tin cậy và tôn trọng mà bạn truyền tải cho người khác.

Không có thứ gì tạo ra sự tín nhiệm. Thay vào đó, cần phải có sự kết hợp của mọi thứ để thiết lập nó.

Tại sao sự tín nhiệm lại quan trọng?

Hãy suy nghĩ về khoảng thời gian mà bạn làm việc dưới sự lãnh đạo của một người uy tín. Cô ấy tạo năng lượng và kích thích toàn bộ đội nhóm. Bạn biết, cô ấy sẽ làm những việc đúng đắn, vì những lý do chính đáng, nên luôn tin tưởng vào phán quyết của cô ấy.

Nhà lãnh đạo đáng tin cậy thu hút được nhiều người nhiệt tình và cam kết, mọi người muốn làm việc cho họ. Nhưng tín nhiệm lại rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong vai trò lãnh đạo.

Ví dụ: chuyên gia bán hàng cần uy tín để bán hàng thành công – mọi người không muốn mua hàng từ người mà họ không tin tưởng hoặc từ một người không biết gì về sản phẩm.

Bạn cũng cần có được sự tín nhiệm khi thuyết trình, đào tạo và trình bày ý tưởng của mình.

Làm thế nào để xây dựng sự tín nhiệm

Không cần biết vai trò và vị trí của bạn là gì, sự tín nhiệm là thứ bạn phải tự mình tìm kiếm. Phải mất thời gian, kiên nhẫn và nhất quán để xây dựng nó. Hãy thực hiện theo các mẹo dưới đây, giúp bạn xây dựng uy tín.

Xây dựng nhân cách

Nếu tín nhiệm là một kim tự tháp thì nhân cách và tính ngay thẳng chính là nền tảng.

Để xây dựng nhân cách, trước tiên hãy xác định giá trị cốt lõi mà bạn sẽ không vi phạm – người có cá tính mạnh mẽ đứng lên vì những điều họ tin tưởng, ngay cả khi nó chống lại quan điểm số đông. Hãy dành thời gian tìm hiểu bản thân và những điều bạn quan tâm nhất, sẵn sàng bảo vệ giá trị và sự lựa chọn của mình.

Tính ngay thẳng cũng rất cần thiết cho sự tín nhiệm. Bạn cần được biết đến là người làm những việc đúng đắn vì những lý do chính đáng.

Để bảo vệ sự ngay thẳng của bản thân, hãy suy nghĩ cẩn thận về lựa chọn và lời hứa bạn đưa ra, đừng bao giờ đưa ra lời hứa hay cam kết mà bản thân không thể thực hiện. Khi phạm phải sai lầm, hãy làm mọi thứ để sửa chữa.

Bạn cũng cần xác thực. Làm những điều mình nói; không bí mật về ý định của mình hay về việc chuyển từ ý định thành hành động ra sao. Đó là lý do tại sao bạn cần phải hiểu rõ bản thân và thể hiện tính xác thực trong mọi việc mình làm.

Phát triển chuyên môn

Bạn càng có và chứng minh được chuyên môn của mình, sự tín nhiệm càng lớn.

Để xây dựng chuyên môn, hãy lựa chọn một lĩnh vực duy nhất quan trọng với vai trò, tổ chức hoặc ngành của bạn. Điều này sẽ giúp bạn tập trung nỗ lực và đảm bảo không bị quá tải. Ví dụ: nếu là kỹ sư, bạn có thể phát triển kiến ​​thức chuyên môn về nguyên vật liệu đầu vào của sản phẩm và xây dựng từ đó.

Ngoài ra, đảm bảo bạn luôn cập nhật thông tin trong ngành. Khi biết xu hướng và xu thế phát triển của ngành, mọi người tin tưởng vào phán đoán của bạn.

Mặc dù danh tiếng về chuyên môn rất quan trọng, nhưng bảo vệ nó và thừa nhận những điều bạn không biết cũng quan trọng không kém. Khi bạn phán đoán hay làm việc với lĩnh vực nằm ngoài chuyên môn, mà không thông báo cho người khác, bạn có nguy cơ đưa ra thông tin sai lệch, quyết định sai lầm. Điều này có thể làm suy yếu danh tiếng chuyên gia, ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của bạn.

Mẹo:

Hãy cẩn thận trong cách truyền đạt kiến ​​thức chuyên môn của mình; bạn không muốn người khác nhìn mình là kẻ kiêu ngạo hay biết tuốt. Hãy khiêm tốn về thành tích, phát triển trí tuệ cảm xúc để có thể giao tiếp một cách nhạy cảm.

Hãy minh bạch

Mọi người tin vào những điều họ nhìn thấy. Khi cởi mở và trung thực, người khác không cần phán đoán động cơ hay ý định của bạn.

Lưu ý điều này khi tương tác với khách hàng, nhóm hoặc nhà cung cấp. Bạn có thể truyền tải niềm tin khi bạn nói chuyện cởi mở về ý định, giá trị và mục tiêu của mình.

Ngoài ra, hãy giữ đường dây giao tiếp mở, đặc biệt khi bạn có thông tin xấu.

Tự tiết lộ, khi bạn tiết lộ thông tin về bản thân với người khác, là một phần quan trọng của tính minh bạch. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy các giáo sư đại học chia sẻ thông tin cá nhân được xem là đáng tin cậy hơn những người không làm vậy. (Khái niệm cửa sổ Johari giúp bạn nghĩ cách xây dựng lòng tin thông qua tự tiết lộ).

Giao tiếp rõ ràng

Kỹ năng giao tiếp đóng một vai trò quan trọng trong sự tín nhiệm. Ví dụ: những người lắng nghe chăm chú và đưa ra bình luận thấu đáo, thường được coi là đáng tin cậy hơn những người không lắng nghe hoặc nói chuyện mà không suy nghĩ.

Bắt đầu bằng cách tăng cường kỹ năng lắng nghe chủ động. Khi mọi người đang nói, hãy chú ý vào họ và đặt câu hỏi, làm rõ bất cứ điều gì mà bạn không hiểu.

Khi giao tiếp với người khác, nói rõ ràng và tự tin. Không sử dụng biệt ngữ chuyên ngành – thay vào đó, hãy tập trung loại bỏ các rào cản giao tiếp để người nghe hiểu rõ thông điệp của bạn. Ngoài ra, đừng phóng đại thực tế hay câu chuyện, hãy bám vào sự thật.

Chuyên nghiệp

Bạn đã từng làm việc với sếp, khách hàng hay đồng nghiệp không chuyên nghiệp? Có lẽ họ không kiểm soát được cảm xúc khi chịu áp lực. Có thể họ xem thường người khác, thất bại khi trình bày “chi tiết” hoặc ít nỗ lực khi xuất hiện.

Chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng tạo nên sự tín nhiệm vì nó cho người khác thấy bạn thực sự quan tâm đến mối quan hệ và công việc của mình.

Thể hiện tính chuyên nghiệp, kiểm soát cảm xúc nơi làm việc. Đừng mắng nhiếc người khác khi đang mệt mỏi, căng thẳng hay nản lòng. Khi đang tranh luận hoặc đàm phán, đừng đưa ra bình luận hay ý kiến ​​cá nhân. Cố gắng khách quan, tách cảm xúc ra khỏi cuộc thảo luận.

Ăn mặc thanh lịch khi đi làm. Đây có vẻ là vấn đề nhỏ nhưng cách bạn thể hiện bản thân nói lên bạn là ai và bạn cảm thấy thế nào về bản thân. Khi ăn mặc một cách chuyên nghiệp và phù hợp, bạn sẽ tự tin hơn.

Đồng thời, theo kịp thời hạn đã đặt ra, luôn đảm bảo công việc đạt chất lượng cao và đừng biện minh khi không đạt được kết quả tốt.

Những điểm chính

Bạn có thể thiết lập sự tín nhiệm khi truyền cảm hứng, lòng tin cho người khác, điều này rất quan trọng với sự thành công, cho dù vai trò của bạn là gì đi nữa. Và nó đặc biệt quan trọng khi bạn đảm nhận vai trò lãnh đạo.

Để xây dựng sự tín nhiệm, hãy trung thực và ngay thẳng trong tất cả những việc bạn làm.

Cố gắng xây dựng chuyên môn, tính minh bạch, chuyên nghiệp và giao tiếp rõ ràng.

Hpo Banner