Blog

Mô hình học tập thông qua hành động nhóm

Giải quyết vấn đề bằng cách thực hiện và thảo luận

Người trưởng thành học tập tốt nhất khi họ thảo luận với người khác, phản ánh ý tưởng cùng nhau và lên kế hoạch hành động. “Một vấn đề được chia sẻ thì vấn đề đó đã được giảm đi một nửa”. Mô hình học tập thông qua hành động nhóm dựa trên cơ sở khoa học này bằng cách đưa mọi người trải nghiệm một vấn đề cùng nhau, nhằm tìm ra giải pháp khả thi, thử nghiệm và phát triển chúng hơn nữa. Những người tham gia học hỏi từ kinh nghiệm thực tế của các thành viên trong nhóm, cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách phản ánh ý tưởng được chia sẻ trong nhóm.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn biết làm thế nào sử dụng mô hình học tập thông qua hành động nhóm để giải quyết vấn đề và giúp mọi người học hỏi từ chúng.

“Nói với tôi và tôi quên. Dạy tôi và tôi nhớ. Thu hút tôi và tôi học.” (Benjamin Franklin – nhà chính trị và nhà phát minh Hoa Kỳ).

Mục lục

Mô hình học tập thông qua hành động nhóm là gì?

Giáo sư Reginald Revans phát triển mô hình học tập thông qua hành động nhóm vào giữa thập niên 1940. Ông viết rất nhiều về chúng trong cuốn sách năm 1983 của mình: “ABC of Action Learning“.

Cách tiếp cận của Revans được áp dụng lần đầu tiên ở Vương quốc Anh, sau đó là ở Bỉ. Theo nghiên cứu sau này, nghiên cứu của Revans tại Bỉ cải thiện đáng kể năng suất của đất nước này. Vào những năm 1990, các nhà tư vấn làm việc trong ngành ngân hàng đã giới thiệu lại mô hình học tập thông qua hành động nhóm vào Vương quốc Anh.

Ý tưởng đằng sau mô hình là người trưởng thành học tốt nhất khi họ có thể nói chuyện, phản ánh ý tưởng cùng nhau và lên kế hoạch hành động. Revans tóm tắt chúng trong các bước của Chu trình học tập thông qua hành động (Action Learning Cycle) (xem hình 1 bên dưới):

Hình 1 – Chu trình học tập bằng hành động

Mô hình học tập thông qua hành động nhóm đã đưa chu trình này vào thực tiễn. Khi sử dụng trong bối cảnh kinh doanh, họ tạo thành các nhóm nhỏ, xem xét vấn đề, tìm ra các giải pháp, thảo luận và đặt câu hỏi về kết quả. Những người này lặp lại Chu trình học tập bằng hành động cho tới khi họ tìm ra được một giải pháp tốt nhất.

Lưu ý:

Các lý thuyết của Revans hầu như không thay đổi kể từ khi bắt đầu được đưa ra, nhưng các nhà nghiên cứu đã phát triển thêm ý tưởng, như làm thế nào để áp dụng mô hình vào các tình huống khác nhau – ví dụ như trong môi trường ảo.

Tại sao nên sử dụng mô hình học tập thông qua hành động nhóm?

Học tập thông qua hành động nhóm có sự khác biệt với nhiều phương pháp tiếp cận tốt khác để giải quyết vấn đề (như Phân tích Nguyên nhân gốc rễ, Phân tích Nguyên nhân và tác độngSimplex), vì chúng hữu ích khi bạn cần “cảm nhận theo cách của bạn” với một giải pháp hoàn chỉnh thông qua các chu kỳ lặp lại.

Học tập thông qua hành động nhóm cũng thúc đẩy mối quan hệ làm việc tốt giữa các thành viên, vì mọi người cùng làm việc với nhau, cùng tìm ra cách tiếp cận tốt nhất cho vấn đề.

Chúng dựa trên cuộc trò chuyện, lời phê bình và các thách thức trong nhóm. Nó có thể khiến một số người cảm thấy không thoải mái, nhưng nó cũng khuyến khích sự đổi mới và tư duy sáng tạo dựa trên tinh thần xây dựng và cơ sở tổng quát hơn.

Khi nào nên sử dụng mô hình

Bạn có thể sử dụng mô hình học tập thông qua hoạt động nhóm để khám phá các vấn đề phức tạp, thiếu một giải pháp rõ ràng hoặc sẽ có lợi từ sự chia sẻ của mọi người. Bạn cũng có thể sử dụng mô hình để xem xét những vấn đề dài hạn cần được giải quyết.

Ví dụ, hãy tưởng tượng, bạn muốn giải quyết mức độ căng thẳng cao của một nhóm người đang cùng thực hiện một nhiệm vụ. Bạn tạo ra một buổi học tập thông qua hành động nhóm cho những người này. Mọi người sẽ chia sẻ sự cần thiết phải giải quyết vấn đề của nhóm và tất cả họ đều góp phần vào xây dựng giải pháp và tạo ra kết quả.

Làm thế nào để tạo một buổi học tập thông qua hành động nhóm?

Thực hiện theo các bước dưới đây (trong các bước này, chúng tôi giả định bạn là người chịu trách nhiệm trình bày vấn đề).  

Bước 1: Xác nhận chủ đề cần giải quyết

Bước đầu tiên là xác nhận vấn đề cần giải quyết trong trong buổi học tập thông qua hành động nhóm. Hãy xem xét các câu hỏi sau:

  • Đây là một vấn đề mở – có thể chia sẻ?
  • Bạn có thể thực hiện hành động để giải quyết vấn đề này?
  • Vấn đề này có ảnh hưởng đến một nhóm người rộng hơn?

Nếu không thể trả lời “có” cho tất cả các câu hỏi này, bạn nên xem xét một cách tiếp cận giải quyết vấn đề khác.

Bước 2: Chọn thành viên tham gia

Bước tiếp theo, chọn người tham gia, những người có thể đóng góp vào việc giải quyết vấn đề, vì họ sẽ chịu trách nhiệm về hành động của mình. Cố gắng chọn các thành viên có nguồn gốc khác nhau và đảm bảo họ tham gia một cách tự nguyện, thực sự quan tâm tới việc giải quyết vấn đề. Giới hạn khoảng  5 hoặc 6 người – để mọi người có cơ hội được tham gia.

Bước 3: Bổ nhiệm một người lãnh đạo/ người điều phối nhóm

Chỉ định một người lãnh đạo hoặc người điều phối. Người này cần có kỹ năng lắng nghe tuyệt vời và họ phải có khả năng điều phối cuộc thảo luận.

Với những thành viên khác, hãy tin tưởng rằng họ có khả năng tự dẫn dắt bản thân tốt nhất. Revans đưa ra quan điểm này bởi vì ông thấy rằng, đôi khi nhà lãnh đạo có kinh nghiệm có thể gây cản trở hoặc thậm chí hạn chế sự thành công của nhóm.

Một giải pháp bạn có thể tham khảo là sử dụng người lãnh đạo cho buổi học tập đầu tiên và sau đó cho phép các thành viên trong nhóm quyết định xem có tiếp tục với cách tiếp cận này hay sẽ thay đổi người điều phối khác trong nhóm.

Bước 4: Lựa chọn địa điểm

Mô hình học tập thông qua hoạt động nhóm thường có hiệu quả nhất khi chúng diễn ra trong một môi trường không quen thuộc (mới lạ). Nó phá vỡ suy nghĩ thông thường đã được thiết lập của các thành viên và cung cấp cho họ một quan điểm mới.

Bước 5: Khởi động phiên

Sử dụng Chu trình học bằng hành động của Revans làm cơ sở. Như chúng ta đã thấy ở trên, bốn bước này là:

  • Phản ánh
  • Học hỏi
  • Lên kế hoạch
  • Hành động

Hãy xem xét từng bước chi tiết hơn.

1. Phản ánh suy nghĩ

Thứ nhất, trình bày vấn đề. Các thành viên nên đặt câu hỏi về vấn đề này, kiểm tra các giả định và thảo luận về giải pháp tiềm năng. Họ có thể sử dụng các công cụ CATWOE, Starbursting hoặc 6 chiếc mũ tư duy để khám phá vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.

Một khi đã hoàn thành vòng đầu tiên của chu kỳ, các thành viên cần sử dụng giai đoạn này để phản ánh về sự tiến bộ của họ và những trở ngại họ gặp phải, cũng như bản thân vấn đề.

2. Học hỏi

Sau cuộc thảo luận ban đầu, hãy nói về những điều mà mỗi người đã học được từ nó. Xem xét các câu hỏi sau:

  • Ý tưởng hay thông tin mới nào được khám phá?
  • Những giả định nào đã được xóa bỏ?
  • Những sai lầm trong quá khứ nào chúng ta có thể học hỏi và tránh trong tương lai?
  • Rào cản nào, nếu có, chúng ta còn phải đối mặt và làm thế nào thay đổi quan điểm về chúng?
  • Các lựa chọn giúp chúng ta tiến lên phía trước?
  • Có cách tiếp cận nào mới?

Giai đoạn học tập này rất quan trọng. Nếu không có nó, mô hình học tập thông qua hành động nhóm có thể chỉ là một nhóm dự án được giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề.

3. Lập kế hoạch

Mục tiêu của bạn trong giai đoạn này là xác định các hoạt động giúp giải quyết vấn đề và xây dựng một kế hoạch thực hiện hiệu quả. Nếu thích hợp, mỗi thành viên nên thỏa thuận thực hiện hoặc quản lý một trong các giải pháp được đề xuất và báo cáo về nó trong cuộc họp tiếp theo. Thỏa thuận về nội dung cuộc họp tiếp theo và thống nhất ai là người báo cáo, nhiệm vụ nào.

4. Hành động

Giờ là lúc để hành động. Giữa các cuộc họp, mọi người phải làm việc theo các hoạt động đã được đồng ý và theo dõi nó, từ đó báo cáo lại cho các thành viên khác.

Trong cuộc họp tiếp theo, hãy bắt đầu lại Chu trình học tập bằng hành động. Nghe báo cáo của các thành viên và kiểm tra xem cái gì hiệu quả, cái gì không và hành động nào cần thực hiện ngay. Sau đó, lên lịch cho một buổi họp khác để phản ánh và thảo luận về hành động vừa được thông qua.

Bạn có thể thỏa thuận số lượng các cuộc họp (hết thì sẽ giải tán) hoặc bạn có thể tiếp tục quá trình học tập cho đến khi mọi người tự tin rằng vấn đề đã được giải quyết hoàn toàn.

Những điểm chính

Mô hình học tập thông qua hành động nhóm được Giáo sư Reginald Revans phát triển vào giữa những năm 1940 trong cuốn sách “ABC of Action Learning” xuất bản năm 1983.

Trong doanh nghiệp, bạn có thể sử dụng mô hình này để tập hợp các nhóm nhỏ nhằm kích phá não và giải quyết một vấn đề. Họ cùng hành động, họp mặt để phản ánh kết quả của mình và tinh chỉnh cách tiếp cận cho đến khi vấn đề được giải quyết triệt để.

Mô hình học tập thông qua hoạt động nhóm tăng cường mối quan hệ làm việc và cải thiện làm việc theo nhóm. Họ làm việc dựa trên nhiều nền tảng và kinh nghiệm khác nhau để giải quyết vấn đề.

Hpo Banner