Blog

3 bước giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân

Mục lục

Tại sao cần quan tâm tới thương hiệu cá nhân?

Hãy hình dung tới việc xây dựng thương hiệu của một công ty lớn mà bạn biết, ví dụ như: FPT, Thế giới di động, VinGroup… Bạn sẽ nhận thấy rằng logo và cách phối hợp màu sắc của họ, các loại quảng cáo, dịch vụ khách hàng… tất cả cùng thể hiện một hình ảnh nhất định nào đó, giúp định hình cách bạn cảm nhận về họ. Đó chính là cách giúp họ thành công trong kinh doanh. Còn đối với thương hiệu cá nhân thì sao?

Được nhiều người biết đến và tin tưởng sẽ giúp bạn có được nhiều lợi ích:

  • Thương hiệu cá nhân giúp cái tên của bạn được các sếp trong công ty nhớ đến và gắn liền nó với một giá trị mà tổ chức thực sự cần tới. Điều này giúp bạn mở rộng cơ hội thăng tiến trong công ty.
  • Nếu bạn muốn tăng doanh thu, thương hiệu cá nhân giúp nhiều khách hàng biết về bạn, tin tưởng và tìm tới mua sản phẩm của bạn.
  • Đội nhóm và tổ chức của bạn cũng sẽ có lợi, khi bạn có thể học hỏi được từ các chuyên gia, những người đã kết nối với thương hiệu của bạn. Họ sẽ giúp bạn phát hiện ra những xu hướng kinh doanh và xu hướng chuyên môn trong tương lai.
  • Một hình ảnh cá nhân tích cực cũng giúp bạn gặp gỡ nhiều người trong cùng lĩnh vực, những người quan tâm tới sở thích và chuyên môn của bạn. Mối quan hệ này giúp bạn mở rộng cơ hội nghề nghiệp trên thị trường.

Đã đến lúc bạn muốn tên tuổi của mình được nhiều người biết đến? Thật tuyệt! Nhưng bạn thúc đẩy thương hiệu cá nhân như thế nào?

Làm thế nào để xây dựng thương hiệu cá nhân?

Bài viết này giúp bạn thực hiện các bước cần thiết để tạo ra thương hiệu cá nhân độc đáo của mình. Trong khi thị trường kinh doanh và việc làm tràn ngập các tên tuổi đình đám, đến ngạt thở, tưởng như không còn chỗ cho một khuôn mặt mới trong đám đông. Bạn phải tách mình ra khỏi cuộc chơi đó…

Bước 1. Hiểu rõ Bạn là ai?

Thương hiệu cá nhân là điều tách biệt bạn ra khỏi những người khác trên thị trường. Đó là cái gì đó nhất quán mà bạn muốn những người khác nói về bạn. Trước hết hãy tìm hiểu xem bạn là ai?

Giá trị cá nhân của bạn là gì?

Giá trị cá nhân là những điều thúc đẩy bạn nỗ lực hành động. Chúng là các tiêu chí bạn dùng để đưa ra các quyết định và lựa chọn. Ví dụ: một người có thể có các tập hợp các giá trị mà họ coi trọng như sau:

  • Tiền bạc
  • Gia đình
  • Bạn bè
  • Cộng đồng
  • Danh vọng
  • Sự thông minh
  • Chân thành
  • Chính trực

Bộ giá trị này xác định những điều quan trọng nhất đối với họ. Khi phải đối mặt với một quyết định như: Có nên nhận một công việc mới? Người đó sẽ lựa chọn dựa trên các giá trị cá nhân của họ. Họ sẽ tự hỏi mình lựa chọn tốt nhất là ưu tiên cho gia đình, tiền bạc hay là danh vọng?

Người ưu tiên giá trị gia đình, họ sẽ lựa chọn công việc để có thời gian chăm sóc người thân. Người ưu tiên giá trị tiền bạc, họ sẽ lựa chọn công việc có mức thu nhập cao. Người ưu tiên danh vọng, họ sẽ lựa chọn công việc tạo cho họ quyền lực và tầm ảnh hưởng…

Không có giới hạn nào trong danh sách giá trị cá nhân của bạn. Cũng không có tốt và xấu, không có đúng và sai. Đơn giản đó là những giá trị của bạn. Bây giờ hãy dừng đọc, lấy giấy bút và viết ra danh sách các giá trị mà bạn ưu tiên trong cuộc sống là gì?

Mẹo:

  • Thoải mái viết ra danh sách tất cả các giá trị mà bạn coi trọng, nhớ không phán xét đúng sai.
  • Rà soát lại và chọn ra 3 đến 5 giá trị mà bạn ưu tiên nhất trong danh sách.
  • Tham khảo thêm ý kiến của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Đam mê của bạn là gì?

Đam mê là những điều mà bạn thích làm. Vì vậy hãy viết ra danh sách những việc bạn từng làm trong quá khứ, đảm bảo rằng việc đó đem lại cho bạn cảm xúc tích cực như vui vẻ, hạnh phúc và hưng phấn.

Đam mê là việc bạn sẽ làm ngay cả khi bạn không được trả tiền hoặc thậm chí bạn sẵn sàng bỏ chi phí ra để làm việc đó. Hãy viết ra…

Cuối cùng, bạn nên khoanh vùng để xác định đâu là niềm đam mê cá nhân và đâu là niềm đam mê trong nghề nghiệp. Điều này sẽ cho bạn những ý tưởng trong công việc để thúc đẩy sự nghiệp, cũng như những điều bạn sẽ làm ngoài thời gian làm việc để bạn cảm thấy hạnh phúc về cuộc sống.

Ví dụ, một người có thể có những niềm đam mê cá nhân và nghề nghiệp như dưới đây:

Đam mê nghề nghiệp:

  • Thiết kế
  • Điện thoại thông minh
  • Công nghệ

Đam mê cá nhân:

  • Du lịch cùng gia đình
  • Phượt
  • Đá bóng

Thế mạnh của bạn là gì?

Để biết đâu là thế mạnh của mình, bạn cần tiến hành một phân tích SWOT cá nhân. Công cụ này giúp bạn xác định:

  • Điểm mạnh của bạn là gì?
  • Điểm yếu là gì?
  • Có những cơ hội nào?
  • Thách thức nào cần vượt qua?

Ví dụ, bạn có phải một người sáng tạo? một nhân viên bán hàng tiềm năng? hay có tài năng về quản lý tài chính?

Thử rà soát lại những thành tựu mà bạn đạt được trong quá khứ và nghĩ xem điều gì giúp bạn đạt được thành quả đó? Cũng như suy nghĩ về những lúc bạn có nhiều ý tưởng sáng tạo, đó là khoảng thời gian nào? ở đâu? và bạn đang làm gì?

Bạn cũng có thể hỏi những người xung quanh, nhờ họ nói xem điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Sau đó hãy viết tất cả ra giấy và xác định 3 điểm mạnh nhất của bạn.

Thiết lập một tầm nhìn thương hiệu

Bây giờ bạn hãy đặt 3 vòng tròn “giá trị cá nhân”, “niềm đam mê” và “thế mạnh” cạnh nhau. Liên kết chúng lại để xác định vùng giao thoa của 3 vòng tròn là gì? Lĩnh vực nghề nghiệp nào vừa là đam mê, vừa là thế mạnh và đảm bảo giá trị cá nhân mà bạn coi trọng. Ví dụ điểm giao thoa của một người có thế mạnh “sáng tạo”, anh ta đam mê nghề “thiết kế đồ gia dụng” và coi trọng giá trị “cộng đồng”. Kết hợp lại anh lựa chọn theo đuổi lĩnh vực “tư vấn thiết kế đồ nội thất thông minh”. Còn bạn thì sao?

Cuối cùng, đã đến lúc đặt bút để viết ra câu tuyên bố về tầm nhìn thương hiệu cá nhân của bạn. Tầm nhìn thương hiệu cá nhân là bức tranh chân dung mô tả những gì bạn muốn người khác nói về bạn trong tương lai. Gợi ý là hãy viết nó ra chỉ trong vòng 1 câu ngắn gọn, thậm chí là 1 từ cốt lõi nhất.

Ghi chú: Hiểu rõ “bạn là ai” và đúc rút ra một câu mô tả ngắn gọn là một quá trình trải nghiệm và đúc rút lâu dài, không thể vội vã, chỉ cần bạn kiên trì quan sát chính mình và tự hỏi, thời gian sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.

Bước 2. Xác định khách hàng mục tiêu của bạn là ai?

Bạn biết rằng xác định khách hàng mục tiêu là một thuật ngữ rất quan trọng trong kinh doanh. Tương tự nó cũng cực kỳ quan trọng với bất cứ ai muốn xây dựng thương hiệu cá nhân. Về cơ bản, có hai người phù hợp với đối tượng mục tiêu của bạn:

  • Người sẽ trả tiền cho bạn.
  • Người có ảnh hưởng đến người trả tiền cho bạn.

Người đầu tiên trong danh sách, người trả tiền cho bạn, đây là trọng tâm chính. Họ là khách hàng của bạn, là sếp hiện tại hoặc trong tương lai của bạn. Hay nhà đầu tư và chủ nợ của bạn…

Người thứ hai trong danh sách đối tượng mục tiêu là người ảnh hưởng đến người trả tiền cho bạn. Đó có thể là một đối tác kinh doanh, là khách hàng hoặc nhà cung cấp của công ty. Những người này có ảnh hưởng đến quyết định mà đối tượng khách hàng số một của bạn tạo ra. Đó chính là lý do tại sao bạn cần chú ý đến những người có ảnh hưởng. Nếu bạn có được sự tin tưởng của họ, họ có thể ảnh hưởng đến người sẽ trả tiền cho bạn.

Mẹo: Hãy tập trung vào nhóm 1, những người trả tiền cho bạn. Đó là khách hàng của bạn. Hoặc là sếp hiện tại và trong tương lai của bạn.

Bước 3. Chọn kênh truyền thông phù hợp

Bây giờ bạn cần xây dựng các kênh truyền thông để khách hàng mục tiêu tìm hiểu và biết đến bạn. Thật may mắn! Các phương tiện truyền thông xã hội có sẵn hiện nay có thể đưa ra nhiều cách giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân. Dưới đây là một số lựa chọn:

  • Tham gia mạng xã hội: Facebook, Linkedin, Zalo, Google+
  • Viết Blog cá nhân.
  • Thảo luận trên các diễn đàn nghề nghiệp online.
  • Tham gia các hội thảo chuyên đề…

Nên làm gì với các kênh truyền thông này? Đơn giản là chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm với khách hàng mục tiêu của bạn. Ghi nhớ: Đó phải là những cách thức giúp khách hàng giải quyết được vấn đề của họ.

Đừng cố gắng tham gia tất cả các kênh truyền thông. Thay vào đó, chọn kênh truyền thông phù hợp với khả năng và nguồn lực hiện tại của bạn. Đơn giản nhất là chia sẻ trên facebook cá nhân, tham gia thảo luận trên các diễn đàn nghề nghiệp. Nếu có khả năng viết, bạn có thể tạo một blog… Nhớ giữ hình ảnh thương hiệu nhất quán trên kênh truyền thông mà bạn đã chọn. Ví dụ nếu chọn facebook để thể hiện thương hiệu chuyên nghiệp của bạn thì đừng bao giờ than phiền trên đó, cũng như đừng post nhưng kiểu ảnh không liên quan làm hỏng hình ảnh thương hiệu của bạn.

Mẹo: Tập trung tạo giá trị trên các kênh truyền thông bằng cách giúp khách hàng mục tiêu của bạn giải quyết được vấn đề của họ.

Chìa khóa thành công

Mấu chốt để hình thành thương hiệu chính là sự nhất quán, một khi bạn đã xác định rõ mình là ai? tầm nhìn thương hiệu của bạn là như thế nào? Thì lời nói và hành vi của bạn phải đúng như vậy. Hãy học cách để là chính mình và tạo ra một thương hiệu cá nhân có giá trị.

Những điểm chính 

Tại sao cần quan tâm đến thương hiệu cá nhân? Bởi vì nó giúp bạn:

  • Tìm một công việc tốt hơn để bạn kiếm được nhiều tiền hơn và vui vẻ đi làm mỗi ngày.
  • Có thêm nhiều khách hàng cho công ty để tăng thu nhập của bạn.
  • Phát triển mạng lưới quan hệ nghề nghiệp của bạn để mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
  • Đặt nền tảng vững chắc cho sự thành công trong tương lai.

3 bước xây dựng thương hiệu cá nhân:

  • Hiểu rõ bạn là ai?
  • Xác định khách hàng mục tiêu của bạn là ai?
  • Chọn kênh truyền thông phù hợp với bạn

Chia khóa để xây dựng thương hiệu thành công đó chính là sự “nhất quán”. Trên tất cả, hãy chính trực – là chính mình – để tạo ra một thương hiệu cá nhân có giá trị.

Hpo Banner