Blog

5 bước Quản trị dựa trên Dữ liệu

Chúng ta thường nhắc đến “sự nhạy bén” trong kinh doanh.

Các doanh nhân thành công được đánh giá cao bởi sự nhanh nhạy trong các quyết định chớp thời cơ của họ.

Thị trường đã phân mảnh,

Nói về việc ra quyết định trong kinh doanh, tôi phát hiện ra rằng, các doanh nhân Việt Nam bắt đầu chia làm hai trường phái:

  • Một nhóm kinh doanh dựa trên kinh nghiệm và sự nhạy bén (bản năng).
  • Nhóm còn lại kinh doanh dựa trên dữ liệu.

Tất nhiên,

Còn một nhóm nữa, quan điểm của họ là cả hai, kết hợp cả dữ liệu và sự nhạy bén (bản năng). Tôi gọi đó là các doanh nhân “ba phải”, không có triết lý rõ ràng trong kinh doanh.

Câu hỏi đặt ra là:

Mục lục

Dữ liệu hay Sự nhạy bén trong kinh doanh sẽ thắng?

Theo thống kê, thì rõ ràng sự nhạy bén đang thắng thế ở Việt Nam.

Vì vậy, tôi viết theo chiều ngược lại,

Một thời điểm không xa, 3 hoặc 5 năm nữa, dữ liệu sẽ chắc thắng. Bởi vì, chúng ta đang chuyển đổi sang nền kinh tế 4.0 mà nền tảng của nó là Big Data (dữ liệu lớn).

Theo kinh nghiệm triển khai của tôi, bạn cần bắt đầu từ bây giờ, bởi vì bạn cần đủ “giờ bay” theo đường kinh nghiệm để có thể làm chủ hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu.

Tại sao Quản trị dựa trên Dữ liệu lại quan trọng?

Khi thị trường của bạn liên tục thay đổi, các quyết định dựa trên cảm tính (bản năng) và dựa vào kinh nghiệm (quá khứ) không tạo ra sự đổi mới.

Không đổi mới, sẽ không có lợi thế cạnh tranh, dẫn đến thất bại.

Các doanh nghiệp hiện đại nhận ra rằng: Dữ liệu cần được nằm ở trung tâm của quá trình ra quyết định.

Với dữ liệu, bạn và đội nhóm biết chính xác những gì, hay vấn đề nào, đang xảy ra trong công ty. Dữ liệu hiển thị trình ình trước mắt, không thể chối cãi.

Quan trọng hơn,

Phân tích dữ liệu, giúp bạn và đội nhóm hiểu sâu sắc các mối quan hệ nhân quả và nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Ví dụ như: Điều gì tác động lớn nhất tới tỷ lệ hài lòng của khách hàng? Hoặc, yếu tố nào là nguyên nhân khiến doanh thu đang sụt giảm…

Dữ liệu, ngay lập tức, giúp các quyết định được đưa ra nhanh hơn và chính xác hơn.

Làm sao để trở thành một doanh nghiệp hoạt động dựa trên dữ liệu?

5 bước cơ bản dưới đây cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu trong doanh nghiệp.

Bước 1: Chiến lược quan trọng

Ra quyết định dựa trên dữ liệu bắt đầu với chiến lược kinh doanh.

Xác định chiến lược giúp bạn làm mờ, thậm chí, loại bỏ tất cả các thông tin và dữ liệu không quan trọng.

Hãy nhớ, chúng ta không phải chị lao công nhặt rác, thu gom tất tần tật thông tin và dữ liệu ở mọi ngóc ngách của doanh nghiệp.

Thay vào đó, chỉ thu thập và quản lý các dữ liệu quan trọng liên quan và phục vụ cho chiến lược.

Đây chính là một sự khởi đầu tốt.

Bước 2: Xác định các nguồn dữ liệu chính

Khi quản trị dựa trên dữ liệu, bạn sẽ nhận ra rằng: “Ồ, dữ liệu có ở mọi nơi.”

Dữ liệu đang chảy vào doanh nghiệp của bạn từ mọi hướng:

  • Từ tương tác của khách hàng,
  • Hiệu suất của máy móc,
  • Thông tin từ các phần mềm bán hàng, kế toán…
  • Thậm chí, từ phản hồi của mỗi nhân viên.

Dữ liệu phát sinh mỗi ngày nhiều không kể xiết, và

Điều quan trọng là:

Khoanh vùng “nguồn dữ liệu” mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp. Nguồn dữ liệu nào là chìa khóa để đạt được chiến lược kinh doanh của bạn?

Chắc chắn là ít thôi, không nhiều lắm đâu.

Bước 3: Làm rõ mục tiêu dữ liệu

Bạn đã xác định được đâu là nguồn dữ liệu chính.

Tiếp theo, hãy làm rõ dữ liệu mục tiêu là gì? Gạch chính xác các dữ liệu mà bạn cần và đặt tên cho chúng.

Lưu ý: Cân nhắc tới nguồn lực và chi phí để thu thập và quản lý dữ liệu. Khoản chi phí đó có xứng đáng để đầu tư hay là không?

Bước 4: Thu thập và phân tích dữ liệu

Quản trị dựa trên Dữ liệu là trò chơi thú vị với con số. Khi làm chủ được trò chơi, tin tôi đi, chắc chắn bạn sẽ nghiện.

Quay trở lại,

Ở bước 4 này, bạn xác định các người chơi chính, bao gồm:

  • A: Người quản lý và thu thập dữ liệu.
  • B: Người phân tích dữ liệu.
  • C: Người sử dụng dữ liệu.

Trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, B và C thường là một người. Ví dụ với dữ liệu về tài chính:

  • A: Nhân viên kế toán sẽ quản lý và thu thập dữ liệu.
  • B & C: Giám đốc sẽ phân tích và sử dụng dữ liệu để ra quyết định tài chính.

Bước 5: Biến thông tin thành hành động

Dữ liệu chỉ có giá trị khi nó tạo ra các quyết định và hành động.

Bước cuối cùng này, bạn thiết kế hệ thống mẫu biểu báo cáo và các kênh truyền tải trong toàn tổ chức.

Mục đích là cung cấp thông tin thông suốt và kịp thời cho ban lãnh đạo, các phòng/ban, đội nhóm và cá nhân để ra quyết định, hành động thật nhanh và chính xác.