Blog

Nỗi sợ thành công

Vượt qua nỗi sợ thay đổi

Sếp Lan vừa công bố rằng công ty đã giành chiến thắng gói thầu tổ chức chiến dịch marketing mang tầm quốc gia. Sếp muốn Lan điều hành dự án này.

Lan luôn mong nhận được cơ hội như thế này. Cô biết công việc và kỹ năng quản lý của mình đủ điều kiện để thực hiện công việc – và cô biết việc này có thể giúp cô thăng chức hoặc ít nhất là nhận được sự công nhận xứng đáng.

Tuy nhiên, đến thứ sáu, cô lại đưa ra danh sách những lý do mà cô không thể điều hành dự án. Nhưng đến cuối ngày, cô vẫn không nói với sếp của mình.

Tình huống này có quen thuộc?

Sợ hãi thành công thực sự khá phổ biến và nó có thể khiến chúng ta mất đi rất nhiều cơ hội trong cuộc sống. Khi sợ gặp phải rủi ro và tiến tới mục tiêu – cả có ý thức lẫn vô thức – chúng ta bị mắc kẹt ở một nơi, không thể tiến hay lùi.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu nỗi sợ thành công: nó là gì, làm thế nào để biết mình đang mắc phải nó và có thể làm gì để vượt qua.

Mục lục

Nỗi sợ thành công

Nhà tâm lý học Matina Horner lần đầu tiên chẩn đoán nỗi sợ thành công vào đầu những năm 1970. Những phát hiện của bà, đặc biệt khi liên quan đến nỗi sợ thành công ở phụ nữ vào thời điểm đó, đã gây ra nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên kể từ đó, hầu hết các nhà khoa học và nhà tâm lý học đều đồng ý rằng nỗi sợ thành công tồn tại ở cả nam và nữ.

Sợ thành công cũng giống như sợ thất bại. Chúng có nhiều triệu chứng giống nhau và đều ngăn cản bạn thực hiện ước mơ và mục đích của mình.

Dấu hiệu cho thấy nỗi sợ thành công

Vấn đề lớn nhất với nhiều người là nỗi sợ thành công của họ phần lớn xuất phát từ vô thức. Họ không nhận ra rằng mình đang tự ngăn cản bản thân làm những điều tuyệt vời.

Nếu trải qua những suy nghĩ hoặc lo ngại sau đây, bạn có thể gặp phải tình trạng sợ hãi thành công ở mức độ nào đó:

  • Bạn cảm thấy có lỗi với bất kỳ thành công nào mà mình đạt được, cho dù lớn hay nhỏ, bởi vì bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp không đạt được thành công như vậy.
  • Bạn không nói với người khác về thành tích của mình.
  • Bạn né tránh hoặc trì hoãn những dự án lớn, đặc biệt là những dự án có thể giúp bạn nhận được sự công nhận.
  • Bạn thường xuyên thỏa hiệp mục tiêu hoặc chương trình làm việc của mình để tránh xung đột trong nhóm hay thậm chí là xung đột trong gia đình.
  • Bạn tự phá hoại công việc hoặc ước mơ của mình bằng cách thuyết phục bản thân rằng mình không đủ tốt để đạt được chúng.
  • Bạn cảm thấy mình không xứng đáng được hưởng thành công trong cuộc sống.
  • Bạn tin rằng nếu đạt được thành công, bạn sẽ không thể duy trì nó. Cuối cùng bạn sẽ thất bại và trở nên tồi tệ hơn lúc đầu.

Nguyên nhân gây ra nỗi sợ thành công

Nỗi sợ thành công có thể đến từ nhiều nguyên nhân:

  • Chúng ta sợ những điều thành công mang lại – ví dụ như sự cô đơn, kẻ thù mới, bị cô lập khỏi gia đình, làm việc nhiều hơn,…
  • Chúng ta sợ rằng khi càng leo cao trong cuộc sống, càng dễ rơi xuống khi phạm sai lầm.
  • Chúng ta sợ công việc, trách nhiệm hoặc lời chỉ trích mà chúng ta sẽ phải đối mặt.
  • Chúng ta sợ rằng mối quan hệ của bản thân sẽ trở nên tồi tệ nếu chúng ta thành công. Bạn bè và gia đình sẽ có phản ứng ghen tuông, hoài nghi và chúng ta sẽ đánh mất những người thân yêu.
  • Chúng ta sợ rằng hoàn thành mục tiêu và nhận ra bản thân có khả năng thành công  có thể thực sự gây ra một sự hối tiếc mãnh liệt rằng tại sao mình không hành động sớm hơn.

Vượt qua nỗi sợ hãi thành công

Bạn có thể sử dụng một số chiến lược khác nhau để vượt qua nỗi sợ thành công của mình. Tin tốt là càng đối mặt với nỗi sợ hãi của mình, đặt chúng lên và phân tích một cách hợp lý, bạn càng làm suy yếu nỗi sợ đó – và làm giảm đáng kể sự miễn cưỡng của bản thân đạt được mục tiêu của mình.

Hãy nhìn nhận một cách thực tế xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thành công với mục tiêu của mình. Đừng nhìn vào những điều bạn hy vọng sẽ xảy ra hay những điều bạn sợ sẽ xảy ra. Thay vào đó, hãy nhìn vào những điều có thể xảy ra.

Điều quan trọng là không nên đưa ra câu trả lời nhanh chóng cho vấn đề này. Hãy dành ít nhất 15 phút xem xét vấn đề và viết ra câu trả lời cho những câu hỏi sau:

  • Bạn bè và gia đình tôi sẽ phản ứng thế nào nếu tôi hoàn thành mục tiêu này?
  • Cuộc sống của tôi sẽ thay đổi thế nào?
  • Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu tôi đạt được mục tiêu này là gì?
  • Điều tốt nhất có thể xảy ra là gì?
  • Tại sao tôi cảm thấy mình không xứng đáng đạt được mục tiêu này?
  • Động cơ thúc đẩy tôi hướng tới mục tiêu?
  • Tôi làm gì phá hoại hoặc làm tổn hại nỗ lực của mình?
  • Tôi có thể làm gì để ngăn chặn hành vi tự phá hoại?

Một kỹ thuật hữu ích khác là giải quyết sự sợ hãi một cách trực tiếp và sau đó phát triển kế hoạch dự phòng giúp bạn vượt qua nỗi sợ của bản thân .

Ví dụ, giả sử bạn không thúc đẩy bản thân cố gắng để được thăng chức và lý do lớn nhất là sợ rằng mức thu nhập tăng thêm và sự công nhận sẽ làm hại đến mối quan hệ gia đình và sự ngay thẳng của bạn. Bạn lo lắng, mình sẽ phải làm việc bận rộn để duy trì thành công, ít có thời gian cho gia đình và có thể bị buộc phải đưa ra những lựa chọn phá hủy tính toàn vẹn của mình.

Để vượt qua những lo ngại này, hãy bắt đầu bằng cách giải quyết khối lượng công việc. Bạn có thể đặt ra quy tắc cho chính mình như luôn có mặt ở nhà lúc 7 giờ tối. Bạn có thể nói điều này với sếp nếu được đề nghị cho vị trí mới.

Đối với những vấn đề liên quan đến tính ngay thẳng, bạn luôn có lựa chọn. Nếu duy trì tính ngay thẳng là mục tiêu hàng đầu, thì bạn sẽ luôn đưa ra những lựa chọn đúng.

Bằng cách tạo ra kế hoạch dự phòng giải quyết nỗi sợ hãi của bản thân, bạn có thể loại bỏ hoàn toàn chúng.

Những điểm chính

Sợ hãi thành công khá phổ biến nhưng nhiều người trong chúng ta không nhận ra rằng mình mắc phải nó. Những hoạt động mang tính tự phá hoại – chẳng hạn như trì hoãn, tự phủ nhận bản thân và sợ những điều thành công sẽ mang lại – có thể khiến chúng ta quay lưng với việc đạt được mục tiêu và ước mơ của mình.

Nếu bạn nghĩ rằng mình đang sợ hãi thành công, hãy xác định lý do tại sao. Bạn càng đối mặt với nỗi sợ và phân tích lý do tại sao, bạn càng có nhiều khả năng vượt qua được nỗi sợ và tiến lên trong cuộc sống.

Hpo Banner