Blog

Lời nói truyền tải bao nhiều % thông điệp

Mô hình giao tiếp của Mehrabian

Đã bao giờ bạn mở email từ đồng nghiệp và hiểu sai thông tin trên đó?

Có lẽ bạn cảm thấy thông điệp dường như chỉ trích bạn hay công việc bạn làm, trong khi thực tế người viết không có ý đó. Hoặc có thể bạn từng nói chuyện với khách hàng qua điện thoại, chỉ cần nghe giọng điệu của họ, và bạn biết mình sẽ không bán được hàng.

Giao tiếp được tạo thành từ nhiều yếu tố không chỉ là từ ngữ mà chúng ta sử dụng. Giọng nói, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể đều đóng một vai trò quan trọng trong việc chúng ta hiểu thế nào. Và nếu giao tiếp trong một tình huống không thể sử dụng tất cả những yếu tố này để thúc đẩy cho thông điệp của mình, thì chúng ta cần cẩn thận.

Bạn có thể đã từng nghe qua rằng từ ngữ bạn dùng chỉ truyền tải 7% thông điệp. 93% còn lại là từ các đầu mối tinh tế như giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể. Nó bắt nguồn từ một nghiên cứu do nhà tâm lý học Albert Mehrabian thực hiện vào cuối những năm 60. Nhưng hãy cẩn thận, nó thường bị hiểu sai!

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu mô hình giao tiếp của Mehrabian và xem làm thế nào bạn có thể sử dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Mục lục

Mô hình giao tiếp của Mehrabian

Năm 1967, trong một nghiên cứu có tiêu đề “Inference of Attitudes from Nonverbal Communication in Two Channels“, nhà tâm lý học Albert Mehrabian tiết lộ dữ liệu mới mang tính đột phá, liên quan đến tầm quan trọng tương đối của thông điệp bằng lời và không bằng lời.

Trong nghiên cứu ban đầu của mình, Mehrabian đã xem xét sự kết hợp khác nhau liên quan đến thái độ “tích cực”, “trung lập” và “tiêu cực”, được thể hiện thông qua biểu hiện trên khuôn mặt và giọng nói.

Ví dụ, ông sử dụng từ “có thể” để kiểm tra xem mọi người đánh giá cảm xúc của người khác tốt thế nào. Từ “có thể” được coi là có ý nghĩa trung lập. Sau đó, được đọc với giọng nói tích cực, trung lập và tiêu cực, người nghe phải đánh giá thái độ của người nói, chủ yếu dựa vào giọng điệu của họ.

Nghiên cứu cho phép Mehrabian xem xét tầm quan trọng tương đối của ba yếu tố trong giao tiếp: từ ngữ, giọng điệu và nét mặt. Ông muốn tìm hiểu xem yếu tố nào có trọng lượng nhất để biết liệu chúng ta lắng nghe nhiều hơn những mọi người nói hay để ý đến cách họ nói.

Khi hoàn thành nghiên cứu, Mehrabian kết luận rằng, trong tình huống liên quan tới cảm xúc và thái độ, biểu hiện trên khuôn mặt là yếu tố quan trọng nhất, tiếp theo là giọng điệu. Từ ngữ được nói ra ít quan trọng nhất.

Là một phần nghiên cứu, Mehrabian, cũng nghiên cứu ảnh hưởng của “giao tiếp không nhất quán”, khi mà biểu hiện trên khuôn mặt hay giọng điệu rõ ràng trái với từ ngữ được sử dụng. Vậy, khi không có sự nhất quán theo cách này, yếu tố nào thực sự được mọi người chú ý đến nhất? Họ phản ứng với từ ngữ, giọng điệu hay ngôn ngữ cơ thể? Một lần nữa, Mehrabian kết luận rằng mọi người phản ứng với ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu nhiều hơn lời nói, từ ngữ. Ví dụ, nếu từ “Biến đi!” được nói với giọng điệu tích cực (mặc dù ý nghĩa của nó là tiêu cực), người nghe sẽ giải thích tình huống tổng thể một cách tích cực.

Sử dụng những phát hiện tổng thể của mình, Mehrabian đã tạo ra công thức thể hiện tầm quan trọng tương đối của các yếu tố khác nhau trong giao tiếp về cảm xúc hoặc thái độ:

Tổng cảm xúc/Thái độ giao tiếp = 7% lời nói + 38% giọng điệu + 55% biểu hiện khuôn mặt.

Thường bị đánh giá sai

Kể từ khi xuất bản, nghiên cứu của Mehrabian đã trở nên rất nổi tiếng, cả trong tài liệu giao tiếp lẫn phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng tất cả thường xuyên bị đánh giá và diễn giải sai.

Sai lệch xảy ra khi mọi người cho rằng công thức của ông áp dụng cho mọi tình huống giao tiếp. Nhưng Mehrabian đã làm rõ trên trang web của mình rằng nghiên cứu của ông chỉ áp dụng với tình huống giao tiếp liên quan đến cảm xúc và thái độ. Ông nói rằng “Nếu một người không nói về cảm xúc hay thái độ của họ, phương trình này không áp dụng được.”

Làm thế nào sử dụng mô hình

Vậy, làm thế nào áp dụng chính xác mô hình giao tiếp của Mehrabian vào cuộc sống?

Hiểu biết về mô hình có thể hữu ích trong giao tiếp email khi bạn chuyển tiếp thông tin nhạy cảm hay chứa cảm xúc. Trong những tình huống này, không có đầu vào từ biểu hiện trên khuôn mặt hay giọng điệu, bạn cần chú ý tới việc sử dụng từ ngữ. Không có manh mối từ giao tiếp không lời, lời nói và ý nghĩa có thể dễ dàng bị hiểu sai. (Đây là lý do tại sao icon cảm xúc rất hữu ích khi viết email không chính thức).

Mô hình cũng hữu ích với cuộc trò chuyện điện thoại. Hãy nhớ nếu không có tín hiệu từ khuôn mặt, giọng điệu và từ ngữ được sử dụng sẽ có nhiều tác động hơn. Cần nhận thức tông giọng và sự nhạy cảm về từ ngữ bạn sử dụng. Đặc biệt, cần đảm bảo chúng phù hợp với ý định và thông điệp thực tế. Tất nhiên, điều này đặc biệt quan trọng khi bạn nói về những vấn đề liên quan đến cảm xúc.

Bạn có thể sử dụng mô hình để chỉ dẫn cho hành động của mình. Ví dụ, bạn cần đưa ra phản hồi không mấy dễ chịu cho đồng nghiệp. Vì ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện trên khuôn mặt rất quan trọng khi thể hiện cảm xúc của bạn về hiệu suất của họ, việc truyền tài thông điệp này (so với email hay qua điện thoại) sẽ khiến hành vi quá đáng ít xảy ra hơn. Bạn có thể truyền tải ý định và thông điệp thật sự của mình rõ ràng hơn nếu sử dụng cả biểu hiện khuôn mặt lẫn giọng nói. (Bạn cũng có thể thấy được phản ứng của đồng nghiệp ngay lập tức và nếu cần thiết, có thể điều chỉnh thông điệp một cách thích hợp.)

Mô hình Mehrabian cũng được áp dụng trong các cuộc họp. Tưởng tượng bạn đang trình bày về một dự án mà mình cực kỳ quan tâm. Khi nói về cam kết với dự án, ngôn ngữ cơ thể và biểu hiện trên khuôn mặt sẽ truyền tải cảm xúc của bạn một cách chính xác hơn lời nói. Nếu đối tượng cần sự thuyết phục, cách bạn truyền tải thông điệp rất quan trọng.

Mô hình cũng rất hữu ích trong phỏng vấn. Khi nói chuyện với một ứng viên cụ thể, chú ý đến cách họ trả lời những câu hỏi liên quan đến cảm xúc. Ví dụ: “Điều gì thôi thúc bạn làm việc cho công ty?”. Biểu hiện trên khuôn mặt và giọng nói của họ sẽ cho bạn biết liệu họ có thực sự quan tâm đến việc trở thành một thành viên trong nhóm hay không hay chỉ là vì mức lương.

Những điểm chính

Mô hình của Mehrabian giúp chúng ta nhận thức được rằng biểu hiện trên khuôn mặt và giọng điệu quan trọng hơn so với từ ngữ được sử dụng, khi truyền tải thông điệp có cảm xúc. Nhưng nó chỉ áp dụng khi bạn nói về cảm xúc và thái độ.

Trong những tình huống nhạy cảm, cần nhớ rằng biểu hiện trên khuôn mặt và giọng nói có trọng lượng hơn lời nói. Ghi nhớ điều này, bạn có thể điều chỉnh hành vi của mình để giảm thiểu sự hiểu nhầm.

Hpo Banner