Blog

Làm thế nào bạn phát triển trí-tuệ-xúc-cảm của nhân viên

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách thức nhà quản lý giúp các thành viên trong nhóm phát triển trí tuệ xúc cảm như thế nào.

Mục lục

1. Tình huống thực tế

Nam vừa tuyển thêm Lâm để làm việc trong một dự án quan trọng. Thật không may, Lâm cần một khoảng thời gian để học thêm những kỹ năng mới để thực hiện tốt công việc. Đi lên từ con số không khiến Lâm cảm thấy khó chịu. Thay vì cáu gắt với Lâm, Nam đã nỗ lực để hỗ trợ Lâm. Nam yêu cầu những thành viên khác giảm tốc độ làm việc trong một vài buổi. Khuyến khích các câu hỏi, và thậm chí khích lệ một số đồng nghiệp ở lại muộn hơn để giúp Lâm hoàn thành công việc.

Kết quả là, tinh thần của Lâm đã đi lên, và anh nhanh chóng trở thành một thành viên có hiệu suất cao của đội. Bằng cách tập trung vào việc tăng cường trí tuệ xúc cảm của mọi người, bạn có thể gặt hái được nhiều lợi ích từ việc cải thiện tinh thần đồng đội.

2. Các lợi ích của việc phát triển trí tuệ xúc cảm trong đội nhóm

Trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence – EI) thường dùng dưới hàm nghĩa nói về chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient – EQ) của mỗi cá nhân. Chỉ số này mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng (trong trường hợp của mô hình tính cách về trí tuệ xúc cảm) hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc. Trí tuệ xúc cảm là nhánh nghiên cứu tương đối mới của ngành tâm lý học. Do đó, định nghĩa về trí tuệ xúc cảm không ngừng thay đổi. Một cách đơn giản, EI là khả năng tự nhận thức về chính mình và kỹ năng làm việc với con người của bạn.

EI rất cần thiết trong việc:

  • Xây dựng lòng tin.
  • Tạo ra cảm giác về bản sắc cá nhân.
  • Giải quyết vấn đề với những người khác.
  • Hợp tác và tham gia với đồng đội trong một nhóm.

Khi mọi người có trí tuệ cảm xúc EI tốt:

  • Họ có khả năng dễ dàng bỏ qua một bên những xung đột nhỏ để tập trung vào lợi ích của đội.
  • Họ có thể đối phó tốt với các cuộc xung đột nghiêm trọng hơn.
  • Họ có thể phá vỡ bất kỳ những bất đồng về quan điểm có thể nảy sinh.

Nghiên cứu cho thấy rằng có rất nhiều lợi ích thu được từ việc phát triển EI trong đội nhóm:

  • Nhân viên có EI cao thực hiện tốt hơn và thấy hài lòng nhiều hơn so với những người có EI thấp.
  • Đội nhóm có EI cao sẽ tạo thuận lợi trong việc kết nối đội ngũ, các thành viên cũng làm việc tốt hơn, nhanh hơn.

3. Phát triển trí tuệ cảm xúc

Tin vui là, bạn thậm chí có thể phát triển trí tuệ xúc cảm của nhóm chỉ trong vài giờ.

3.1 Bắt đầu với chính bạn

Một trong những cách tốt nhất để giúp đỡ mọi người phát triển EI là giúp họ nhìn thấy EI của bạn phát triển và đem lại hiệu quả:

  • Bạn nhận thức được những tư tưởng và cảm xúc của riêng bạn.
  • Bạn quản lý được cảm xúc của mình.
  • Và vì vậy bạn ảnh hưởng đến người khác một cách tích cực.

3.2 Truyền đạt các lợi ích của việc phát triển EI

Bạn hãy truyền đạt những lợi ích mà họ có thể nhận được khi phát triển trí tuệ xúc cảm.

Ví dụ:

  • Nhân viên bán hàng có EI cao hơn – thường đạt được doanh số bán hàng tốt hơn – so với các đồng nghiệp có EI thấp hơn.
  • Các chuyên gia với hơn EI cao thường có thu nhập cao hơn và đảm bảo công việc ổn định hơn trong suốt cuộc đời của họ.

Hãy giúp các thành viên trong nhóm của bạn biết rằng: Phát triển trí tuệ xúc cảm EI sẽ giúp họ đạt được lợi ích như thế nào trong sự nghiệp.

3.3 Phát triển khả năng tự nhận thức

Tự nhận thức là nội dung quan trọng nhất của EI. Những người có khả năng tự nhận thức là:

  • Hiểu suy nghĩ và cảm xúc của mình.
  • Hiểu rõ cách họ hành động ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Khuyến khích các thành viên trong nhóm của bạn ghi chép hàng ngày, bằng văn bản hoặc video hoặc thu âm về cảm xúc của họ, chỉ năm phút một ngày, để phát triển khả năng tự nhận thức.

Với những người ít nói, họ thường không nói lên suy nghĩ của họ, bởi vậy bạn hãy:

  • Hỏi về những suy nghĩ và cảm xúc của họ khi họ ra các quyết định trong ngày.
  • Nó làm cho họ dừng lại và xem xét họ đã thực sự cảm nhận về một vấn đề như thế nào?
  • Và điều này có thể gia tăng khả năng tự nhận thức của họ theo thời gian.

Rất quan trọng khi bạn dành thời gian để nói về những tình huống khó khăn hoặc vấn đề gặp phải, và các cảm xúc của họ khi giải quyết các vấn đề. Bạn có thể thực hiện việc này trong bữa ăn trưa cùng nhau. Bạn càng khuyến khích các thành viên trong nhóm của bạn nói về những gì họ đang suy nghĩ và cảm nhận, họ càng có cơ hội phát triển khả năng tự nhận thức.

3.4 Tăng cường trò chuyện

Những người có EI cao thường có kỹ năng giao tiếp tuyệt vời. Bạn hãy:

  • Dạy nhân viên của mình cách hiểu và sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
  • Chỉ cho họ biết làm thế nào để đối phó với những cảm xúc tiêu cực.
  • Tạo cho họ một cách thức để “trút” những cảm xúc tiêu cực, hoặc những thất vọng về thất bại.

Một công cụ giao tiếp quan trọng và thường bị bỏ qua là lắng nghe. Hãy hướng dẫn đội nhóm của bạn cách chủ động lắng nghe và tôn trọng người khác. Khi ai đó không lắng nghe, nhắc nhở họ một cách công khai về hành vi của họ. Tổ chức thảo luận và phân tích các quyết định, khích lệ nhân viên bày tỏ ý kiến cá nhân của họ. Khi thảo luận, hãy hỏi tại sao mọi người đều đồng ý? Thường xuyên khuyến khích các thành viên trong nhóm lên tiếng.

3.5 Xây dựng tinh thần lạc quan

Khả năng suy nghĩ tích cực là một phần quan trọng của EI. Bạn có thể giúp cá nhân suy nghĩ tích cực bằng cách ngăn chặn hành vi tự phá hoại suy nghĩ của bản thân. Ví dụ, nếu bạn nghe thấy ai đó nói “Tôi không giỏi viết báo cáo,” hay “Tôi sẽ không bao giờ có thể thuyết trình tốt trước nhóm!”. Hãy nhắc nhở họ về những điểm mạnh của họ và cảm ơn họ vì những việc tốt mà họ đang làm.

Nhớ rằng tư duy tích cực không có nghĩa là bỏ qua điểm yếu và né tránh các vấn đề. Nó có nghĩa là thừa nhận và quyết định làm thế nào để xử lý vấn đề, cũng như tìm kiếm những điều tốt đẹp trong mỗi tình huống và học hỏi từ mọi sai lầm.

3.6 Khuyến khích thảo luận nhóm

Những người có EI cao biết làm thế nào để tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm một cách vui vẻ. Nơi quan điểm của mọi người được tôn trọng và các cá nhân có kỹ năng giải quyết xung đột tốt hơn. Bạn cần đặt các quy tắc nền tảng trong thảo luận nhóm và hướng dẫn để mọi người biết hành vi nào là hợp lý và không hợp lý.

3.7 Lập mục tiêu học tập cụ thể

Thành viên trong nhóm của bạn sẽ có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, ví dụ:

  • Một số người có thể giao tiếp không tốt.
  • Những người khác có thể có chút khả năng tự nhận thức.
  • Một số có thể thiếu sự cảm thông.

Hãy:

Giúp họ khám phá điểm mạnh và điểm yếu của mình. Bạn có thể làm điều này bằng cách thực hiện một Phân tích SWOT cá nhân.

Lập mục tiêu cụ thể để giúp mỗi người cải thiện những điểm yếu của họ. Ví dụ, một người lắng nghe kém, hãy tạo điều kiện cho họ sử dụng các kỹ thuật chủ động lắng nghe bốn lần mỗi tuần trong tháng tới. Cung cấp thông tin phản hồi mang tính xây dựng về sự tiến bộ của mỗi người.

Tóm tắt

Trí tuệ xúc cảm EI, là khả năng nhận thức về những suy nghĩ và cảm xúc của bạn, cũng như những mong muốn, nhu cầu và cảm xúc của những người xung quanh. Nghiên cứu cho thấy rằng những người có EI cao thường hài lòng hơn với công việc của họ, có mối quan hệ làm việc tốt hơn, và năng suất cao hơn so với những người có EI thấp.

Bạn có thể giúp các thành viên trong nhóm của bạn phát triển EI bằng cách:

  • Giúp họ tăng cường kỹ năng giao tiếp.
  • Hướng dẫn họ cách để suy nghĩ tích cực.
  • Tạo điều kiện cho họ tham gia vào các cuộc thảo luận nhóm.
  • Làm gương để họ noi theo, tin tưởng và học tập.

Chúc bạn xây dựng đội nhóm thông minh cảm xúc thành công!

Hpo Banner