Blog

Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: từ Phong cách lãnh đạo đến Quản trị nhân sự

Tuần vừa qua, chủ tịch ngân hàng Á Châu ACB – Trần Hùng Huy – đã trở thành một cơn sốt trên mạng xã hội. Khi anh vừa hát, vừa nhảy… trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ACB (4/6/1993 – 4/6/2023).

Khen ngợi có, chê bai và dèm pha cũng có… nhưng Phong cách lãnh đạo độc đáo của chủ tịch ACB, thực tế, đã chứng minh được sự hiệu quả.

Mục lục

Chúng ta hãy cùng thảo luận về chủ đề này: “Phong cách lãnh đạo & Quản trị nhân sự”.

Năm 2008, tôi làm việc tại Maritime Bank (MSB), chủ tịch Trần Anh Tuấn sau khi mua cổ phần chi phối ngân hàng đã thực hiện một cuộc đại cải tổ:

  • Với phong cách lãnh đạo “mạnh mẽ và quyết liệt”, anh Tuấn không ngại “thay máu” rất nhiều nhân sự chủ chốt (kể cả những công thần của MSB).
  • Thực tế, trong giai đoạn cải tổ đó, có thời điểm MSB đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên…

Đầu năm trước, trong buổi lễ xuất quân, 5 Phó Tổng Giám đốc cùng nhau lên hát bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”… Đến lễ xuất quân năm sau, không còn vị Phó Tổng Giám đốc nào trong bài hát đó còn ở lại nữa. Toàn bộ đã nghỉ việc!!!

Rất may mắn! Sau cuộc đại cải tổ, MSB đã thành công và trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất tại thời điểm đó.

Trong buổi lễ tổng kết năm, tôi rơm rớm nước mắt (xúc động khóc), khi nghe chủ tịch Trần Anh Tuấn phát biểu đầy hùng hồn và kêu gọi mọi người cùng nhau nỗ lực.

Trải nghiệm đáng nhớ về quá trình chuyển đổi tổ chức, tôi nhận ra rằng “Phong cách Lãnh đạo” ảnh hưởng rất lớn đến “Hệ thống Quản trị nhân sự” của doanh nghiệp.

Năm 2012, tôi chuyển sang Vpbank, chủ tịch Ngô Chí Dũng cũng bắt đầu thực hiện cuộc cải tổ tại ngân hàng Vpbank… Khác với chủ tịch MSB Trần Anh Tuấn, anh Dũng có phong cách “trầm tĩnh” hơn…

Nếu nhân viên không biết anh ấy là chủ tịch, có khi tưởng anh ấy “nhút nhát”. Nhưng thực ra là anh ấy “khiêm nhường”.

Anh Dũng mời anh Nguyễn Đức Vinh (lúc đó là Tổng Giám đốc của Techcombank) về Vpbank làm việc để thực hiện cuộc cải tổ. Sau buổi họp đầu tiên với anh Vinh, tôi hỏi một đồng nghiệp:

  • Cậu thấy anh Vinh thế nào?
  • Lần đầu tiên gặp, nhưng có cảm giác anh ấy “khiêm nhường và đáng tin cậy”.

Khi chuyển sang VPBank, vì mới trải qua giai đoạn cải tổ ở MSB, nên tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc “thay máu” tại đây… Nhưng thật may mắn! Nó đã không xảy ra.

Anh Dũng và anh Vinh có vẻ đã tạo cơ hội để cho đội ngũ nhân sự của Vpbank có thời gian để tự thay đổi và tự chuyển mình. Vì vậy, cuộc “thay máu” đã không xảy ra.

Sau 3 năm, VPBank cũng chuyển đổi thành công và trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất ở Việt Nam.

Mặc dù trải nghiệm cuộc cải tổ lần này khác hoàn toàn lần trước, nhưng tôi vẫn nhận ra rằng “phong cách lãnh đạo” ảnh hưởng rất lớn đến “cách thức quản trị nhân sự” của doanh nghiệp!

Quay trở lại với phong cách độc đáo của Chủ tịch ngân hàng ACB – Trần Hùng Huy

Anh Huy là vị chủ tịch ngân hàng duy nhất công khai tài khoản Facebook cá nhân. Cũng là vị chủ tịch duy nhất dám post ảnh “cởi trần – mặc tạp dề” trong bếp… Rồi giao lưu với nhân viên trên facebook.

Sự kiện bão mạng vừa qua, khi anh Huy bung cúc áo… vừa hát vừa nhảy trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng ACB.

Điều gì đang xảy ra vậy?

Lát nữa chúng ta sẽ bàn, nhưng việc thể hiện một phong cách lãnh đạo “cởi mở, năng động & trẻ trung” trong những năm vừa qua của anh Huy đã mang lại kết quả:

  • Giá cổ phiếu ACB tăng.
  • Khách hàng trẻ yêu quý ACB. Trên mạng xã hội đầy rẫy các comment kiểu: “Mở thẻ ACB chưa!?” ở dưới video của chủ tịch Huy.
  • Nhân viên trẻ yêu quý lãnh đạo và từ đó yêu quý ACB. Comment: “Chủ tịch nhà mình đấy! Quá chất!

“Mốt nhất thời” hay đây là phong cách lãnh đạo “của tương lai”!?

Tôi tự hỏi: “phong cách lãnh đạo cởi mở” này là mốt nhất thời? Hay sẽ là xu hướng của tương lai!?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào tuổi đời của “lực lượng lao động”. Hiện đang là sự giao thoa của 2 thế hệ nhân sự:

  • Thế hệ cũ: Nhân sự 7x và 8x.
  • Thế hệ mới: Nhân sự 9x (Gen Z).

Chủ tịch Trần Hùng Huy thể hiện một phong cách lãnh đạo mới trẻ trung, năng động và cởi mở… Điều này tất yếu thu hút được thế hệ Gen Z (cả khách hàng, lẫn nhân viên).

Tạm bỏ qua chiến lược marketing và kinh doanh, xét về góc độ chiến lược nhân sự, ACB có vẻ đã đi trước một bước. Bởi vì, tương lai thuộc về thế hệ 9x (Gen Z).

Tôi giật mình khi kết nối tới Chiến lược xây dựng Văn hóa học tập của ACB (năm 2018), mà tôi đã từng làm một video về chủ đề này: xem video tại đây!

Có vẻ đây không phải là một sự kiện đơn lẻ, mà là một chuỗi các sự kiện, nằm trong chiến lược dài hạn của ACB?

Tôi không dám chắc điều này!

Thêm nữa, tuần trước, tôi đọc một nghiên cứu mới của McKinsey về 5 sự thay đổi phong cách lãnh đạo trong nền kinh tế với công nghệ AI tới đây. Báo cáo này nói rằng: Phong cách lãnh đạo truyền thống sẽ không còn hiệu quả với thế hệ 9x (Gen Z) và thời đại công nghệ AI nữa.

Xu hướng phong cách lãnh đạo & phương pháp quản trị nhân sự mới: “Tổ chức phụng sự nhân viên – tạo giá trị cho nhân viên”.

Có vẻ mọi thứ đang kết nối với nhau, nhưng chưa thực sự rõ ràng… Một thế hệ lãnh đạo mới thiên về phong cách “phụng sự nhân viên”, từ đó, nhân viên “phụng sự khách hàng”?

Một vài tổ chức đã tiên phong đi trước. Ví dụ:

  • Tập đoàn FPT: Kiến tạo hạnh phúc cho nhân viên.
  • Ngân hàng ACB: Trải nghiệm nhân viên tuyệt vời.

Dù sao tôi luôn tôn trọng những tổ chức và các lãnh đạo dám tiên phong đi trước: Rủi ro và Cơ hội là song hành!

Hpo Banner