Blog

Máy photo Xerox 914 – Thất bại là mẹ thành công

Xerox là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực in sao văn bản. Với phát minh máy photocopy Xerox 914 vào năm 1960, hãng Xerox đã làm thay đổi bức tranh toàn cảnh về cuộc cạnh tranh lúc đó. Từ điểm mốc này Xerox đã vươn lên trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất máy photocopy và máy in.
Trở lại thập niên 1950, công ty Haloid với sự điều hành của Joseph Wilson vẫn chỉ là một công ty sản xuất giấy ảnh có quy mô hoạt động giới hạn, lợi nhuận khiên tốn với vài ba nhân viên. Dù vậy, Haloid vẫn rất lạc quan về việc “đặt nền móng cho một ngành công nghiệp hoàn toàn mới”. Thậm chí ngay cả bản thân Wilson cũng không thể dự đoán được những thành công vượt bậc mà công ty của mình, sau đổi tên thành Xerox sẽ đạt được trong tương lai.
Vào thời điểm ra mắt chiếc máy photocopy 914, trên thị trường đã tồn tại một số thiết bị in sao khác như máy in roneo do chính Thomas Edison phát minh hay các loại máy tương tự do công ty A.B. Dick kinh doanh. Nhưng các bản sao roneo khác xa so với bản sao hiện tại. Trước tiên, tài liệu phải được đánh máy trên giấy than, đặt giấy than vào máy và sau đó các bản sao sẽ được in ra theo một quy trình dài dòng phức tạp. Khoa học kỹ thuật đã được cải thiện phần nào trong những năm 1930 với sự phát triển mạnh mẽ của máy in offset, nhưng loại máy in này rất cồng kềnh, nặng nề, tốn kém, chậm chạp và không hiệu quả với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động trung bình. Chính vì vậy, chiếc máy photo Xerox 914 là bước đột phá và là thách thức của mọi kỹ thuật in sao hiện có.
Chiếc máy photo Xerox 914 là ý tưởng của Chester Carlson – một giáo sư về bằng sáng chế. Carlson luôn cảm thấy bực bội và thất vọng khi mất nhiều thời gian mới có được những bản sao cho những tài liệu liên quan đến công việc của mình. “Phải nghĩ cách tạo ra các bản sao nhanh chóng và hiệu quả hơn”, anh tự nhủ. Vào năm 1935, chàng trai Carlson 29 tuổi, người đã từng làm nghiên cứu sinh vật lý tại viện công nghệ California trước khi theo học ngành luật, bắt đầu mầy mò công nghệ chế tạo máy in sao. Điểm Carlson đến trước tiên là thư viện công cộng New York – nơi lưu trữ những nguồn tư liệu quý giá của thế giới. Nơi đây, Carlson đã tìm hiểu về một nhà khoa học Hungary, người tường sử dụng bột tĩnh điện để sao chép tranh. Tin rằng mình có thể sử dụng những phát minh này làm cơ sở cho quy trình sao chép hiệu suất cao, Carlson lập phòng thí nghiệm tạm thời trong một căn hộ bên trên 1 quầy bar ở Astoria, Queens và bắt đầu những thử nghiệm với “cách chụp ảnh điện”. Với sự giúp đỡ của Otto Kornei – một nhà vật lý người Đức tị nạn, Carlson đã dành gần 3 năm để trộn các loại hóa chất và thử nghiệm các loại phương pháp khác nhau. Sau vô số thất bại, cuối cùng anh cũng tìm ra một quy trình tạo hình ảnh phức tạp gồm 5 phần có sử dụng điện, bột và nhiệt. Đây là một sáng chế mang tính cách mạng, bởi vì nó không đòi hỏi phải có những phản ứng hóa học và có thể thực hiện mà không cần mực nước. Ngày 22/10/1938, quy trình mới đã được thử nghiệm thành công, sau khi Carlson ghi lại được hình ảnh của mẩu giấy có viết mấy chữ “10-22-38 Astoria”.
Carlson tìm cách chào bán phát minh của mình cho các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ, nhưng ban lãnh đạo của IBM, Kodak, RCA… đều có chung nhận định rằng nhà phát minh trẻ này hành động như một nhà khoa học lập dị hơn là một người khổng lồ có triển vọng trong ngành công nghiệp. Hơn 20 công ty đã quay lưng với phát minh của Carlson. “Thật khó làm cho mọi người tin rằng những phát minh nhỏ bé của tôi chính là chiếc chìa khóa để mở cánh cửa bước vào một ngành công nghiệp vĩ đại mới”, Carlson nghĩ lại. Cuối cùng cũng có 1 người nhìn thấy tiềm năng trong quy trình của Carlson. Đó là tiến sĩ R.M.Shaffert – một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận ở Columbus, Ohio. Ông nhận định: “Phát minh của Carlson về cách chụp ảnh bằng điện rất khả thi và có thể được ứng dụng rộng rãi trong thương mại”. Battelle quyết định mua 60% quyền lợi trong phát minh của Carlson vào năm 1944 và Carlson lúc đó đã chuyển sang làm việc với một nhóm các nhà khoa học của Battelle tiếp tục hoàn thiện công nghệ này.
Năm 1944, cũng là năm công ty Haloid đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Được thành lập vào năm 1906 với chức năng sản xuất và cung cấp giấy ảnh cho các công ty như Eastman, Kodak, Haloid đã duy trì được sự phát triển ổn định trong nhiều năm. Suốt thời gian xảy ra cuộc thế chiến thứ 2, quân đội đã sử dụng lượng giẩy ảnh khổng lồ để sử dụng hoạt động chụp ảnh do thám. Điều này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của ngành công nghiệp giấy ảnh và Haloid cũng bước vào giai đoạn làm ăn phát đạt. Đến năm 1947, công ty đạt doanh thu 7 triệu USD, trong đó 138.000 USD là lợi nhuận. Nhưng nhu cầu về các sản phẩm này lại sụt giảm ngay sau khi cuộc chiến khép lại và Haloid phải bắt đầu cuộc chiến của mình để dành phần kiểm soát trong một thị trường nhỏ hơn.
Joseph C.Wilson – cháu nội của một trong những nhà sáng lập Haloid và là con trai của vị chủ tịch công ty – đã ngồi vào chiếc ghế chủ tịch năm 1945. Ông sớm nhận ra rằng muốn tiếp tục tồn tại, công ty phải đa dạng hóa sản phẩm. “Đã đến lúc chúng ta chấm dứt việc đặt toàn bộ trọng tâm vào giấy ảnh”, ông nói, “mà phải nghĩ đến những sản phẩm mới cho thị trường mới”. Rất nhiều ý tưởng kinh doanh được đưa ra từ ý tưởng về các loại giấy ảnh mới đến việc phát triển các thiết bị ghi tín hiệu địa chấn nhưng không một ý tưởng nào có khả năng đột phá như Haloid cả.
John Dessauer, trưởng phòng nghiên cứu và kỹ thuật của Haloid giở hàng trăm cuốn tạp chí kỹ thuật để tìm kiếm ý tưởng và cơ hội mới. Bất chợt, Dessauer nhìn thấy bài viết giới thiệu sơ lược về công trình chụp ảnh bằng điện của Battelle đăng trên Bản tin tóm tắt hàng tháng của Kodak. Vì quy trình này có nhiều nét tương đồng với kỹ thuật chụp ảnh và sử dụng giấy đã qua sử lý nên Dessauer đã mường tượng ra một lĩnh vực kinh doanh mới đầy tiềm năng. Ngay lập tức, Wilson phát thảo kế hoạch. “Tuy còn thô sơ nhưng tôi đã nhìn thấy tiềm năng rất lớn”, ông nói.
Không bỏ phí thời gian, hai người lập tức lên đường đến Columbus. Họ ngạc nhiên và thích thú trước những gì nhìn thấy để đưa ra được thị trường cần phải mất cả triệu dặm đường nữa, nhưng một khi quy trình này đã sẵn sàng để ra mắt công chúng, ảnh của chúng tôi sẽ được đăng khắp các báo”, Wilson nói trong sự phấn khích và khẩn chương tìm hướng hợp tác. Wilson gọi điện ngay cho Sol Linowitz, một luật sư ở Rochester, người từ lâu đã muốn cộng tác với Haloid để xúc tiến sự việc. Trong lần gặp mặt đầu tiên giữa Haloid và Battelle, hai bên đàm phán về các quyền lợi mà mỗi bên sẽ được hưởng từ công nghệ mà quá nhiều công ty trước đó đã từ chối. Năm 1946, hai bên đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Haloid sẽ trả 25.000 USD cho Battelle mỗi năm, cộng thêm 8% doanh thu từ kỹ thuật chụp ảnh điện trong tương lai, để đổi lấy quyền phát triển công nghệ của Carlson.
(Tạp chí Forbes)

Hpo Banner