Blog

Típ người hướng nội có phù hợp làm lãnh đạo?

Theo nghiên cứu của JENNIFER KAHNWEILER, một tác giả nổi tiếng về nghiên cứu lãnh đạo thì ước tính trên thế giới có 2 nhóm người: hướng nội và hướng ngoại và tỉ lệ là tương đương nhau, mỗi nhóm chiếm khoảng 50% dân số. Số lượng lãnh đạo thuộc nhóm hướng ngoại chiếm 60%, và người hướng nội làm lãnh đạo chiếm 40%.

Để xác định mình là người hướng ngoại hay hướng nội, người ta so sánh các đặc điểm sau:

Tính cách hướng ngoại Tính cách hướng nội
  • Tạo động lực bằng cách gặp người khác
  • Tạo động lực bằng cách một mình
  • Thích gặp gỡ
  • Thích một mình
  • Nói trước, nghĩ sau
  • Nghĩ trước, nói sau
  • Dễ bộc lộ cảm xúc
  • Không bộc lộ cảm xúc qua nét mặt
  • Bộc trực, nói ra ngay suy nghĩ của mình
  • Suy ngẫm các suy nghĩ trong đầu và cân nhắc trước khi nói
  • Thoải mái chia sẻ thông tin riêng cho tất cả mọi người
  • Chỉ chia sẻ với một số người tin cậy và có chọn lọc
  • Thích nói hơn thích viết
  • Thích viết hơn thích nói

(Nguồn: The Introverted Leader: Building on Your Quiet Strength)

Nếu bạn là người hướng nội, có vẻ bạn cảm thấy khó thành công khi trở thành lãnh đạo. Thật vậy, nhiều nhà lãnh đạo với tính cách hướng nội thường cảm thấy mình mờ nhạt so với những lãnh đạo khác và quá trình giao tiếp trước đám đông khiến bạn cảm thấy lo sợ và ái ngại. Bạn không đơn độc, các lãnh đạo nổi tiếng thế giới như Warrent Buffet, Bill Gates và ngay cả Barrack Obama cũng được đánh giá là người hướng nội và họ vẫn thành công tột đỉnh với vai trò lãnh đạo, và bạn cũng không ngoại lệ nếu biết cách luyện tập.

Hơn cả sự thành công trung bình, những nhà lãnh đạo hướng nội nếu biết cách tối ưu hóa điểm yếu của mình lại là những nhà lãnh đạo vĩ đại. Theo nghiên cứu của Jim Collins, tác giả nổi tiếng với tác phẩm “từ tốt đến vĩ đại”, sau khi nghiên cứu và ghi chép hoạt động của hàng ngàn doanh nghiệp đã đúc kết rằng, những công ty thành công thường có những lãnh đạo đặc biệt thành công (với ngôn ngữ của Jim Collins là “lãnh đạo cấp độ 5″), và đặc điểm của nhóm lãnh đạo cấp độ 5 này là thể hiện sự khiêm tốn, nhún nhường và từ tốn, những tính cách nổi trội của người hướng nội.

Ngoài ra, trong môi trường thông tin là vàng, những ông chủ lớn thường chọn những người lãnh đạo “kín tiếng” vì họ biết, trong môi trường thông tin là thành công như hiện nay, chỉ một sơ sẩy từ miệng của người lãnh đạo, người biết rõ nhất vấn đề của 1 doanh nghiệp có thể đem đến tai họa cho chính công ty của mình và dâng cả công ty cho đối thủ cạnh tranh, và sự kín tiếng là đặc điểm nổi bật của người hướng nội.

Vậy làm sao để lãnh đạo hướng nội thành công, Jennifer B. Kahnweiler, Ph.D đã đưa ra quy trình 4P (không phải 4P của Marketing nhé :)), với chi tiết như sau:

4 P trên bao gồm:

  • Prepare (chuẩn bị),
  • Presence (hiện diện),
  • Push (Thúc đẩy) và
  • Practice (Thực hành).

Trong các bước này, sự chuẩn bị là quan trọng nhất. Sự chuẩn bị giúp lãnh đạo hướng nộ vượt qua được những rào cản về tâm lý, đặc biệt là những cuộc xã giao. Ở bước này, bạn cần tưởng tượng ra viễn cảnh của buổi đối thoại, những vấn đề nào cần sẽ trao đổi, những câu hỏi nào cần được thảo luận và những câu hỏi nào bạn phải trả lời. Đối với những nhà lãnh đạo hướng ngoại, việc này khá đơn giản với họ, nhưng đối với lãnh đạo hướng nội, bạn cần phải chuẩn bị nhiều hơn. Nhưng nếu bạn chuẩn bị tốt ở bước này, kết hợp với những sâu sắc trong cá tính của bạn, bạn sẽ làm nổi bật mình với đối tác, với đồng nghiệp…

Sau khi đã chuẩn bị, bạn sẽ “Xuất hiện” vớ tư cách là người đối thoại năng động và đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Những người lãnh đạo hướng nội thường cảm thấy lạc lõng, nhất là trong buổi gặp gỡ đông người, lời khuyên là hãy hít thở và cảm nhận sự hiện hữu của bạn tại thời điểm hiện tại, sau đó chọn MỘT người mà bạn thấy phù hợp, và tiếp cận, chia sẻ quan điểm theo kiểu 1-1. Đây được đánh giá là giải pháp tốt để tránh lạc lõng của lãnh đạo hướng nội trước đám đông đang rất… hướng ngoại.

Ở bước Push (thúc đẩy), khi bạn đã đạt được sự quân bình ở bước 2, xuất hiện, hãy tập để bước ra khỏi vùng “thoải mái”. Hãy tập làm 1 điều mà trước đây bạn nghĩ là khó khăn: hát trước đám đông, hoặc đặt ra mục tiêu cho mình như lấy được 10 tấm danh thiếp hoặc biết được tên 20 người trong buổi hội thảo hoặc buổi tiệc. Đây là bước đệm quan trọng để bạn lấy được tự tin trong những lần gặp gỡ tiếp theo.

Thực tập thực tập và lại thực tập, bước cuối cùng Practice (thực hành) nhắc nhở bạn điều này. Thực hành chính là thực hành ở cả 3 bước trên và biến nó thành 1 thói quen. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, với phương pháp “tạo dấu ấn với vỏ não”, hoặc một số tác gia còn phát triển thêm như phương pháp như tự kỷ ám thị, phương pháp NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy) có thể tạo ra được một thói quen mới mà trước đây bạn chưa từng có. Với việc thực hành, bạn sẽ biến những rào cản thành cơ hội, những khó khăn thành động lực và những vấp ngã thành nền tảng của sự thành công.

Tôi cũng là người hướng nội, trước đây tôi thích viết hơn thích nói, nhưng với sự luyện tập, hiện nay việc nói chuyện trước đám đông hàng trăm người hoặc tham dự những sự kiện lớn không còn là “gánh nặng” với mình. Và thông qua sự luyện tập, tôi thấy rằng, với nền tảng sâu sắc về nội tâm cộng với thói quen giao tiếp và lãnh đạo mới theo kiểu hướng ngoại, bạn có nhiều cơ hội để đánh giá, nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn rất nhiều người hướng ngoại khác, và đây cũng là nền tảng để bạn có thể ra quyết định thành công.

Chúc bạn có thể luyện tập và thành công để trở thành lãnh đạo thành công dù bạn là người hướng nội, một cá tính mà nhiều người cho rằng … khó làm lãnh đạo.

(st)

Hpo Banner