Blog

Thuyết trình trước đám đông – Vượt qua nỗi sợ hãi

Tôi từng rất sợ hãi khi phải đứng lên, thuyết trình trước đám đông. Cho dù nhóm người nghe gồm 50 hay 500 người, tôi vô cùng lo lắng, đến mức chân tay run rẩy, mồ hôi chảy dòng dòng và nói lắp.

Trong một bài thuyết trình, gần 12 năm trước, cho nhóm thành viên dự án. Thay vì trình bày trôi chảy để thuyết phục các thành viên, tôi cảm thấy mình đi vào một nơi tăm tối và vật vã. Đứng trên bục, tôi không thể nhớ nổi bất cứ điều gì tôi định trình bày, lắp bắp và thảm bại.

Đương nhiên, nỗi sợ thuyết trình là một khuyết tật phổ biến mà nhiều người mắc phải.

Biết mình phải cải thiện kỹ năng thuyết trình. Nhưng bằng cách nào?

Trong bài viết này, tôi chia sẻ cách vượt qua nỗi sợ hãi – và cung cấp một số giải pháp cho bất cứ ai bị “trói lưỡi” như tôi đã từng.

Mục lục

Hiểu nỗi sợ hãi của bạn

Những người khác nhau có thể có những lý do khác nhau để sợ trình bày trước đám đông. Suy nghĩ về nỗi sợ hãi đã cho phép tôi tìm ra một số nguyên nhân quan trọng:

Sợ trình bày trước nhóm lớn (đông người) vì tôi không thể kết nối với khán giả.

Đây là một nguyên nhân lớn. Bởi vì điều quan trọng đối với tôi – đó là sự kết nối. Tôi cảm thấy thoải mái nhất khi mình có thể kết nối cá nhân (một – một) với người nghe. Việc đối mặt cùng lúc với quá nhiều người khiến tôi sợ hãi.

Không thoải mái khi phải đọc từ một kịch bản sẵn có.

Đọc từ một kịch bản sẵn có không tự nhiên. Tạo ra sự cứng nhắc và thiếu linh hoạt. Quan trọng hơn là nó khiến tôi cứ phải chăm chăm nhìn vào kịch bản, như một con robot lắp bắp.

Tôi đã không được đào tạo chính thức như một diễn giả.

Không phải ai cũng tự nhiên giỏi thuyết trình – tôi chắc chắn là không. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và kết thúc như thế nào cho hiệu quả. Cũng như diễn giải một nội dung sao cho thuyết phục. Nhiều lúc muốn nói nhưng không nói được.

Một khi tôi biết những gì gây ra nỗi sợ hãi – tôi có thể phát triển các chiến thuật để giải quyết từng nỗi sợ hãi của mình.

Tôi tin bạn cũng vậy.

Bây giờ,

Hãy đặt bút viết ra 3 yếu tố khiến bạn sợ thuyết trình trước đám đông…

1. Bắt đầu với nhóm nhỏ hơn

Khi tôi nhận ra mình thoải mái hơn khi thuyết trình với một nhóm nhỏ, tôi bắt đầu có ý thức về việc thiết kế các buổi trình bày.

  • Đầu tiên, tôi từ chối các buổi thuyết trình có số lượng lớn người nghe; Thay vào đó là gợi ý việc chia nhỏ ra thành nhiều buổi, như vậy mỗi buổi sẽ có ít người nghe hơn.
  • Ngoài ra, tôi thiết kế cấu trúc buổi trình bày như một “cuộc trò chuyện chuyên đề” hơn là diễn thuyết. Cách này giúp tôi cảm thấy thoải mái, nó thực sự giống như một buổi trò chuyện, chỉ khác là tôi phụ trách việc nói nhiều hơn.
  • Một kiểu cấu trúc khác, là “phong cách phỏng vấn”, tôi gửi trước chủ đề và nội dung để các thành viên tham gia chuẩn bị câu hỏi. Vì thế, tôi chỉ cần trả lời các câu hỏi được gửi trước và các câu hỏi trực tiếp tại buổi thuyết trình. Đơn giản và vô cùng thoải mái.

2. Vứt quách kịch bản đi

Chuẩn bị kịch bản chi tiết cho bài thuyết trình là rất cần thiết. Với tôi, việc này là bắt buộc phải làm.

Nhưng tôi phát hiện ra rằng, chăm chăm vào đọc kịch bản, sẽ làm mất đi sự kết nối với người nghe và thiếu linh hoạt, bạn sẽ cứng nhắc như một con robot phát thanh. Vì vậy, khi trình bày tôi không sử dụng kịch bản nữa.

  • Mọi chuyện không đơn giản thế, ngay lập tức phải trả giá, bởi vì không có kịch bản khiến tôi nói lan man và lạc đề, cuối cùng là hết giờ mà vẫn chưa xong.
  • Một giải pháp hoàn hảo cho tình huống này là slide, dựa trên kịch bản chi tiết, tôi chắt lọc ra những ý quan trọng nhất. Áp dụng quy tắc 80/20 sẽ hữu ích ở bước này. Sau đó, đưa các ý chính lên slide thông qua các “từ khóa” hoặc “hình ảnh”.

Tại sao cách làm này hữu ích?

Thứ nhất, các slide chỉ có các “từ khóa” và “hình ảnh” giúp tôi không bị phụ thuộc vào kịch bản cứng nhắc. Dựa trên các từ khóa và hình ảnh, tôi sẽ thoải mái diễn giải linh hoạt theo phong cách của mình.

Thứ hai, có các slide dẫn dắt tôi không bị lan man hay lạc đề nữa. Slide giống như một viên đạn bạc giúp bạn tập trung vào các nội dung quan trọng nhất.

3. Tìm kiếm sự trợ giúp

Nỗi sợ nói trước đám đông là phổ biến (hãy tìm hiểu!) Và có rất nhiều tài nguyên có sẵn cho những người muốn vượt qua nỗi sợ hãi này.

Trong trường hợp của tôi, 12 năm trước, tôi đầu tư mua sách và đăng ký tham gia một số khóa học về kỹ năng thuyết trình. Tại thời điểm đó, không có nhiều lựa chọn như bây giờ. Nhưng tôi may mắn có được cơ hội tham gia khóa học của Dale Carnegie.

Bạn cũng có thể tham khảo một số hướng dẫn tại đây:

http://leaderbook.vn/danh-muc-khoa-hoc/thu-vien/giao-tiep-va-thuyet-phuc-nguoi-khac

Cuối cùng,

Thực hành, thực hành và thực hành… giúp tôi chai sạn và dần trở nên thoải mái với các bài thuyết trình, dù đám đông có là 50 hay 500 người đi nữa.

Hpo Banner