Blog

Tắt radio đi và lắng nghe chim hót

Dũng là nhân viên kinh doanh (mới được tuyển dụng vào công ty). Anh thuộc típ người hoài cổ, có thói quen tập thể dục và nghe radio buổi sớm trước khi đi làm.

Giọng nói hút hồn phát ra từ chiếc radio, khiến Dũng không nghe thấy tiếng những chim sâu đang hót ríu rít, chuyền từ cành nọ sang cành kia…

Sau bữa sáng:

  • Dũng hồ hởi lái xe đến văn phòng, trong đầu ngập tràn những ý tưởng mới thú vị, mà anh dự định đề xuất trong cuộc họp phòng về chiến dịch bán hàng lần này.
  • Anh hình dung quang cảnh các đồng nghiệp mới đang vỗ tay bôm bốp, khen ngợi ý tưởng của mình, còn gương mặt của sếp thì đầy nét tự hào.

Miệng mỉm cười khoái chí, Dũng vừa đi vừa huýt sáo, cảm thấy động lực làm việc thật tràn trề.

“Lãnh đạo lắng nghe, nhân viên hiến kế.”

Đúng như dự đoán, sếp mới của anh mở màn cuộc họp bằng cách công bố mục tiêu doanh số của quý III rồi đặt câu hỏi cho cả phòng:

  • Các anh chị có ý kiến gì về mục tiêu này không?

Dũng đảo mắt nhìn quanh, mọi người vẫn ngồi im phăng phắc, một số người chỉ cúi mặt nhìn chằm chằm vào quyển sổ. Trực giác mách bảo anh có điều gì đó không ổn ở đây?

  • Nếu các anh chị không có ý kiến gì, tôi sẽ trình bầy kế hoạch triển khai và phân công công việc trong quý tới.

Sếp của anh nói tiếp. Sau đó, ông hăm hở trình bầy toàn bộ kế hoạch triển khai và phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

Thi thoảng một vài nhân viên đáp lại: “Dạ, vâng.” Hoặc đứng lên hỏi rõ lại nhiệm vụ của mình.

30 phút trôi qua, sếp vẫn mải miết trình bầy, không khí trong phòng bắt đầu trở nên đơn điệu.

Giọng sếp vẫn sang sảng liên hồi, khiến Dũng có cảm giác quen thuộc, hình như sếp giống như chiếc đài radio của mình – “còn pin, thì còn nói”.

  • Dũng có ý kiến gì không?

Bất chợt, sếp quay sang hỏi anh. Có vẻ như sếp muốn nghe những ý tưởng của một nhân viên mới.

Như bắt được cơ hội vàng, anh lập tức đứng dậy trình bầy những ấp ủ mà mình đã chuẩn bị trong suốt mấy ngày qua.

Có lẽ do mới chuyển về, thiếu thông tin, nên một vài ý tưởng của anh có vẻ không khả thi lắm…

Gương mặt của sếp bắt đầu lộ vẻ không hài lòng. Không thể kiên nhẫn hơn, sếp lập tức ngắt lời anh:

  • Những ý tưởng của cậu khá thú vị, nhưng thiếu khả thi, có lẽ cậu cần tìm hiểu thêm về hiện trạng của công ty để đưa ra những ý tưởng tốt hơn.

Mặt ửng đỏ, mồ hôi lấm tấm, Dũng cảm thấy xấu hổ sau khi bị sếp thẳng thừng từ chối trước mặt cả phòng.

Anh ngồi xuống, miệng im bặt giống như các đồng nghiệp khác trong phòng…

Tình huống này có vẻ hơi thái quá, thực tế liệu có còn tồn tại những vị sếp như vậy?

Điều đó không quan trọng, điều quan trọng là chính bạn có đang “lắng nghe” nhân viên của mình?

Thử tự trả lời một số câu hỏi sau:

  • Trong một cuộc nói chuyện với nhân viên: Thời gian bạn nói chiếm bao nhiêu %? Thời gian bạn lắng nghe để nhân viên nói chiếm bao nhiêu %? (hãy so sánh tỷ lệ)
  • Nhân viên của bạn có được thoải mái nói ra ý kiến, quan điểm của mình không? Thậm chí kể cả khi quan điểm của họ là sai?
  • Trong cuộc họp, các nhân viên của bạn có thoải mái thảo luận, trình bầy ý kiến một cách rôm rả không?

Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân viên, ý tôi là thực sự lắng nghe ấy, chính là công cụ tạo động lực rất hữu hiệu.

Bởi vì, khi bạn “lắng nghe” => có nghĩa rằng bạn đang tạo cơ hội cho nhân viên được thể hiện cái tôi (bản ngã) của mình.

Ngày hôm đó, Dũng trở về nhà, tâm trạng anh nặng chĩu… Anh quyết định mình sẽ phải thay đổi điều gì đó.

Sáng sớm, sau khi hoàn thành bài chạy bộ trên máy tập, Dũng đứng giữa khu vườn nhỏ, tắt radio đi và nhắm mắt “lắng nghe” tận hưởng những chú chim sâu hót ríu rít thật vui tai, anh cảm thấy tinh thần thoải mái và tươi mới cho một ngày làm việc tràn đầy động lực.

Nguyên tắc huấn luyện số 3:

Tắt radio đi và lắng nghe chim hót.

Hpo Banner