Blog

Nghệ thuật ĐỘNG VIÊN của nhà LÃNH ĐẠO TÀI BA

ĐỘNG VIÊN nhân viên như thế nào là phù hợp?

Bạn nhận thấy mình nên động viên suông, hay động viên CHÂN THÀNH. Thật vậy, đừng nghĩ rằng người lao động không đủ thông minh để biết rằng bạn đang động viên họ một cách qua loa.

Nguyên tắc cơ bản của việc động viên là ĐÚNG, KỊP THỜI, và phát huy được ĐIỂM MẠNH của người được động viên.

Có 2 phương pháp động viên cơ bản mà nhiều nhà quản lý có thể áp dụng, là KHEN NGỢI và KHIÊU KHÍCH.

Có thể bạn đã biết, một số người khi bị khiêu khích bằng những câu đại loại như “anh như thế này mà lại làm việc không ra gì như vậy?” hoặc “với năng lực của anh thì phải đạt được những mức thành công cao hơn nhiều”… Và sau đó thì họ dễ dàng đạt được sự thành công mỹ mãn.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu nhiều năm về trạng thái tâm lý nhân sự của các chuyên gia, thì đối với những đối tượng được KHEN NGỢI, nghĩa là nhận được sự kỳ vọng tích cực từ phía nhà quản lý, thì sau khi anh ta hoàn thành nhiệm vụ thành công, sự hưng phấn của người nhân viên đó KÉO DÀI hơn là khi bị khiêu khích.

Bởi vì, xét về bản chất, người bị khiêu khích mang một tâm thế TIÊU CỰC, cho nên trong quá trình phấn đấu, và sau khi đạt được thành công, nhân viên luôn mang một trạng thái bị kích thích xấu.

Vì thế, để áp dụng những cách động viên khuyến khích cho nhân viên của mình, người quản lý nên có sự tìm hiểu sâu sắc thói quen, tính cách của người mà chúng ta sẽ đối thoại.

NGHỆ THUẬT sử dụng NGÔN TỪ trong động viên:

Có một điều bạn có thể dễ dàng nhận thấy, khi ai đó muốn động viên ta, họ thường dùng cụm từ “cố lên”, hoặc “ráng lên”, hoặc “hãy làm thêm lần nữa như trước”… Xét về mặt ngữ nghĩa, thì đây là những thói quen sử dụng từ giúp giải quyết nhanh mong muốn động viên khuyến khích đối tượng đang khó khăn.

Tuy nhiên, những từ ngữ này không thực sự có hiệu quả với những người đang chịu áp lực cao từ tính chất công việc của họ, mà lại mang tính chất động viên suông hơn.

Để kích thích được ý muốn cải thiện khó khăn của nhân viên, thì trong những tình huống giao tiếp hằng ngày giữa sếp và nhân viên cần tập trung đi sâu để phân tích vấn đề hơn.

Ví dụ, một bí quyết mà chị Tôn Nữ Diệu Trang, Tổng giám đốc Chuỗi cửa hàng Thế giới Phụ kiện @Store thường sử dụng là : đặt câu hỏi cho nhân viên tự tìm ra phương pháp của mình – nhưng theo định hướng mà chị mong muốn.

Ví dụ, trước một tình huống khó khăn, chị thường hỏi “Trong trường hợp này, em sẽ chuẩn bị là người chiến thắng hay người thất bại? Nếu em muốn thành công, em sẽ làm những gì?”. Câu hỏi này sẽ khiến người được hỏi suy nghĩ và lựa chọn con đường tích cực hơn, đó là đạt đến thành công, trở thành người chiến thắng, và được công nhận trong mắt cấp trên.

Nhà quản lý xin hãy luôn nhớ, nhu cầu tối thiểu của con người sau ăn, mặc, ở, chính là nhu cầu được công nhận. Như vậy, đây cũng là một cách động viên khiêu khích, nhưng nó không hề mang tính xã giao như “cố lên” hoặc “hãy làm đi”.

Hãy tìm tòi thêm những cách đặt câu hỏi thông minh để người nhân viên đưa ra cam kết cho sự phấn đấu của mình trước mặt người quản lý, từ đó, anh ta sẽ có ý thức tự trọng, cố gắng hoàn thành những gì mà mình đã cam kết.

(st)

Hpo Banner