Blog

Mô hình Quy trình Lãnh đạo của Dunham và Pierce

Lãnh đạo là định hướng và giúp đỡ cấp dưới làm điều đúng đắn. Nhưng không chỉ dừng lại đó!

Thực tế, lãnh đạo là một quá trình dài hơi. Mọi hành động đều tạo ra hệ quả, và “điều gì đến sẽ đến”.

Mô hình Quy trình lãnh đạo của Dunham và Pierce giúp bạn nghĩ về điều này, và hiểu tại sao cần áp dụng một cách tiếp cận tích cực và dài hạn vào lãnh đạo.

Bạn sẽ thấu hiểu tầm quan trọng cũng như cách áp dụng mô hình này vào tình huống của riêng mình sau khi khám phá hết.

Mục lục

Mô hình Quy trình lãnh đạo là gì?

Mô hình Quy trình lãnh đạo được phát triển bởi Randall B. Dunham và Jon Pierce, được xuất bản trong cuốn sách “Managing” năm 1989. Bạn có thể quan sát hình vẽ 1 phía dưới.

Hình 1: Mô hình Quy trình lãnh đạo

mo hinh quy trinh lanh dao
Mô hình thể hiện mối quan hệ giữa 4 yếu tố chính cấu thành sự thành công hay thất bại trong lãnh đạo. Chúng là:

1. Người lãnh đạo: Đây là người chịu trách nhiệm và định hướng hiệu suất của đội nhóm.

2. Cấp dưới: Là những người đi theo định hướng của người lãnh đạo trong các nhiệm vụ và dự án.

3. Bối cảnh: Đây là tình huống mà công việc được thực hiện. Ví dụ, nó có thể là một ngày làm việc bình thường, một dự án khẩn cấp, hoặc một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài. Bối cảnh cũng có thể bao gồm môi trường vật lý, tài nguyên có sẵn và các sự kiện trong tổ chức lớn hơn.

4. Kết quả: Đây là kết quả của quá trình. Kết quả có thể là đạt được một mục tiêu cụ thể, phát triển một sản phẩm chất lượng cao, hay giải quyết được một vấn đề trong dịch vụ khách hàng. Chúng cũng bao gồm những điều như gia tăng sự tin tưởng và tôn trọng giữa cấp dưới với người lãnh đạo, hoặc tạo ra tinh thần đội nhóm cao hơn.

Mô hình cho thấy cách thức người lãnh đạo, cấp dưới và bối cảnh kết hợp với nhau để tạo ảnh hưởng đến kết quả. Nó cũng thể hiện phản hồi kết quả ảnh hưởng thế nào đến người lãnh đạo, cấp dưới và bối cảnh.

Quan trọng nhất, mô hình nhấn mạnh rằng lãnh đạo là một quá trình năng động và liên tục. Do đó, điều quan trọng là phải linh hoạt tùy thuộc vào ngữ cảnh và kết quả. Liên tục đầu tư vào mối quan hệ của bạn với cấp dưới.

Mô hình này giúp bạn thấu hiểu:

  • Những hành động của bạn ảnh hưởng tới cấp dưới, phụ thuộc vào hoàn cảnh và kết quả như thế nào.
  • Cấp dưới ảnh hưởng tới bạn ra sao.
  • Bối cảnh và kết quả ảnh hưởng tới bạn và cấp dưới thế nào.

Về bản chất, mọi thứ ảnh hưởng tới mọi thứ khác. Trong thực tế, những hành động tiêu cực sẽ tạo ra hiệu suất tiêu cực trong tương lai và ngược lại, những hành động tích cực sẽ cải thiện hiệu suất trong tương lai.

Lưu ý:

Dunham và Pierce sử dụng một định dạng khác của biểu đồ được minh họa trong bài viết này. Bạn có thể xem phiên bản đó tại Chương 9 trong cuốn sách “Leaders and the Leadership Process,” đồng tác giả với Jon Pierce.

Cách áp dụng mô hình

Pierce và John W. Newstrom đã nêu bật một số cách bạn có thể áp dụng cho sự phát triển của riêng bạn với cương vị là một nhà lãnh đạo, và sự phát triển của cấp dưới:

1. Cung cấp phản hồi thường xuyên

Có lẽ điều quan trọng nhất trong Mô hình quy trình Lãnh đạo là cung cấp phản hồi tích cực, từ đó khiến cho đội nhóm của bạn phát triển và trưởng thành.

Khi đưa ra phản hồi, nó tác động đến bối cảnh và giúp cải thiện kết quả. Vòng tuần hoàn này tạo ra một sự ảnh hưởng tích cực đến bạn và đội nhóm của mình.

Phản hồi thường xuyên cũng giúp bạn định hướng nhân viên khi bối cảnh và kết quả thay đổi.

2. Thận trọng với Hành động và Phản ứng

Mô hình cho thấy một điều rõ ràng rằng không cần biết bạn làm gì, các quyết định, hành vi, và hành động đều ảnh hưởng trực tiếp tới cấp dưới. Mọi hành động đều có phản ứng. Bạn, cấp dưới, bối cảnh và kết quả được kết nối chặt chẽ với nhau trong một mối quan hệ năng động.

Là một người lãnh đạo, bạn cần phải lưu ý điều này 24/7. Hậu quả sẽ rất khó lường nếu như bạn nói điều gì thiếu suy nghĩ hoặc chửi bới như tát nước vào mặt cấp dưới. Hậu quả có thể bao gồm hiệu suất tụt dốc không phanh, tinh thần tuột dốc mất phanh, tình trạng vắng mặt tăng, hay thậm chí khiến nhân viên “phủi đít” rời bỏ bạn mà đi.

Đây chính là lý do tại sao bạn cần phải học cách quản lý cảm xúc tại nơi làm việc, và trở thành một hình mẫu tốt.

3. Dẫn dắt trung thực và có đạo đức

Mô hình cũng minh hoạt mối quan hệ giữa người lãnh đạo và cấp dưới. Nếu mối quan hệ này được xây dựng trên sự tin tưởng và tôn trọng tự nhiên, thì bối cảnh và kết quả sẽ ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, nếu như mối quan hệ dựa trên sự căm hận, phẫn nộ, hay thậm chí sợ hãi, thì bối cảnh và kết quả sẽ trở nên vô cùng tiêu cực.

Cấp dưới cần và xứng đáng có được một người lãnh đạo mà họ có thể tin tưởng và noi theo, đây là lý do tại sao bạn cần phải trở thành một nhà lãnh đạo có đạo đức.

Đương nhiên, cấp dưới cần phải làm theo sự chỉ dẫn của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn là một người lãnh đạo mà họ tin tưởng, họ sẽ muốn đi theo bạn, và họ sẽ phát triển hơn nữa vì bạn bởi vì mối quan hệ giữa bạn và họ ngày càng sâu đậm hơn.

Đây chính là điều tạo nên sự khác biệt giữa một nhóm trung bình và một nhóm vô địch.

Ngoài ra, hãy chính xác trong những hành động và giao tiếp của bạn, dẫn dắt với tính ngay thẳng và khiêm nhường. Những phẩm chất này sẽ truyền cảm hứng cho sự tin tưởng của mọi người và củng cố mối quan hệ bạn có với họ.

Một điều quan trọng nữa là xây dựng sự tin tưởng tích cực với cấp dưới. Hãy làm hết sức để hỗ trợ các nhu cầu của họ, và luôn luôn giữ lời hứa của bạn.

4. Dẫn dắt với đúng phong cách

Trong kinh doanh, Kỹ năng Lãnh đạo thường là phong cách lãnh đạo tốt nhất để sử dụng. Các nhà lãnh đạo chuyển đổi có tính toàn vẹn, họ đặt ra các mục tiêu rõ ràng, họ giao tiếp cực tốt với nhân viên, và họ truyền cảm hứng mãnh liệt với tầm nhìn sáng chói về tương lai.
Tuy nhiên, bạn sẽ cần áp dụng một số phong cách lãnh đạo khác sao cho phù hợp với từng đối tượng, bối cảnh và kết quả. Đây là lý do tại sao bạn cần biết cách sử dụng nhiều phong cách lãnh đạo khác nhau để áp dụng cho từng trường hợp khi phù hợp.

5. Giao nhiệm vụ một cách có ý thức

Nhân viên của bạn có thường xuyên được sử dụng các kỹ năng và thế mạnh của họ không? Nếu bạn giao nhiệm vụ và dự án theo cách thông thường thì câu trả lời có thể là KHÔNG!

Chúng ta đều cảm thấy hạnh phúc nhất khi được sử dụng các kỹ năng tốt nhất của mình thường xuyên. Hãy cố gắng phân công nhiệm vụ phù hợp với các kỹ năng độc đáo của nhân viên. Bạn có thể tham khảo bài viết về Bốn khía cạnh của mối quan hệ công việcPhân bổ nhiệm vụ để có được cái nhìn rộng hơn về cách kết hợp các nhiệm vụ với kỹ năng và tình huống cụ thể của mọi người.

6. Tập trung vào phát triển mối quan hệ

Là một người lãnh đạo, bạn thường phụ thuộc vào nhân viên hơn họ phụ thuộc vào bạn. Mối quan hệ làm việc của bạn cần được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng và minh bạch. Mối quan hệ của bạn với nhân viên càng sâu đậm, bạn càng trở thành một người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng.

Bắt đầu bằng việc phát triển trí thông minh xúc cảm của bạn; điều này bao gồm nhiều đặc điểm mà chúng ta đã nói đến. Khi có trí thông minh xúc cảm cao, bạn sẽ tự ý thức được, quản lý được cảm xúc, và hành động theo đạo đức và giá trị của bạn.

Bạn cũng cần thể hiện sự đồng cảm với nhân viên. Khi cấp dưới thấy bạn là một người lãnh đạo thấu cảm, họ sẽ cảm thấy rằng bạn đang ở bên họ, và bạn có thể thấy mọi thứ từ quan điểm của họ. Điều này khiến cho mối quan hệ 2 bên trở nên sâu sắc hơn.

Cuối cùng, hãy khen thưởng nhân viên vì những việc tốt mà họ đã làm: ngay cả một “lời cảm ơn” chân thành cũng thể hiện sự đánh giá cao của bạn.

Những điểm chính

Mô hình Quy trình lãnh đạo nêu bật tính chất năng động và lâu dài của lãnh đạo. Nó cho thấy cách hành động và hành vi ảnh hưởng đến nhân viên của bạn, cũng giống như hành động của họ ảnh hưởng đến bạn.

Bạn có thể áp dụng các bài học từ mô hình bằng cách thực hiện 6 bước sau:

  1. Cung cấp phản hồi thường xuyên.
  2. Nhận thức được hành động và phản ứng.
  3. Dẫn dắt trung thực và có đạo đức.
  4. Dẫn dắt với phong cách phù hợp.
  5. Phân công việc vụ một cách có ý thức và thông minh.
  6. Tập trung vào phát triển mối quan hệ.

Nhìn chung, Mô hình Quy trình lãnh đạo giúp bạn thấy tính chất phụ thuộc lẫn nhau của lãnh đạo và tác động của nó đối với các tình huống và kết quả. Sử dụng khuôn mẫu này để nhận thức được hành động cũng như phát triển mối quan hệ của bạn với nhân viên sâu sắc hơn.

Hpo Banner