Blog

Mô hình Betari – Liên kết thái độ với hành vi

Cũng được biết đến với tên gọi Hộp Betari, chu kỳ xung đột

Tác động của thái độ và hành vi lên nhau là một vòng lặp khép kín

Sếp của Nga không tin tưởng cô. Điều này không phải là vì Nga không có đủ năng lực – mà dường như đây là một vấn đề thuộc về phạm phù nguyên tắc đối với anh ta.

Anh ta dành phần lớn thời gian để theo dõi liệu mọi người có làm đúng công việc của họ hay không. Anh ta theo dõi từng phút để đảm bảo nhân viên của mình chỉ dành đúng một tiếng đồng hồ ăn trưa.  Anh ta thậm chí còn kiểm tra hộp thư email của mọi người để chắc chắn không ai trao đổi tin nhắn cá nhân trong giờ làm việc.

Không có gì đáng ngạc nhiên, Nga và đồng nghiệp đã phản đối khi sếp không tin tưởng vào họ. Kết quả là, mọi người dừng việc tự quyết định, chỉ hỏi sếp anh ta muốn quyết định công việc như thế nào và ngừng chịu trách nhiệm về những việc họ đang làm. Điều này lại càng khiến sếp tin rằng nhân viên của mình không có khả năng tự giải quyết công việc.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy mô hình chu kỳ của hành vi nào như thế này tại nơi làm việc chưa? Chu kỳ này rất phổ biến trong các tổ chức và được minh họa bằng một mô hình đơn giản với tên gọi là Betari.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về mô hình Betari và làm thế nào để sử dụng nó nhằm cải thiện khí sắc cho nơi làm việc.

Mục lục

Mô hình Betari

Mô hình Betari được biểu diễn trong hình 1 giúp chúng ta hiểu thái độ và hành vi của mình ảnh hưởng như thế nào đến thái độ và hành vi của những người xung quanh.

Hình 1: Mô hình Betari

Thái độ đóng vai trò lớn trong cách chúng ta thể hiện hành vi của bản thân. Khi cảm thấy có động lực và tích cực, ta mỉm cười, khen ngợi thành viên trong nhóm và trao quyền cho những người xung quanh. Khi cảm thấy tiêu cực, chúng ta thường mất kiên nhẫn, tức giận với mọi người thậm chí còn la hét và tranh cãi.

Những hành vi này thường ảnh hưởng đến những người xung quanh. Họ có thể phản ứng lại bằng những hành vi tiêu cực và xung đột sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù ý tưởng của mô hình Betari khá đơn giản nhưng hiểu về nó có thể giúp mọi người nhận ra thời điểm mình mắc kẹt trong vòng tròn tiêu cực.

Ví dụ về mô hình Betari

Sử dụng mô hình Betari để nhận ra chu kỳ tiêu cực và thay đổi trong bản thân nhằm thoát khỏi tình trạng đó. Những ví dụ sau cho thấy điều gì có thể xảy ra khi bạn đã – hoặc không – sẵn sàng thay đổi.

Ví dụ 1:

Hãy tưởng tượng rằng việc lái xe đi làm hàng ngày khiến bạn căng thẳng. Càng gặp phải tình trạng tắc đường, bạn càng trở nên chán nản và khi đến đến công ty, tâm trạng của bạn rất tồi tệ.

Thái độ này khiến bạn thể hiện một số hành vi tiêu cực không phù hợp. Tính khí thay đổi thất thường, bạn mắng trợ lý và đồng nghiệp khi phát hiện ra báo cáo mà họ nộp có sự nhầm lẫn.

Hành vi tiêu cực của bạn lại ảnh hưởng đến trợ lý và đồng nghiệp. Họ bực bội vì thái độ và hành vi của bạn và phản ứng lại bằng những cách tiêu cực khác. Trợ lý tiếp tục làm việc không hiệu quả còn đồng nghiệp châm chọc và tức giận lại với bạn. Giao tiếp không thực sự diễn ra trong trường hợp này.

Ví dụ 2:

Hãy tưởng tượng thời điểm sau khi ăn trưa. Bạn có thái độ tiêu cực, bạn mắng mỏ trợ lý và đồng nghiệp của mình.

Khi ngồi vào bàn làm việc, bạn nhận ra rằng tất cả điều này bắt nguồn từ một điều vô cùng ngớ ngẩn: việc lái xe đi làm. Sau khi suy nghĩ, bạn quyết định thoát khỏi tình trạng này. Bạn xin lỗi trợ lý của mình và cô ấy mỉm cười chấp nhận nó. Bạn cũng xin lỗi đồng nghiệp và đề nghị giúp đỡ anh ấy hoàn thiện bản báo cáo. Đồng nghiệp cũng chấp nhận lời xin lỗi và cảm ơn bạn vì sẵn sàng giúp đỡ anh ấy sửa chữa sai lầm.

Kết quả cuối cùng: giao tiếp có hiệu quả có thể xảy ra đơn giản bởi vì bạn sẵn sàng ngừng suy nghĩ tiêu cực và thoát khỏi chu kỳ.

Ví dụ 3:

Ngày hôm sau, quãng đường từ nhà đến công ty cũng rất tồi tệ nhưng trước khi vào văn phòng, bạn đã sử dụng một vài kỹ thuật thư giãn. Bạn chào hỏi trợ lý và đồng nghiệp một cách nồng nhiệt. Chẳng mấy chốc họ trở nên dễ chịu với bạn và tất cả mọi người đều có một ngày làm việc vui vẻ, tích cực, hiệu quả.

Những điểm chính

Mô hình Betari minh họa việc thái độ và hành vi của chúng ta ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ và hành vi của những người xung quanh như thế nào. Khi mắc kẹt trong vòng tròn tiêu cực, chúng ta phải thoát khỏi nó bằng cách thay đổi thái độ. Điều này sẽ tác động tích cực đến những người xung quanh và giúp phá vỡ chu kỳ.

Áp dụng vào cuộc sống

  1. Hãy nhớ rằng thái độ của bạn, dù tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến những người xung quanh bạn.
  2. Lần tiếp theo gặp phải tâm trạng tiêu cực, hãy dừng những việc bạn đang làm. Dành vài phút để tìm hiểu tại sao bạn lại cảm thấy tiêu cực. Tiêu cực thường bắt nguồn từ một sự kiện không đáng kể và mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn từ đó. Hãy quyết tâm thoát khỏi chu kỳ bằng cách tập trung vào điều gì đó tích cực.
  3. Nếu đồng nghiệp của bạn bị mắc kẹt trong chu kỳ tiêu cực, hãy nhớ rằng bạn có lựa chọn qua cách phản ứng lại. Người đó tỏ thái độ tiêu cực đối với bạn không có nghĩa là bạn phải đáp lại anh ta tương tự như thế.
  4. Nếu một thành viên trong nhóm luôn tỏ thái độ kiêu căng và thô lỗ, hãy tìm hiểu lý do. Hãy đề cập với họ về mô hình Betari và nhấn mạnh hậu quả của những hành vi tiêu cực đối với năng suất làm việc nhóm và chất lượng cuộc sống của họ.
  5. Nếu có người khó chịu với bạn, bạn thường sẽ phòng thủ bằng cách khó chịu lại với họ. Nếu điều này xảy ra, hãy xem thử liệu cả hai người có thể “nhấn nút khởi động lại” và vui vẻ với nhau hay không.
  6. Luyện tập kỹ năng đồng cảm tại nơi làm việc. Đồng cảm có thể giúp bạn thoát khỏi chu kỳ tiêu cực khi mắc kẹt trong đó.
Hpo Banner