Blog

Làm thế nào để tránh quản lý vi mô

Bạn vừa giao một nhiệm vụ quan trọng cho một nhân viên tài năng, và cho anh ấy một deadline. Bây giờ, bạn có để anh ta làm công việc của mình và chỉ cần tác động vào những điểm nhất định đã được lên kế hoạch trước đó, hay bạn sẽ liên tục “lượn lờ” ở bàn làm việc của anh ta hoặc liên tục gửi mail kiểm tra tiến độ?

Nếu bạn đang nằm ở trường hợp thứ hai, thì xin chúc mừng, bạn có thể là một nhà quản lý vi mô. Và bạn sẽ rất khó để có thể bỏ qua những chi tiết dù là nhỏ nhất.

Những nhà quản lý vi mô thường theo dõi nhân viên của mình tới cùng, bởi vì họ bị kiểm soát bởi sự ám ảnh rằng liệu nhân viên của mình có làm được không? Có làm đúng ý mình không? Nếu sai thì sao? Làm sao để kịp tiến độ?…v.v. Cứ như vậy họ sẽ dần tạo khoảng cách với chính nhân viên của mình. Hệ quả không chỉ ảnh hưởng tới hiệu suất của nhân viên mà họ còn mất đi sự tin tưởng từ đồng nghiệp, nhân viên, thậm chí có thể khiến họ thất vọng, “cay cú” tới mức bỏ việc.

May mắn thay, khi bạn đọc xong bài viết này bạn sẽ khám phá được một vài cách thức giúp bản thân tránh khỏi việc quản lý vi mô hay thậm chí loại bỏ chúng trước khi gây ra bất cứ tổn hại nào. Hoặc nếu bạn là nhân viên đang làm việc cho một người sếp có phong cách quản lý vi mô, bạn cũng sẽ tìm được các chiến lược để thuyết phục họ chấp nhận tinh thần làm việc độc lập của bạn.

Suy cho cùng thì, là một nhà quản lý, điều ưu tiên bạn cần là hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn đúng không? Vậy, hãy để nhân viên của bạn tự do tỏa sáng. Bạn chỉ xuất hiện khi họ cần hỗ trợ mà thôi.

Vậy, làm sao bạn phát hiện ra được những dấu hiệu của quản lý vi mô? Đâu là ranh giới giữa một nhà quản lý hiệu quả và một nhà quản lý “quá độ” người đang khiến đội nhóm của mình nổi điên?

1. Những du hiu ca qun lý vi mô

Để xác định xem bạn có đang quản lý vi mô hay không. Hãy xem xét một số dấu hiệu dưới đây:

  • Không muốn ủy thác, trao quyền cho nhân viên.
  • Luôn trong trạng thái theo dõi, giám sát dự án của người khác.
  • Bắt đầu bằng cách sửa các chi tiết nhỏ thay vì nhìn vào bức tranh tổng thể.
  • Lấy lại công việc được ủy thác trước khi nó được hoàn thành nếu tìm thấy một lỗi nào đó.
  • Không khuyến khích nhân viên tự ra quyết định mà không tham khảo ý kiến của họ.

Câu hỏi đặt ra là: Bạn mắc phải bao nhiêu triệu chứng trên?

2. Tại sao quản lý vi mô đã lỗi thời?

Nếu bạn vẫn nhận được kết quả làm việc tốt bằng cách quản lý vi mô và tiếp tục “chõ mũi” vào công việc của người khác, vậy tại sao không tiếp tục?

Những nhà quản lý vi mô thường khẳng định giá trị của cách tiếp cận của họ bằng một thí nghiệm đơn giản: Họ giao cho nhân viên một công việc, sau đó biến mất tới khi gặp deadline. Để xem nhân viên này có tung hết được khả năng của mình khi được tự do chiến đấu không?

Có thể – nếu họ có sự tự tin đặc biệt về khả năng của mình. Tuy nhiên, dưới sự quản lý vi mô, phần lớn nhân viên trở nên nhút nhát và tự ti. Một số nhân viên sẽ nghĩ “Cho dù tôi có làm gì đi chăng nữa, thì cũng chẳng thể làm vừa lòng lão sếp.” Sau đó sẽ có một trong 2 trường hợp xảy ra: Một là nhân viên sẽ yêu cầu sự trợ giúp từ quản lý, hai là anh ta sẽ tự mình mò mẫm, nhưng không đạt kết quả.

Đây mới là vấn đề chính, nhà quản lý vi mô sẽ giải thích kết quả cuộc thí nghiệm của mình như một bằng chứng rằng, nếu không có sự can thiệp liên tục của họ, thì nhân viên của họ sẽ mất phương hướng và thất bại.

Nhưng liệu những kết quả này có đủ để xác minh giá trị của việc quản lý vi mô? Một người quản lý thực sự hiệu quả sẽ giúp đội nhóm của mình cùng thành công. Mặt khác người quản lý vi mô sẽ ngăn cản nhân viên chủ động nhận trách nhiệm về những quyết định của chính họ. Nhưng đó mới là quá trình quan trọng quyết định giúp nhân viên phát triển và cải thiện năng lực.

Các nhà quản lý giỏi tạo cơ hội cho nhân viên của họ thể hiện để họ tỏa sáng; Các nhà quản lý tồi sẽ khiến nhân viên “phủi đít” ra đi bằng việc giữ khư khư những cơ hội đó. Và tất nhiên, một nhân viên mà không có quyền hạn của họ thì chắc chắn sẽ làm việc không hiệu quả, bởi họ bị phụ thuộc quá nhiều vào người quản lý của mình.

Chẳng phải sẽ rất khó để nắm được bức tranh tổng thể khi bạn cứ nhăm nhăm soi mói vào những chi tiết nhỏ nhặt hay sao?

3. Làm thế nào để tránh qun lý vi mô

Đọc tới đây, bạn đã xác định được các khuynh hướng quản lý vi mô tồi tệ như thế nào. Vậy, bạn có thể làm gì để tránh nó?

Cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn với nhân viên của bạn là gặp trực tiếp và nói chuyện với họ.

Tất nhiên, sẽ mất nhiều cuộc trò chuyện để thuyết phục họ rằng bạn nghiêm túc về sự thay đổi. Nhận phản hồi thẳng thắn từ nhân viên là một phần khó. Nhưng một khi bạn đã làm điều đó, như Marshall Huge Goldsmith khuyến cáo trong cuốn sách What Got You Here Won’t Get You There, đã đến lúc nói lời xin lỗi và thay đổi. Điều này có nghĩa là cho nhân viên của bạn được yên tâm và khích lệ để thành công. Hãy tập trung trước tiên vào những nhân viên có nhiều tiềm năng nhất, và học cách ủy thác công việc một cách hiệu quả cho họ. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về kỹ năng giao việc hiệu quả để áp dụng cho đội nhóm của mình.

Và nếu bạn đang thắc mắc về việc mình sẽ làm gì với tất cả thời gian rảnh, khi ngừng quản lý vi mô, hãy đọc bài viết về Kỹ năng quản lý đội nhóm để khám phá thêm.

Khi làm việc với một người quản lý vi mô, mọi thứ sẽ phức tạp hơn một chút. Cho dù có tin hay không, nhưng bạn đang bị mắc kẹt trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình bởi phong cách này. Tuy nhiên, có một số điểu dưới đây bạn có thể thực hiện để cải thiện tình hình:

Giúp sếp giao việc cho bạn hiệu quả hơn bằng cách thúc đẩy họ cung cấp cho bạn tất cả những thông tin mình cần đến, và sau đó đặt ra các “điểm trạm” để cùng xem xét lại công việc đó.

Tình nguyện tiếp nhận các công việc hoặc dự án mà bạn hoàn toàn tự tin. Điều này sẽ làm tăng sự tự tin trong bạn và kỹ năng giao việc của cấp trên.

Hãy đảm bảo bạn thường xuyên liên lạc với cấp trên của mình, để ngăn cản họ tìm kiếm thông tin chỉ bởi vì họ đang rảnh.

Tập trung vào việc giúp cấp trên của bạn thay đổi thói quen quản lý vi mô. Hãy nhớ rằng, cho dù là quản lý thì họ cũng chỉ là con người, và họ được phép sai lầm!

Cuối cùng, để “quản lý sếp” hiệu quả bạn sẽ có thể quan tâm tới bài viết Làm thế nào để làm việc với người có quyền lực.

Chúc bạn thành công.

Hpo Banner