Blog

Đi làm cũng chỉ vì cơm áo gạo tiền

“Đi làm cũng chỉ vì cơm áo gạo tiền…”

Bạn đã từng nghe câu nói này từ ai đó chưa? Tuần vừa rồi, Nhất có hai cuộc nói chuyện với nhân viên của hai công ty, thì cả hai đều thốt ra câu nói này.

Liệu bạn có thấy rằng, ẩn chứa đằng sau câu nói ấy, là sự thiếu ĐỘNG LỰC làm việc?

Nhất tò mò và hỏi: “Tại sao vậy? Điều gì khiến anh không còn hứng thú làm việc?”

Người thứ nhất trả lời: “Làm với không làm cũng như nhau, vậy thì làm làm gì?”, anh ta dừng một chút, mắt nhìn xa xăm, rồi nói tiếp: “Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, nên phải cố gắng làm lụng ở đây thôi, chứ không anh nghỉ từ lâu rồi...”

Hoàn cảnh của người thứ hai cũng không khá khẩm gì hơn… Sau một hồi nói chuyện, anh nói: “Lúc mới về thì cũng hào hứng, làm việc nhiệt tình lắm chứ! Nhưng rồi làm lâu mới thấy cơ chế, lãnh đạo bất công, nên chán chẳng buồn làm nữa”. Anh còn thành thật chia sẻ thêm: “Bây giờ đến công ty, chỉ làm việc 40% thời gian thôi, còn 60% thời gian anh kinh doanh buôn bán online bên ngoài…”

“Thế anh không sợ mọi người biết sẽ dị nghị à?”, “Ui dào, ở phòng anh, ai cũng thế cả, đến đâu hay đến đó em ạ”.

Hãy hình dung! Nếu bạn là sếp của một trong hai nhân viên này, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Và xử trí ra sao?

Hiện tượng mất động lực hàng loạt này, không phải do lỗi của nhân viên, mà thông thường là do cơ chế hoặc thứ hai là do năng lực của người lãnh đạo, quản lý trực tiếp. Theo thống kê từ các cuộc khảo sát những người thiếu động lực và nghỉ việc, thì phần lớn là do nguyên nhân thứ hai.

Vậy làm thế nào để TẠO ĐỘNG LỰC cho nhân viên?

Mô hình tạo động lực “Cây gậy và Củ cà rốt” (Thưởng – Phạt) liệu có còn hiệu quả trong thời kỳ mới? Các nhà khoa học và tâm lý học đã nhảy vào cuộc để nghiên cứu, kết quả thật bất ngờ, khi họ phát hiện ra những HẠN CHẾ của mô hình truyền thống này, bao gồm:

  1. Chúng có thể tiêu diệt động lực nội tại.
  2. Chúng có thể làm giảm sút năng lực làm việc.
  3. Chúng có thể bóp nghẹt óc sáng tạo.
  4. Chúng có thể hất cẳng hành vi tốt.
  5. Chúng có thể ươm mầm cho sự gian trá, thủ đoạn “đi tắt đón đầu” và những hành vi thiếu đạo đức.
  6. Chúng có thể gây nghiện.
  7. Chúng có thể dung túng cho lối tư duy ngắn hạn.

Vậy làm thế nào để khắc phục những hạn chế này? Điều gì thực sự thúc đẩy ĐỘNG LỰC hành động mạnh mẽ của nhân viên?

Câu trả lời chính là “ĐỘNG LỰC NỘI SINH”, mô hình tạo động lực hiện đại này được phát triển dựa trên nguyên lý: “Động lực bên trong luôn lớn hơn Động lực đến từ bên ngoài”.

Sự kết hợp giữa hai mô hình “Cây gậy và Củ cả rốt” (động lực đến từ bên ngoài) với “Động lực nội sinh” (động lực bên trong) – chính là lời giải hiệu quả nhất hiện nay giúp các nhà quản lý, lãnh đạo truyền cảm hứng và tạo động lực cho đội ngũ nhân viên.

P/S:

Nếu bạn quan tâm đến tạo động lực nội sinh – hãy click để đọc bài viết này: “Tại sao phải chăm sóc người tình đỏng đảnh của bạn mỗi ngày?”

Hpo Banner