Blog

Data driven là gì?

“Dữ liệu! Dữ liệu! Dữ liệu!” anh sốt ruột khóc. “Tôi không thể làm gạch nếu không có đất sét!” – Sherlock Holmes

Mục lục

Data driven là gì?

Có nhiều định nghĩa khác nhau về Data-driven. Nhưng bản chất cốt lõi nhất, đó là việc: Ra quyết định dựa trên dữ liệu.

  • Cái gì? Ra quyết định dựa trên dữ liệu á!?
  • Hằng ngày, tôi vẫn phân tích các số liệu tài chính, số liệu về marketing, bán hàng… để đưa ra các quyết định kinh doanh đó thôi! Đấy có phải là data driven không?
  • Đúng! Đó chính là cấp độ cơ bản nhất của data driven. Để trở thành một tổ chức dựa trên dữ liệu (data driven), doanh nghiệp sẽ trải qua nhiều cấp độ, từ cơ bản đến nâng cao. Cuối cùng, bạn sẽ đối mặt với các thuật ngữ ghê gớm như: Dữ liệu lớn (BigData), Trí thông minh nhân tạo (AI), Học máy (machine learning)…

Tóm lại, trở thành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu (data driven) là một quá trình thay đổi toàn diện, mang tích cách mạng, trong hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp.

Data Driven HRM

Lợi ích của Data driven:

Tại sao việc trở thành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu lại quan trọng?

1. Thúc đẩy doanh số bán hàng

Ví dụ, Amazon thu thập và phân tích lịch sử truy cập website, từ đó, nắm được nhu cầu và sở thích của khách hàng để quyết định sản phẩm nào nên giới thiệu cho khách. Theo ước tính của McKinsey, năm 2017, 35% giao dịch mua hàng trên Amazon được thúc đẩy bởi hệ thống đề xuất dựa trên dữ liệu này.

Ví dụ khác, PepsiCo phân tích lịch sử mua hàng để xác định xem các hộ gia đình thường mua sắm ở cửa hàng nào? Họ thường mua sản phẩm gì? Từ đó, phân phối các sản phẩm phù hợp để tăng doanh số.

2. Nâng cao chất lượng phục vụ và cải thiện trải nghiệm khách hàng

Ví dụ gần gũi hơn, Youtube thu thập và phân tích dữ liệu về hành vi tìm kiếm và loại video mà bạn thích xem. Lần tiếp theo, khi bạn mở Youtube lên, các video tương tự sẽ được đề xuất và hiển thị trên màn hình của bạn.

Tương tự, với ứng dụng xem phim Netflix, họ thu thập các dữ liệu như: Lúc nào bạn vào xem? Bạn xem thể loại phim gì? Xem bao nhiêu phút? Bạn tua đi, tua lại ở phút nào của phim… Từ đó, Netflix đưa ra các đề xuất phim phù hợp với sở thích và thời gian xem của bạn!

3. Nắm bắt xu hướng thị trường và phát triển sản phẩm mới

Một nhà bán lẻ giày dép tiến hành quảng cáo thử các mẫu mới… để thu thập dữ liệu về phản ứng của khách hàng về màu sắc, mẫu mã, chủng loại… Từ đó, quyết định xem mẫu sản phẩm nào sẽ chính thức được tung ra thị trường.

4. Tối ưu hóa quy trình kinh doanh và hoạt động vận hành

Một công ty vận tải, thu thập và phân tích dữ liệu tắc đường. Từ đó, dự đoán và đưa ra các cung đường tối ưu nhất cho các tài xế.

5. Nâng cao hiệu suất làm việc

Walmart thu thập và phân tích dữ liệu về nguyên nhân nghỉ việc của nhân viên, từ đó, quyết định các chính sách để giữ chân nhân sự tốt hơn.

Google thu thập dữ liệu để phân tích và xác định đâu là các hành vi phổ biến của các nhà quản lý có hiệu suất cao. Từ đó, quyết định các chương trình đào tạo cho đội ngũ quản lý. Chương trình này giúp Google tăng điểm hài lòng về quản lý từ 83% lên 88%.

Dữ liệu đang trở thành tài sản và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp

Trở thành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu giống như sự khác biệt giữa việc lái ô tô và đi bằng ngựa.

Data Driven

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, các doanh nghiệp sử dụng phân tích dữ liệu có khả năng vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh về:

  • Thu hút khách hàng mới gấp 23 lần so với các công ty không sử dụng dữ liệu.
  • Cao hơn 9 lần về mức độ trung thành của khách hàng.
  • Và khả năng đạt được lợi nhuận trên mức trung bình cao hơn 19 lần.

Với kết quả vượt trội như vậy, Data-driven trở thành “từ khóa” then chốt trong kinh doanh hiện đại.

5 đặc điểm chính của một doanh nghiệp dựa trên dữ liệu

Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống báo cáo rất khủng, ví dụ như Power BI, và tuyên bố đã trở thành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu. Điều này chưa hẳn đúng.

Ngay cả những công ty hàng đầu thế giới trong danh sách Fortune 1000, năm 2022, NewVantage Partners đã khảo sát CEO của 94 công ty, kết quả là:

  • Chỉ có 26,5% cho rằng doanh nghiệp của họ đã trở thành tổ chức dựa trên dữ liệu.
  • Và chỉ có 19,3% cho biết họ đã thiết lập thành công văn hóa dựa trên dữ liệu.

Đó là nhóm công ty hàng đầu thế giới, còn ở Việt Nam thì sao? Chưa có số liệu thống kê, nhưng có lẽ tỷ lệ doanh nghiệp dựa trên dữ liệu là rất ít!
Vậy làm thế nào bạn nhận ra đâu là một tổ chức dựa trên dữ liệu?

Dưới đây là các đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu (ở cấp độ cao):

1. Các lãnh đạo luôn dựa vào dữ liệu để ra quyết định

Data driven muốn thành công phải được khởi nguồn từ các lãnh đạo cấp cao nhất của doanh nghiệp. Thay vì, ra quyết định theo trực giác và kinh nghiệm, các lãnh đạo cấp cao luôn yêu cầu dữ liệu để phân tích và ra quyết định.

2. Dân chủ hóa dữ liệu trong toàn tổ chức

Bất kỳ ai trong công ty cũng có thể truy cập vào dữ liệu mà họ cần – một cách dễ dàng. Ý tôi là “truy cập mọi dữ liệu một cách dễ dàng”. Cụ thể hơn:

  • Mọi dữ liệu – Tức là doanh nghiệp đã minh bạch dữ liệu trong toàn tổ chức.
  • Một cách dễ dàng – Tức là các bộ phận sẵn lòng chia sẻ dữ liệu cho nhau. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ để thu thập, quản lý và chia sẻ dữ liệu dễ dàng hơn.

3. Cán bộ nhân viên có hiểu biết về dữ liệu và phân tích dữ liệu

Trong một doanh nghiệp dựa trên dữ liệu, bạn sẽ thấy CBNV rất coi trọng dữ liệu, họ có hiểu biết về các dữ liệu quan trọng của đội nhóm. Và có kỹ năng phân tích và ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Nếu tham gia các cuộc họp, bạn sẽ thấy các đội nhóm thảo luận với nhau về dữ liệu mà họ thu thập được. Hoặc một dấu hiệu nữa, bạn thấy các nhóm dễ dàng đưa ra quyết định (nhanh hơn) nhờ dữ liệu.

4. Các đội nhóm cộng tác chặt chẽ với nhau thông qua dữ liệu

Sức mạnh của data driven là sử dụng dữ liệu để hợp nhất các đội nhóm và thúc đẩy các cuộc họp cộng tác.

Bạn sẽ thấy các đội nhóm cộng tác, làm việc cùng nhau, thông qua các dữ liệu chung. Dữ liệu trở thành ngôn ngữ chung của tất cả các đội nhóm và thành viên trong tổ chức.

5. Công nghệ

Tất nhiên rồi, trong các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu, bạn sẽ thấy sự hiện diện của nhiều ứng dụng công nghệ. Những công nghệ này giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thu thập, quản lý, chia sẻ và phân tích dữ liệu.

Tuy nhiên, tôi đặt công nghệ ở vị trí cuối cùng, đặc biệt trong giai đoạn đầu, 4 đặc điểm phía trên quan trọng hơn! Bạn hiểu ý tôi chứ!?

Thách thức lớn nhất để trở thành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu là gì?

  • “Rào cản lớn nhất đối với thành công của dữ liệu ngày nay là văn hóa doanh nghiệp, không phải là sự lạc hậu về công nghệ”.
  • “Văn hóa dữ liệu vượt qua cả công nghệ, nó phải được kết hợp bởi nhóm dữ liệu và thấm đẫm trong toàn bộ đội nhóm trong tổ chức”. (Eduardo và Sibele)

Vâng! Thách thức lớn nhất bạn phải vượt qua chính là văn hóa doanh nghiệp và khởi nguồn của văn hóa chính là lãnh đạo.

Trở thành doanh nghiệp dựa trên dữ liệu bắt đầu bằng việc thiết lập văn hóa dữ liệu. Một nền văn hóa mà ở đó, dữ liệu là DNA của công ty. Văn hóa này được khởi nguồn từ các nhà Lãnh đạo dựa trên dữ liệu.

Hpo Banner