Blog

Đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp: 5 giai đoạn hình thành

Tạo ra một tổ chức có đạo đức hơn

Công ty của Nam nhập khẩu và kinh doanh quần áo thời trang và anh mới biết được rằng một nhà cung cấp nước ngoài đang sử dụng lao động trẻ em làm việc ở các nhà máy của họ.

Khi Nam đặt vấn đề với sếp, ông ta bảo bảo anh không nên lo lắng về điều đó. Ông ta nói rằng công ty đang cạnh tranh khốc liệt nền cần nguồn cung cấp hiệu quả về chi phí. Trừ khi xảy ra vấn đề, nếu không điều này được xem là bình thường trong kinh doanh.

Rất nhiều tổ chức giống như công ty Nam – họ ưu tiên lợi nhuận hơn con người, tăng trưởng hơn đạo đức.

Tuy nhiên, nhiều công ty khác nhận ra rằng họ có thể tạo ra lợi nhuận lành mạnh trong khi vẫn phản ánh giá trị đạo đức cao hơn. Những giá trị này có thể là trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng, cũng như nhân viên.

Nhiều tổ chức đi qua một số giai đoạn khi trở nên đạo đức hơn. Trong bài này, chúng ta sẽ phác thảo những giai đoạn này. Chúng ta sẽ tìm hiểu làm thế nào xác định giai đoạn hiện tại của tổ chức và xem xét những việc cần làm để chuyển sang cấp độ cao hơn.

Mục lục

Giới thiệu về mô hình

Eric Reidenbach và Donald Robin đã phát triển khái niệm về sự phát triển đạo đức doanh nghiệp và xuất bản nó trong Journal of Business Ethics năm 1991.

Mô hình phác thảo 5 giai đoạn mà tổ chức phải trải qua để trở nên có đạo đức hơn:

Giai đoạn 1 – Tổ chức chưa quan tâm đến đạo đức.

Giai đoạn 2 – Tổ chức hợp pháp.

Giai đoạn 3 – Tổ chức quan tâm đến đạo đức

Giai đoạn 4 – Tổ chức xây dựng đạo đức

Giai đoạn 5 – Tổ chức đạo đức chuẩn mực 

Tổ chức đi qua những giai đoạn này vì các nhà lãnh đạo ngày càng quan tâm đến đạo đức bên cạnh lợi nhuận. Trong giai đoạn 5, các nhà lãnh đạo đánh giá hai khía cạnh này bằng nhau.

Chú ý 1:

Reidenbach và Robin lưu ý rằng không phải tất cả các tổ chức đều đi qua từng giai đoạn ở trên và một số tổ chức có thể nhảy qua giai đoạn.

Họ cũng nhận xét rằng một tổ chức có nhiều đơn vị kinh doanh khác nhau có thể cùng một lúc trải qua nhiều giai đoạn.

Tốc độ và sự lan rộng của sự thay đổi phụ thuộc vào quản lý, thị trường và lịch sử của tổ chức. Theo nhiều nhà nghiên cứu, một số tổ chức không thể vượt qua những giai đoạn đầu.

Chú ý 2:

Một số nhà quản lý cho rằng công ty chỉ nên tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, miễn là không vi phạm pháp luật. Những người khác tin rằng công ty nên làm cho thế giới trở thành một nơi tốt hơn nhờ sự tồn tại của họ.

5 giai đoạn phát triển đạo đức doanh nghiệp

Hãy xem xét từng giai đoạn một cách chi tiết. Điều này giúp bạn xác định tổ chức mình đang ở đâu và những điều cần xảy ra để tiến đến giai đoạn cao hơn.

Giai đoạn 1 – Tổ chức chưa quan tâm đến đạo đức.

Tổ chức chưa quan tâm đến đạo đức ít suy nghĩ đến việc hành động của họ ảnh hưởng đến thế giới thế nào. Các nhà lãnh đạo có thể cho rằng hành vi thiếu đạo đức là “chi phí của việc kinh doanh” và chỉ xem xét đến vấn đề đạo đức nếu có điều gì đó sai trái.

Hãy tìm kiếm những dấu hiệu sau và quyết định xem liệu tổ chức bạn có đang trong giai đoạn này không:

  • Lợi nhuận và tăng trưởng ưu tiên hơn con người và đạo đức.
  • Lãnh đạo thiết lập quy tắc với quyền lực và thẩm quyền và khuyến khích nhân viên nghe theo và duy trì nguyên trạng.
  • Lãnh đạo coi nhân viên là những đơn vị sản xuất. Họ không nghĩ đến sức khoẻ thể chất, tinh thần hay cảm xúc của người lao động.
  • Tổ chức có thể phá vỡ quy tắc để gia tăng lợi nhuận.

Những hành động giúp tổ chức đi qua giai đoạn 1

Xem xét làm thế nào để mang lại ưu tiên hơn tới con người. Bắt đầu bằng cách xây dựng văn hoá an toàn để cải thiện phúc lợi nhân viên. 

Sau đó, xác định những cách nhỏ hơn để giới thiệu các thực tiễn có đạo đức hơn. Ví dụ, nếu bạn muốn tổ chức thải ít rác thải hơn. Bạn có thể sử dụng thùng rác tái chế, cốc cà phê bằng gốm thay vì nhựa, giảm bao bì gói thực phẩm trong khu vực cà phê.

Mẹo:

Đọc bài viết quản lý xanh để có thêm ý tưởng giúp cho tổ chức thân thiện với môi trường.

Giai đoạn 2: Tổ chức hợp pháp

Tổ chức trong giai đoạn này quan tâm tới việc tuân theo luật pháp và quy định liên quan đến ngành. Hơn nữa, họ tập trung vào việc tuân thủ văn bản pháp luật thay vì mặt tinh thần.

Những tổ chức này có các giá trị, thậm chí là tuyên bố về sứ mệnh và tầm nhìn. Tuy nhiên, họ thường đảm bảo mức tối thiểu cần thiết để tuân thủ luật pháp.

Bạn có thể thấy những dấu hiệu sau khi tổ chức đang ở giai đoạn hợp pháp:

  • Nhà quản lý quan tâm đến vấn đề pháp lý hơn là rắc rối về đạo đức trong quyết định của họ.
  • Có rất nhiều quy tắc và luật lệ ứng xử.

Làm gì để di chuyển qua giai đoạn 2

Nếu đang ở giai đoạn 2 thì tổ chức bạn bắt đầu tỏ ra quan tâm đến việc đưa ra lựa chọn đúng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cần đảm bảo chúng có đạo đức. 

Xem xét các tổ chức khác trong ngành. Đối thủ cạnh tranh đang làm gì để đáp ứng yêu cầu pháp lý và giải quyết các vấn đề xã hội, đạo đức? Làm thế nào bạn có thể nhân rộng chúng trong tổ chức mình?

Sau đó xem xét cấu trúc tổ chức. Tổ chức quan liêu thường đưa ra chuỗi mệnh lệnh phức tạp, khuyến khích tuân thủ một cách nghiêm ngặt các luật lệ và quy tắc. Hãy tìm cách di chuyển đến hệ thống cấp bậc ít chính thức hơn – nó khuyến khích mọi người đặt câu hỏi về hiện trạng và thảo luận những lựa chọn thay thế một cách cởi mở hơn.

Mẹo:

Thay đổi tổ chức trên quy mô rộng cần thời gian và chiến lược quản lý thay đổi chi tiết.

Sử dụng những công cụ như Đường cong thay đổi, Mô hình quản lý thay đổi của Lewin và 8 bước để thay đổi theo mô hình của Kotter lên kế hoạch thay đổi thành công.

Tùy thuộc vào tính chất doanh nghiệp hoặc ngành, giữ các khía cạnh của một nền văn hoá pháp luật có thể phù hợp, đặc biệt khi sức khoẻ và an toàn là mối quan tâm, khi quản lý rủi ro là quan trọng hay khi ngành cần tuân thủ những quy tắc ứng xử nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đưa ra quyết định mang tính đạo đức trong nền văn hoá pháp luật.

Giai đoạn 3 – Tổ chức quan tâm đến đạo đức

Những tổ chức quan tâm đến đạo đức đã bắt đầu cân bằng tính hợp pháp và năng suất với đạo đức. Họ cảm nhận được áp lực xã hội, hành động vì lợi ích tốt nhất của cộng đồng, môi trường và họ đáp lại nó. Tuy nhiên, điều này trở nên thiết thực hơn vì họ tin rằng họ “đang làm điều đúng.”

Hãy tìm kiếm những dấu hiệu sau, đánh giá xem liệu tổ chức bạn có đang ở giai đoạn 3:

  • Tổ chức quan tâm đến trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội. Nhà quản lý đôi khi đưa ra quyết định xem xét lợi ích xã hội rộng lớn hơn.
  • Cũng như quy tắc ứng xử, những tổ chức này có quy tắc đạo đức. Họ xác định những vấn đề đạo đức như mâu thuẫn quyền lợi, hối lộ, giá trị của công ty, quan ngại về bảo mật, chất lượng và an toàn sản phẩm, trách nhiệm giải trình cá nhân và đóng góp chính trị.
  • Lãnh đạo phản ứng với tình huống một cách có đạo đức. Tuy nhiên, họ thường chỉ làm theo những việc tổ chức khác đã làm.

Một số tổ chức ở giai đoạn 3 vẫn có mối quan tâm nội bộ mạnh mẽ. Ví dụ, quy tắc đạo đức có thể phản ánh mong muốn bảo vệ tổ chức khỏi bị tổn hại, thay vì làm những việc đúng đắn với mọi giá.

Tuy nhiên, đa số, giai đoạn 3 là thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển.

Làm gì để đi qua giai đoạn 3:

Tận dụng tối đa bước ngoặt này và tìm kiếm cơ hội thảo luận xem làm sao để đưa tiêu chuẩn đạo đức cao hơn vào tổ chức.

Hãy xem xét làm thế nào giúp mọi người đưa ra quyết định đúng đắn. Sử dụng đường dây nóng, diễn đàn hoặc hệ thống gợi ý nhằm khuyến khích họ tìm kiếm hướng dẫn?

Cuối cùng, xem xét các tổ chức liên quan đến doanh nghiệp bạn. Bạn có hài lòng với tiêu chuẩn đạo đức của các nhà cung cấp?

Giai đoạn 4 – Tổ chức xây dựng đạo đức

Những tổ chức này bắt đầu trải qua sự thay đổi văn hoá và các nhà lãnh đạo tiếp cận vấn đề đạo đức một cách chủ động.

Có thể bạn sẽ nhận thấy những dấu hiệu sau nếu tổ chức bạn đang ở giai đoạn 4:

  • Lãnh đạo tham gia vào những hoạt động liên quan đến đạo đức, chẳng hạn như chương trình CSR.
  • Khuyến khích đạo đức và trách nhiệm xã hội trong văn hoá doanh nghiệp, dẫn dắt bằng ví dụ.
  • Nguyên tắc đạo đức là “tài liệu” thay vì chỉ là ý tưởng.
  • Nhân viên được khuyến khích đưa ra quyết định mang tính đạo đức và báo cáo sai phạm về quy tắc ứng xử.

Những tổ chức xây dựng đạo đức đã bắt đầu “làm tới nơi tới chốn”. Nhân viên cũng đã tiếp thu điều này và bắt đầu chủ động khi nói đến trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm giải trình.

Làm gì để đi qua giai đoạn 4:

Reidenbach và Robin chỉ ra rằng, vào thời điểm nghiên cứu (1991), họ không thể xác định được bất kỳ tổ chức đạo đức nào hoàn hảo. Vì vậy, nếu muốn vượt qua giai đoạn 4, bạn đã đặt ra cho mình một mục tiêu đầy tham vọng!

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số quan trọng của một tổ chức đạo đức hoàn hảo là việc các nhà lãnh đạo sẵn sàng quay lưng với việc làm ăn mâu thuẫn với giá trị tổ chức. Đọc bài viết đạo đức trong lãnh đạo để tìm hiểu xem làm thế nào để bắt đầu dẫn dắt bằng ví dụ.

Giai đoạn 5 – Tổ chức đạo đức chuẩn mực 

Tổ chức đạo đức chuẩn mực sống với đạo đức và giá trị cốt lõi. Họ vẫn quan tâm đến lợi nhuận nhưng lựa chọn ngành kinh doanh cho phép kiếm được lợi nhuận tốt đồng thời duy trì tiêu chuẩn đạo đức cao.

Tổ chức bạn sẽ đạt đến giai đoạn này khi xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Giá trị và hành vi đạo đức tràn ngập trong văn hóa doanh nghiệp.
  • Tổ chức tôn trọng nhân viên và lãnh đạo tránh xa những hành động vi phạm văn hóa hoặc giá trị của họ.
  • Quá trình tuyển dụng, đào tạo và bồi thường tập trung vào những giá trị cốt lõi và phù hợp với văn hoá.
  • Bằng hành động của mình, tổ chức khuyến khích đối thủ cạnh tranh tuân theo đạo đức.

Những điểm chính

Tổ chức có thể di chuyển qua 5 giai đoạn khi chúng cân bằng nhu cầu tạo ra lợi nhuận với tiêu chuẩn đạo đức:

Giai đoạn 1 – Tổ chức chưa quan tâm đến đạo đức.

Giai đoạn 2 – Tổ chức hợp pháp.

Giai đoạn 3 – Tổ chức quan tâm đến đạo đức

Giai đoạn 4 – Tổ chức xây dựng đạo đức

Giai đoạn 5 – Tổ chức đạo đức chuẩn mực 

Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng không có bất kỳ tổ chức nào đạt đến giai đoạn 5. Họ xem giai đoạn này là lý tưởng chứ không phải là thực tế, nhưng nó cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những nhà lãnh đạo muốn tổ chức mình phản ánh tiêu chuẩn đạo đức cao nhất .

Hpo Banner