Blog

Chuyên tâm lắng nghe là gì?

Tăng nhận thức để lắng nghe một cách đầy đủ

Lắng nghe mà không phán xét hoặc gây phiền nhiễu để hiểu hết những điều được nói.

Có lúc nào bạn trò chuyện với người khác và nghĩ rằng mình đang chú ý đến anh ta, nhưng ngay sau đó lại không thể nhớ ra anh ta đã nói gì? Hay có khi nào bạn bị phân tâm khi người khác đang nói và bỏ lỡ thông điệp anh ta muốn truyền tải.

Trong thế giới bận rộn ngày nay, rất khó để có thể thoát khỏi phiền nhiễu, ví dụ từ những tiếng ồn xung quanh hay thiết bị điện tử. Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể lắng nghe một cách hiệu quả?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn biết làm thế nào để chuyên tâm lắng nghe và đề xuất một số cách đơn giản bạn có thể sử dụng nhằm cải thiện kỹ năng lắng nghe.

Mục lục

Chuyên tâm lắng nghe là gì?

Trong cuốn sách xuất bản năm 1994 , Wherever You Go, There You Are của Jon Kabat-Zinn, giáo sư tại Đại học Massachusetts, đã định nghĩa chuyên tâm hay toàn tâm toàn ý nghĩa là “tập trung một cách đặc biệt, có mục đích, trong giây phút hiện tại và không phán xét.”

Sự chuyên tâm khuyến khích bạn nhận thức giây phút hiện tại, buông bỏ phiền nhiễu và phản ứng cả về thể chất lẫn tinh thần với những điều người khác đang nói với bạn. Khi không chuyên tâm, bạn có thể bị phân tâm bởi những suy nghĩ và lo lắng khác, không nhìn thấy và nghe thấy những điều người khác đang làm, đang nói.

Chuyên gia truyền thông Rebecca Shafir kết luận rằng trung bình mỗi người chỉ có thể nhớ 25% thông tin người khác nói sau khi cuộc trò chuyện kết thúc vài phút. Mục tiêu của việc chuyên tâm lắng nghe là ngăn cản tiếng ồn trong đầu bạn, từ đó bạn có thể hiểu được trọn vẹn thông điệp và người nói cảm thấy được lắng nghe.

Làm thế nào để lắng nghe một cách chú tâm

Thông thường, chúng ta thực hiện các hoạt động và tương tác với người khác mà không suy nghĩ. Chuyên tâm lắng nghe là một quá trình “thức dậy” từ sự bất tỉnh đó. Trong nghiên cứu của mình, “Get Out of Your Own Head: Mindful Listening for Project Managers” tác giả Charlie Scott đã mô tả 3 yếu tố quan trọng của việc chuyên tâm lắng nghe mà bạn có thể sử dụng để cải thiện kỹ năng lắng nghe:

  1. Có mặt.

Khi chuyên tâm lắng nghe, bạn nên tập trung vào người nói, không xao lãng. Vậy, làm thế nào bạn có thể làm điều đó?

  • Đơn giản hóa môi trường xung quanh: nơi làm việc có quá nhiều thứ gây phiền nhiễu như điện thoại, máy tính, máy in và các thiết bị điện tử. Hãy giữ không gian làm việc gọn gàng và tắt tiếng các thiết bị.
  • Cho bản thân thời gian: mất một hoặc hai phút để dọn sạch tâm trí trước khi gặp mặt ai đó. Thực hành một số kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như hít thở sâu và thư giãn cơ bắp, trước khi cuộc trò chuyện bắt đầu.
  • Thiền: thiền là một cách luyện tập sự chú tâm và có thể là một cách tuyệt vời để học cách tập trung. Khi làm sạch tâm trí, bạn có thể tạo ra không gian trống cho quan điểm của người khác. Thiền cũng giống như nhiều cách luyện tập khác – càng luyện tập nhiều, bạn càng trở nên tốt hơn. Sắp xếp thời gian thiền có thể hơi khó, tuy nhiên chỉ cần 10 phút mỗi ngày cũng có thể giúp bạn tiến bộ.
  1. Nuôi dưỡng sự đồng cảm.

Chúng ta thường nhìn nhận thế giới qua qua trải nghiệm, tính cách và niềm tin của bản thân. Khi đồng cảm, bạn có thể hiểu tình huống từ quan điểm người khác. Bài viết Đồng cảm nơi làm việc, gợi ý một số chiến lược để phát triển kỹ năng này. Ví dụ, bằng việc hiểu ý kiến người khác, bạn có thể xác định quan điểm của họ. Điều đó không có nghĩa là bạn phải đồng ý với họ, chỉ là họ đang nhìn nhận vấn đề khác bạn.

  1. Lắng nghe tín hiệu của riêng bạn.

Theo Scott, tín hiệu bao gồm suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng vật lý chúng ta có khi lo lắng hay tức giận và chúng có thể loại bỏ những ý tưởng và quan điểm khiến chúng ta không thoải mái. Chuyên tâm có thể giúp chúng ta ý thức hơn về các tín hiệu của bản thân và cho phép chúng ta khiến chúng biến mất khi giao tiếp.

Quy tắc rất đơn giản: Chỉ cần “Lắng nghe”. Lắng nghe cẩn thận và chăm chú. Hãy chú ý đến người nói và đừng để những suy nghĩ khác làm bạn mất tập trung.

Lợi ích của việc chuyên tâm lắng nghe

Chuyên tâm lắng nghe vượt xa lắng nghe chủ động. Lắng nghe chủ động đưa ra một checklist các hành động cần làm theo mà không nhất thiết nhắc bạn – người nghe – theo dõi những suy nghĩ, cảm xúc hay phản ứng có thể ảnh hưởng đến những gì bạn nghe. Thay vào đó, chuyên tâm lắng nghe có thể giúp bạn nhận thức được phiền nhiễu, do đó bạn có thể tập trung lại và lắng nghe một cách có ý thức.

Trong cuốn sách “The Zen of Listening”  năm 2000, Shafir nói chuyên tâm có thể giúp bạn:

  • Lưu giữ thông tin.
  • Tạm dừng trước khi nói, từ đó bạn có thể cân nhắc tác động của lời nói.
  • Chú ý lâu hơn.
  • Thúc đẩy sự tự tin.

Shafir và Scott cũng kết luận chuyên tâm lắng nghe đem lại lợi ích cả về thể chất và tâm lý. Shafir nghĩ khi tập trung vào người khác – bạn quên đi chính mình, huyết áp giảm xuống và bạn bình tĩnh hơn. Và Scott cho rằng nó có thể làm giảm lo lắng và tăng cảm xúc tích cực.

Các rào cản để lắng nghe hiệu quả

Cuộc sống hiện đại đầy những thứ khiến bạn gián đoạn như truyền hình, phát thanh, tiếng ồn giao thông, điện thoại, máy tính xách tay và rất khó để chú ý hoàn toàn vào việc lắng nghe.

Khi lắng nghe, chúng ta có xu hướng hành động một cách vô thức như gật đầu và đồng ý mà không thực sự lắng nghe. Chúng ta có thể làm gián đoạn cuộc trò chuyện hay nghĩ tới những điều chúng ta sẽ nói trong khi người khác đang nói. Chúng ta cũng có thể phán xét, chỉ trích và mâu thuẫn với người khác nếu ý kiến của họ không phù hợp với chúng ta.

Giữ suy nghĩ và nhu cầu đó trong đầu, trong khi đẩy người nói ra phía sau. Kiến thức, kinh nghiệm quá khứ, động cơ cá nhân và nói những điều tiêu cực với bản thân cũng có thể khiến bạn tập trung vào chính mình.

Scott cho biết có những rào cản tâm lý này có thể khiến cuộc trò chuyện trở nên bí bách. Có thể dẫn tới giả định không chính xác, đưa ra lời khuyên hay phân tích không mong muốn, đi vào phủ nhận và cảm thấy sợ hãi, thờ ơ, ghen ghét hay phòng thủ.

Những điểm chính

Chuyên tâm lắng nghe là một cách lắng nghe mà không phán xét, chỉ trích hay gián đoạn, trong khi kiểm soát suy nghĩ và phản ứng cá nhân để có thể giao tiếp một cách hiệu quả.

Khi chuyên tâm lắng nghe, bạn cần thực sự hiện diện trong giây phút đó, có nghĩa bạn có thể tiếp thu toàn bộ thông điệp người nói và anh ta sẽ cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng.

Bằng việc có mặt, nuôi dưỡng sự đồng cảm và lắng nghe tín hiệu riêng của bản thân, bạn có thể học cách bỏ đi những phản ứng và phiền nhiễu khác gây ảnh hưởng tới việc tiếp thu ý kiến của người khác.

Áp dụng vào cuộc sống

Bạn có thể sử dụng chuyên tâm lắng nghe để cải thiện kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống cá nhân của mình. Ví dụ, hãy thực hành nó trong 3 cuộc hội thoại tiếp theo với các thành viên trong gia đình.

Hpo Banner