Blog

Biến nỗi đau của khách hàng thành cơ hội kinh doanh

Nhà tâm lý học người Mỹ – Ellis Paul Torrance – quan sát thấy rằng: “Nhiều ý tưởng sáng tạo được sinh ra từ sự thấu cảm với nỗi đau của khách hàng”.

Nhà kinh doanh thành công bởi vì họ biết sử dụng trí tưởng tượng để biến nỗi đau của khách hàng trở thành ý tưởng kiếm tiền tuyệt hảo. Hãy xem xét các ví dụ dưới đây:

Mục lục

1. Khoai tây chiên giòn

Năm 1850, tại New York (Mỹ), anh chàng đầu bếp George Crum, lần đầu tiên, tạo ra món khoai tây chiên giòn và được ưa chuộng. Tuy nhiên, có một vị khách hàng khó tính thường xuyên gửi trả lại khoai tây chiên cho Crum và phàn nàn rằng “chúng rất nhão và không đủ giòn”.

Để xoa dịu “nỗi đau” của khách, Crum đành thái lát khoai tây mỏng nhất có thể và chiên chúng. Giải pháp sáng tạo này ngay lập tức được khách hàng đón nhận và thích thú, không lâu sau, món khoai tây chiên giòn “Chip Saratoga” trở nên phổ biến trên khắp cả nước.

2. Bao bì kín

Khi khoai tây chiên được sản xuất hàng loạt và bán cho các hộ gia đình, ban đầu chúng được đóng gói trong các hộp kim loại đắt tiền, nhưng do khoai tây bị oxy hóa nên thời hạn sử dụng ngắn, điều này khiến nhiều khách hàng đau đớn mà phàn nàn rằng: “Giá cao mà chất lượng thấp”.

Năm 1920, tại California (Mỹ), Laura Scudder bắt đầu ý tưởng đóng gói khoai tây chiên bằng túi kín để giảm giá thành. Một vài năm sau, DuPont tiếp tục phát minh ra giấy bóng kính chống ẩm, lúc này khoai tây chiên được đóng gói trong túi polymer. Sau đó, khí nitơ được thổi vào để ngăn chặn quá trình oxy hóa, kéo dài thời hạn sử dụng, đồng thời ngăn chặn các miếng khoai tây bị vỡ vụn do va đập trong quá trình xử lý và phân phối.

3. Công cụ Google Tin tức

Sau sự kiện khủng bố tòa tháp đôi tại Mỹ, ngày 11/9, các kỹ sư của Google – Krishna Bharat và các đồng đội của anh – liên tục truy cập từ 10 đến 15 trang tin tức để tìm kiếm các báo cáo về sự kiện này. Và họ nhận ra thật tốn thời gian và mất công khi cứ phải truy cập hết trang web này đến trang web khác để tìm tin tức, mà đôi khi còn không tìm thấy – rất khó chịu.

Biết rằng các khách hàng của Google cũng rơi vào tình trạng “mệt mỏi” này nên họ đã sử dụng chính sách “20% thời gian” (Google cho phép nhân viên sử dụng 1 ngày trong tuần để thực hiện bất kỳ dự án nào mà họ thích), theo đó, Bharat đã viết một phần mềm thông minh để thu thập hàng nghìn trang web tin tức, giúp khách hàng có ngay một danh sách bản tin mới nhất theo từ khóa mà họ tìm kiếm, cũng như được tổng hợp trong một bản tóm tắt.

Ứng dụng này ngay lập tức được nhiều khách hàng yêu thích và hiện tại nó đã trở thành một công cụ được sử dụng phổ biến: https://news.google.com

4. Kính Gorilla cho điện thoại thông minh

Trước đây màn hình điện thoại di động được làm bằng nhựa. Nhưng đến năm 2007, người sử dụng và chính các nhà sản xuất cũng cảm thấy rất thất vọng với màn hình nhựa trên điện thoại. Các màn hình nhựa bị vỡ quá dễ dàng khi bị rơi, cũng như để lại các vết trầy xước sau nhiều lần thao tác.

Cảm nhận một cơ hội kinh doanh đến từ nỗi đau này, một số kỹ sư của Corning đào sâu vào kho lưu trữ của công ty. Họ tìm kiếm công thức sản xuất của một loại kính siêu mạnh và linh hoạt, đó chính là Chemcor – sản phẩm vốn đã thất bại trong việc tạo mẫu kính chắn gió cho ô tô vào những năm 1960.

Các kỹ sư bỏ ra 300.000 đô la để sản xuất một mẫu kính thử nghiệm và trình bầy ý tưởng với các nhà sản xuất điện thoại di động. Ngay lập tức, kính Gorilla được chấp nhận rộng rãi bởi các hãng Samsung, LG, Motorola và các nhà sản xuất điện thoại di động khác. Độ mỏng, sức mạnh và khả năng chống trầy xước của Gorilla đã trở thành các tính năng bắt buộc cho màn hình cảm ứng. Sau đó kính Gorilla trở thành một yếu tố cốt lõi trên iPhone, điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động khác. Đối với Corning, kính Gorilla trở thành một dòng doanh thu lớn cho công ty.

5. Uber

Năm 2008, trong một đêm tuyết rơi nặng hạt, hai doanh nhân người Mỹ là Garrett Camp và Travis Kalanick đã không thể gọi được taxi để tới tham dự hội nghị về công nghệ ở Paris. Garrett vô cùng thất vọng, ông nói: “Tại sao chúng ta không thể chỉ cần gõ một cái nút và nhận được một chuyến đi?”

Không lâu sau, họ bắt đầu phát triển một ứng dụng thông minh trên điện thoại để đặt taxi theo yêu cầu. Đến năm 2010, ứng dụng đặt taxi trên điện thoại – UberCab – chính thức ra mắt tại San Francisco (Mỹ). Uber hiện có giá trị 50 tỷ đô la và hoạt động tại hơn 300 thành phố trên khắp thế giới.

6. Những điểm chính

Chuyển đổi các điểm đau của khách hàng thành ý tưởng kinh doanh:

  • Khám phá xem có cơ hội kinh doanh nào đang tồn tại trong các điểm đau của khách hàng?
  • Rà soát xem có tính năng nào của sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng cảm thấy khó chịu, bực bội hoặc gây khó khăn cho họ?
  • Xem xét cách bạn có thể chuyển đổi những thiếu sót đó thành các tính năng mới giúp khách hàng xóa bỏ nỗi đau của họ?
Hpo Banner