Blog

Bánh vẽ rất ngon nhưng nó có độc

Hơn một năm trước, khi công ty đứng trước bờ vực phá sản, Nam là một trong số ít người trung thành trong giai đoạn khó khăn nhất.

Nhiều người đã bỏ ra đi khi tương lai của công ty đen tối, mặc cho sếp kêu gọi họ ở lại cùng chia sẻ khó khăn.

“Những lúc hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”. Sếp sụt sùi cảm động trước sự trung thành của Nam và một số ít đồng nghiệp, nên hứa hẹn nhiều điều:

“Công ty biết ơn các bạn và khi phát triển chúng tôi sẽ không bao giờ quên những con người này. Công ty sẽ tăng lương cho các bạn”.

Sự cảm kích chân thành và lời hứa tăng lương của sếp đã tạo thêm động lực giúp mọi người cùng nhau làm việc ngày đêm không nghỉ nhằm vực công ty trở dậy.

Sau hơn một năm với sự nỗ lực hết mình của mọi người, kết quả kinh doanh của công ty có bước khởi sắc và hiện giờ nó đang trên đà phát triển.

Công việc của Nam cứ thế trôi và mức lương mà anh nhận được sau 2 năm không có gì thay đổi. Lời hứa lúc khó khăn của sếp vẫn chưa thấy thực hiện.

Giờ là thời điểm phải lên tiếng. Nam đã viết đơn đề nghị sếp xét duyệt tăng lương nhưng mấy tháng nay cũng chưa có kết quả.

Có vẻ như sếp không hào hứng với chuyện này, nói nhiều lần Nam cũng thấy ngại.

Cuối cùng, một phần là vì thu nhập, phần khác cũng vì mất lòng tin nơi sếp, Nam đã xin nghỉ việc và sang một công ty khác để làm.

Bao đời nay, “Bánh vẽ” luôn là một trong những phương thuốc được các sếp ưa dùng để tạo động lực cho nhân viên, ví như:

  • Hứa tăng lương,
  • Hứa khen thưởng,
  • Hứa thăng quan tiến chức…

Vì đang háu đói nên ngay khi được ăn “bánh vẽ”, nhân viên của bạn sẽ cảm thấy tràn đầy động lực.

Thậm chí, trong dài hạn, bánh vẽ sẽ thành công vang dội nếu lời hứa của bạn trở thành hiện thực, tên của bạn sẽ được nhân viên khắc cốt ghi tâm…

Nhưng sẽ là bầu trời đen tối nếu lời hứa của bạn tan theo mây đen, giống như lời tâm sự kể trên. Bởi vì, trong bánh vẽ có 2 loại độc tố:

  • Bạn quên hoặc chủ động quên lời hứa năm xưa của mình.
  • Bạn muốn thực hiện lời hứa, nhưng lực bất tòng tâm, vì hoàn cảnh mà bạn không thể thực hiện được.

Câu hỏi đặt ra là: “Có nên sử dụng bánh vẽ để tạo động lực cho nhân viên?”

Có! Bạn chỉ cần khử độc khi sử dụng bằng cách:

  1. Chia sẻ chiếc bánh như một “cơ hội” chứ không phải là “lời hứa”. Bởi vì, là “cơ hội” nó có thể thành công hay thất bại, tùy thuộc vào sự nỗ lực của nhân viên và đội nhóm. Hãy nhớ: Đó là cơ hội!
  2. Nếu đã hứa, hãy thực hiện lời hứa của mình. Không những nhân viên của bạn sẽ vô cùng cảm kích, mà tiếng thơm của bạn sẽ bay xa muôn dặm.
  3. Trong trường hợp bạn không thể thực hiện lời hứa, lực bất tòng tâm, hãy thẳng thắn xin lỗi nhân viên và chân thành trình bầy lý lo. Nhân viên của bạn sẽ thông cảm ngay thôi.

Đúng vậy! Khi bạn khử độc cho chiếc bánh, nó sẽ rất ngon và an toàn.
Nguyên tắc huấn luyện số 5: Bánh vẽ rất ngon, nhưng nó có độc!

Hpo Banner