Blog

Từ lựa chọn mô hình – đến lập kế hoạch kinh doanh

Mục lục

Mô hình kinh doanh là gì?

Một mô hình kinh doanh phản ánh cách một doanh nghiệp kiếm ra tiền. Đồng thời, nó cũng giải thích nguồn thu của công ty đến từ đâu, các nguồn thu này cung cấp bao nhiêu và mức độ thường xuyên ra sao.

Vì vậy nếu điều duy nhất bạn biết về một công ty là nó bán đồ ăn nhanh hay là máy tính thì chắc chắn là chưa đủ để có cái nhìn chính xác về khoản đầu tư vào công ty này. Thay vào đó điều cần làm là đào sâu nghiên cứu kỹ hơn mô hình kiếm tiền của một doanh nghiệp chính xác là gì?

Liệu công ty bánh ngọt bạn đang quan tâm kinh doanh theo mô hình nhượng quyền hay nó chỉ làm đầu mối cung cấp bánh ngọt đến các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ hơn? Liệu hãng đồ ăn nhanh bạn định rót tiền vào có sở hữu hính mảnh đất mà nó đang đặt trên (như MacDonald) hay nó phải thuê mặt bằng? Nhà sản xuất máy tính bán hàng trực tiếp, như Dell, hay thông qua các nhà bán lẻ, như HP?

Mô hình kinh doanh cũng đề cập đến cách phân phối sản phẩm đem lại doanh thu. Hãy suy nghĩ về ngành công nghiệp sản xuất dao cạo râu. Gillette sẵn sàng bán dao cạo dòng Mach III của nó bằng với chi phí sản xuất, hoặc thậm chí thấp hơn, bởi vì công ty này kiếm tiền nhờ việc bán cho người dùng lưỡi dao thay thế để lắp vào dao cạo – mang lại nguồn lợi đều đặn với tỷ lệ lãi cao chỉ dựa trên chính những lưỡi dao bé nhỏ đó.

Ngược lại, máy cạo râu điện lại có một mô hình kinh doanh hoàn toàn khác. Chi phí sản xuất ra một máy cạo rau điện đắt hơn so với dao cạo của Gillete rất nhiều. Remington, một nhà sản xuất máy cạo râu điện, thu lời ngay lập tức sau khi bán ra chứ không chờ tới nguồn thu từ nhu cầu thay thế lưỡi dao mới.

Khi các ngành công nghiệp thay đổi, các công ty không thể cứ tiếp tục ứng dụng một mô hình kinh doanh lỗi thời. Tỷ như trường hợp của Kodak cũng như một ngành công nghiệp máy ảnh . Máy ảnh phim truyền thống mang lại rất nhiều tiền cho Kodak, vì người dùng không những phải mua rất nhiều phim để chụp ảnh mà sau đó thậm chí còn phải chi nhiều hơn để rửa ảnh.

Nhưng máy ảnh kỹ thuật số tránh được việc phải dùng phim và phí rửa ảnh. Vì vậy, để đối phó, Kodak đã phải tạo ra một mô hình kinh doanh mới. Công ty này đã thành lập các trung tâm in kỹ thuật số, người dùng có thể rửa ảnh kỹ thuật số trên giấy Kodak chính hãng. Nếu trước đây mô hình kinh doanh dựa vào bán phim và quy trình rửa ảnh thì giờ mô hình kinh doanh lại phần lớn dựa vào in ảnh trên giấy của hãng.

Mô hình kinh doanh của một công ty không phải lúc nào cũng rõ ràng. Lấy GM làm ví dụ. Bạn có thể nghĩ GM kiếm tiền nhờ vào việc bán xe con và xe tải. Trong thực tế, hơn 60% thu nhập của GM trong năm 2003 đến từ các khoản thanh toán tài chính, không phải bán xe.

Mô hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhiều khi còn đi ngược so với tư duy thông thường. Nếu như mọi người thường nghĩ rằng cửa hàng bán lẻ mà đặt san sát nhau thì sẽ tự hủy hoại doanh số của mình; thế nhưng hãng cafe số 1 thế giới Stabucks lại áp dụng chính phương pháp này với các cửa hàng của nó chỉ cách nhau vài ngã tư.

Trong trường hợp này, chính sự bão hòa của thị trường sẽ đẩy doanh số lên cao đem lại cho Stabuck một sự hiện diện tại khắp mọi nẻo đường, khu phố. Đồng thời sang bớt khách hàng từ hàng này đến hàng kia dẫn đến thời gian chờ đợi của họ giảm xuống và trải nghiệm của họ lại được nâng cao. Cuối cùng sự hiện diện quá mức dày đặc này còn giúp Stabuck đánh bật mọi đối thủ có ý đồ mon men mở cửa hàng tại “địa phận” của nó.

Mô hình kinh doanh nào hiệu quả?

Vậy làm thế nào để bạn biết liệu một mô hình kinh doanh hay hay dở? Đó là một câu hỏi khó. Joan Magretta, cựu biên tập viên của Harvard Business Review, nhấn mạnh hai điểm kiểm định quan trọng khi tiếp cận mô hình kinh doanh. Các mô hình kinh doanh không hoạt động là bởi vì chúng không đem lại hiệu quả hoặc các thông số không sinh ra lợi nhuận.

Bởi trường hợp trên đúng với các công ty chịu thua lỗ nặng, thậm chí phá sản, ngành hàng không là một ví dụ điển hình của những mô hình kinh doanh lỗi thời. Trong nhiều năm, nhiều hãng hàng không lớn như American Airlines, Delta Airlines và Continential Airlines đã xây dựng doanh nghiệp của họ dựa vào mô hình “trục bánh xe- và- nan hoa”, trong đó tất cả các chuyến bay đều phải qua các thành phố lớn. Các hãng hàng không sẽ kiếm được một khoản tiền kếch xù với điều kiện chúng phải bán sạch số vé trên một chuyến.

Vậy mà mô hình kinh doanh đã một thời là thế mạnh của các hãng bay lớn bỗng trở thành gánh nặng. Máy bay của hãng bay giá rẻ như Southwest A và JetBlue Acó thể đi đến các thành phố nhỏ hơn với chi phí thấp hơn – một phần là do chi phí lao động thấp hơn, nhưng cũng bởi vì họ tránh được điều bất tiện trong tổ chức hoạt động của mô hình “trục bánh xe-và-nan hoa”.

Khi các hãng hàng không giá rẻ thu hút nhiều khách hàng hơn, các hãng bay cũ sẽ chỉ còn những khách hàng lớn, lâu năm mà thôi – điều này thậm chí còn tệ hại hơn khi lượng khách hàng bắt đầu giảm từ năm 2001. Để lấp đầy chỗ trên một chuyến bay, những hàng hàng không này buộc phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mại lớn hơn. Không còn có thể tạo ra lợi nhuận, mô hình “trục bánh xe- và- nan hoa” không còn hiệu quả nữa.

Ví dụ về những mô hình kinh doanh mà không vượt qua được các chỉ số, chúng ta có thể xét đến ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ. Năm 2003, để cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài, Ford, Chrysler và General Motors đã phải giảm giá mạnh tthậm chí tài trợ không lãi suất cho các khách hàng trả góp để các công ty đó có thể bán hàng với giá thậm chí còn thấp hơn chi phí làm ra sản phẩm. Điều này làm giảm lợi nhuận của Ford tại Mỹ và đe dọa tới cả các hãng như Chrysler và GM. Để tiếp tục tồn tại, các hãng xe lớn đã phải điều chỉnh lại mô hình kinh doanh của họ.

Lựa chọn mô hình kinh doanh

Khi đánh giá một ý tưởng kinh doanh để cân nhắc đầu tư, bạn cần hiểu kỹ càng ý tưởng đó kiếm tiền bằng cách nào. Sau đó xem mô hình kinh doanh kiếm lời hấp dẫn như thế nào. Phải thừa nhận rằng, mô hình kinh doanh không cho bạn biết tất cả triển vọng, nhưng các nhà đầu tư hiểu khái niệm mô hình kinh doanh có thể hiểu tốt hơn dữ liệu tài chính và thông tin kinh doanh. Nó khiến cho việc xác định nên đầu tư vào công ty nào là dễ hơn.

3 BƯỚC ĐỂ LẬP MỘT KẾ HOẠCH KINH DOANH HOÀN HẢO

Sau khi bạn đã lựa chọn được ý tưởng và mô hình kinh doanh, bạn phải có một giai đoạn để lên kế hoạch kinh doanh. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một trong những lý do chủ yếu khiến các doanh nghiệp mới thất bại là do kế hoạch kinh doanh kém hiệu quả.

Điều đáng mừng là việc phát triển một kế hoạch kinh doanh không khó như chúng ta nghĩ. Để phát triển một kế hoạch kinh doanh bền vững, bạn cần phải nắm rõ về ngành mà bạn tham gia. Tiếp theo, cần xác định liệu bạn sẽ áp dụng kế hoạch đó như thế nào và đối tượng mà bạn nhắm đến là ai. Cuối cùng, bạn nên soạn thảo một kế hoạch kinh doanh ngắn gọn, hoàn chỉnh và toàn diện. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết từng bước lên kế hoạch dưới đây.

BƯỚC 1: Xác định mục đích 

Một kế hoạch kinh doanh góp phần làm rõ tầm nhìn kinh doanh , và chỉ dẫn bạn cách hoàn thiện tầm nhìn đó, nó cũng thường được sử dụng để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Nếu bạn kinh doanh bằng vốn tự có, việc lập kế hoạch chủ yếu vì lợi ích của bạn, nhưng nếu bạn đang tìm kiếm các nhà đầu tư bên ngoài, mục tiêu bạn cần nhắm vào chính là những nhà đầu tư này. Vì vậy, trước khi vạch ra kế hoạch của mình, hãy xác định xem bạn cần thu hút các nhà đầu tư bên ngoài hay không.

BƯỚC 2: Xác định đối tượng

Nếu bạn có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư, bạn cần xây dựng một kế hoạch phù hợp. Các nhà đầu tư bên ngoài, có thể là bạn bè hay các thành viên trong gia đình cho đến các ngân hàng hay nhà đầu tư mạo hiểm, sẽ đầu tư thông qua việc cho vay, mua cổ phiếu hoặc kết hợp cả hai cách. Xác định mức độ hiểu biết của họ và những gì họ mong đợi từ một dự án đầu tư tiềm năng. Hãy nhớ nhà đầu tư luôn quan tâm đến bốn điều sau:

1. Sự tín nhiệm – Bạn tạo dựng niềm tin bằng cách thể hiện bản thân thông qua cách ứng xử và đạo đức của mình, vì vậy kế hoạch kinh doanh của bạn cũng cần thể hiện những phẩm chất đó.

2. Sự hiểu biết về mô hình kinh doanh – Công việc của bạn là trình bày rõ ràng nhiệm vụ, đặc điểm của sản phẩm và cách bạn sẽ tạo ra lợi nhuận. Bạn có thể phải điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với đối tượng của mình: những nhà đầu tư bình thường có thể sợ các thuật ngữ chuyên ngành, trong khi các chuyên gia đầu tư có thể sẽ muốn nghe về nó.

3. Tự tin về tài chính – Hãy nêu rõ những rủi ro đầu tư trong hoạt động kinh doanh của bạn. Ngoài ra, cho các nhà đầu tư thấy rằng bạn có khả năng bồi thường cho họ – dù cho hoạt động kinh doanh của bạn thành công hay thất bại.

4. Lợi nhuận đầu tư lớn – Trong giai đoạn 1928-2007, lợi nhuận từ cổ phiếu tính theo cấp số nhân (hàm mũ) là 9.8%, trong khi trái phiếu kho bạc thời hạn 10 năm là 5%. Lợi nhuận vốn chủ sở hữu tư nhân còn khó đo lường hơn, nhưng nhìn chung các nhà đầu tư mong muốn phần lãi từ 2-5% trên tổng lợi nhuận của thị trường vốn sở hữu công trong mọi ngành. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp mới phải nằm trong phạm vi vốn cổ phần tư nhân.

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ mong muốn đạt được một tỷ suất lợi nhuận nội bộ nhất định. Công việc của bạn là đảm bảo lợi nhuận dự kiến phải tương đương với những doanh nghiệp khác cùng ngành.

BƯỚC 3: Lập bản kế hoạch kinh doanh

Đầu tiên, hãy phác thảo một kế hoạch kinh doanh. Xem xét mọi khía cạnh của doanh nghiệp và xem nó ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch kinh doanh của bạn. Hãy nhớ rằng, kế hoạch kinh doanh này là một lộ trình. Nó phải dẫn đường cho bạn. Nó cũng phải cho các nhà đầu tư biết những gì bạn đang làm và lý do tại sao họ nên đầu tư.
Thứ tự trình bày trong bản kế hoạch có thể theo mẫu sau:

  • Tuyên bố sứ mệnh
  • Tóm tắt
  • Đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ
  • Thị trường mục tiêu
  • Kế hoạch tiếp thị
  • Phân tích ngành và đối thủ cạnh tranh
  • Dự thảo tài chính
  • Sơ yếu lý lịch của những người đứng đầu công ty
  • Đề xuất của bạn (bạn đang tìm kiếm loại hình huy động vốn nào)
  • Phụ lục (mọi thông tin cần thiết khác)

Bạn cũng lưu ý đến vốn khởi đầu mà bạn bỏ rađể đầu tư vào dự án. Những người bỏ vốn muốn (và thường yêu cầu) các doanh nhân rót vốn của họ vào dự án, và phần vốn bạn đầu tư càng lớn so với giá trị thực thì càng có lợi.
Bây giờ chúng ta hãy xem lại chi tiết từng phần của bản kế hoạch kinh doanh.

1. Tuyên Bố Sứ Mệnh (Mission Statement)

Tuyên bố sứ mệnh là một bản mô tả súc tích, từ một đến ba khổ về mục tiêu và tôn chỉ của doanh nghiệp. Trong phần này, bạn nên khẳng định vị thế kinh doanh độc nhất của mình, hoặc những gì làm nên sự khác biệt giữa công ty của bạn với các đối thủ trong ngành, nếu không công ty bạn cũng chỉ giống như họ.

2. Bản Tóm Tắt (Executive Summary)

Executive Summary là thứ đầu tiên mà một nhà đầu tư tiềm năng sẽ đọc để quyết định xem sẽ tiếp tục đọc các phần tiếp theo của bản kế hoạch này hay sẽ vứt nó vào sọt rác. Vì vậy, hãy tóm tắt ngắn gọn ý tưởng kinh doanh của bạn trong một đến hai trang và làm nó trở nên dễ hiểu, hấp dẫn nhưng cũng cực kỳ khả thi trong mắt nhà đầu tư.

3. Đặc Điểm của Sản Phẩm hoặc Dịch Vụ (Product or Service Offering)

Việc dành ra một phần để mô tả về sản phẩm hoặc dịch vụ được cung cấp một cách chi tiết đồng thời bạn sẽ định giá bao nhiêu cho những gì bạn đang bán.

4. Thị Trường Mục Tiêu (Target Market)

Giới thiệu về thị trường mục tiêu sơ cấp và thị trường mục tiêu thứ cấp cùng với bất kì nghiên cứu nào chứng minh rằng thị trường mục tiêu của bạn sẽ đem lại lợi nhuận từviệc tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang cung cấp.

5. Kế Hoạch Tiếp Thị (Marketing plan)

Trình bày kế hoạch tiếp thị của bạn và nên chỉ rõ cách bạn tiếp cận thị trường mục tiêu như thế nào. Phần này trong kế hoạch sẽ bao gồm các chiến lược quảng cáo và tiếp thị.

6. Phân Tích Ngành và Đối Thủ Cạnh Tranh (Industry and Competitive Analysis)

Cần có một bản phân tích đầy đủ và toàn diện về ngành và đối thủ cạnh tranh bao gồm tất cả các bên liên quan trong ngành. Đừng quên tính đến các cơ quan điều hành và chính phủ.

7. Báo Cáo Tài Chính (Financial Statements)

Báo cáo tài chính phải đảm bảo đầy đủ, chính xác và toàn diện. Mỗi con số trên bảng tính phải có nghĩa. Ví dụ, không được ước tính tiền lương mà phải xác định xem chi phí lương thực sự là bao nhiêu. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải tương ứng với báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo lưu chuyển tiền tệ phải tương ứng với bảng cân đối kế toán. Bảng cân đối kế toán phải cân bằng vào cuối mỗi kỳ. Bạn phải có cả những kê khai phụ (ví dụ như bản kê khai khấu hao và chiết khấu) để dự phòng.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc dự thảo báo cáo tài chính trong ít nhất 5 năm, hãy thuê một chuyên gia có trình độ để làm công việc đó.

Hãy sử dụng những dự báo thực tế. Khi ước tính mức tăng trưởng của doanh nghiệp, những giả định chắc chắn của bạn nên dựa trên sự nghiên cứu toàn diện về ngành kết hợp với chiến lược cạnh tranh. Ngoài ra, hãy phân tích cách làm thế nào để nhanh chóng có được dòng tiền dương. Tiêu chuẩn của các nhà đầu tư là khác nhau nhưng hầu hết họ đều mong muốn dòng tiền dương trong năm đầu tiên hoạt động, đặc biệt nếu đây là hoạt động kinh doanh đầu tiên của bạn.

Để các dự đoán của bạn là chính xác, bạn phải nắm rõ công việc kinh doanh của mình. Nếu bạn đã xây dựng một mô hình chính xác và thực tế, nhưng vẫn dự đoán dòng tiền âm hơn 12 tháng, hãy xem lại mô hình kinh doanh của mình.

8. Sơ Yếu Lý Lịch Của Những Người Đứng Đầu Công Ty (Resumes of Company Principals)

Hãy trích lý lịch và trình độ học vấn của tất cả các nhân viên quan trọng trong doanh nghiệp. Bạn muốn nhấn mạnh rằng nền tảng kiến thức đã giúp họ như thế nào trong việc tiếp nhận thử thách điều hành công việc kinh doanh mới này. Ngoài ra, nếu kinh nghiệm của một nhân viên có được từ một ngành hoàn toàn khác, bạn có thể nhấn mạnh rằng điều đó là một lợi thế chứ không phải một tổn thất.

9. Đề Xuất Của Bạn (Your offering)

Trình bày mức đầu tư bạn mong muốn và mục đích sử dụng nguồn vốn. Nếu bạn đang bán sản phẩm, hãy chỉ ra mức giá riêng của từng đơn vị sản phẩm.

Một khi bạn tổng hợp được tất cả các thông tin quan trọng này, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ trình bày bản kế hoạch một cách chuyên nghiệp. Bản kế hoạch nên được đánh máy, căn chỉnh lề và có bố cục rõ ràng. Nếu có thể hãy sử dụng đồ họa và hình ảnh. Không viết tay các thay đổi hay chỉnh sửa.

Nội dung trong bản kế hoạch nên đảm bảo chất lượng như một cuốn sách hoặc một tờ tạp chí.

Sau khi đã hoàn tất bản kế hoạch, hãy nhờ một chuyên gia mà bạn tin tưởng chẳng hạn như một Kế toán công (CPA) hoặc một luật sư kiểm tra lại. Người này có thể tìm ra những chi tiết, sai sót hoặc thiếu sót mà bạn mắc phải. Họ cũng có thể đưa ra một nhận định khách quan về sự thành bại của doanh nghiệp.

Mọi thứ mới chỉ bắt đầu…

Một khi bạn đã hoàn thiện bản kế hoạch, hãy gửi nó cho các nhà đầu tư tiềm năng, những người cuối cùng có thể cam kết cấp vốn. Khi nhận được những cam kết của họ, bạn sẽ phải thương lượng về các điều khoản và sau đó, cuối cùng, mở cửa doanh nghiệp, đó là lúc có thể dừng lý thuyết để bắt đầu hành động!

(Theo saga.vn)

Hpo Banner