Blog

Trí tuệ xúc cảm trong lãnh đạo

Khi nhắc đến một “nhà lãnh đạo hoàn hảo”, bạn sẽ nghĩ về điều gì đầu tiên?

Bạn có thể hình dung một người không bao giờ để cho tính khí của mình vượt qua sự kiểm soát, bất kể những vấn đề mà anh ấy phải đối mặt. Hoặc bạn có thể nghĩ đến ai đó hoàn toàn tin tưởng vào nhân viên của mình, lắng nghe đội nhóm của cô ấy, rất dễ để nói chuyện, luôn đưa ra những thông tin và quyết định cẩn thận.

Và bạn sẽ rất ngạc nhiên bởi sự quan trọng của trí thông minh xúc cảm đối với các nhà lãnh đạo – và làm thế nào bạn có thể cải thiện và phát triển cho riêng mình.

Mục lục

Trí tuệ xúc cảm là gì?

Trí tuệ xúc cảm (Emotional intelligence (EI), hay Emotional quotient (EQ)) là khả năng hiểu và quản lý cảm xúc của chính bạn, và của những người xung quanh bạn. Những người có trí thông minh cảm xúc cao biết những gì họ đang cảm nhận, ý nghĩa của cảm xúc đó là gì, và những cảm xúc này có thể gây ảnh hưởng tới người khác như thế nào.

Đối với các nhà lãnh đạo, có trí thông minh xúc cảm là điều VÔ CÙNG cần thiết cho sự thành công. Rốt cuộc, ai có thể thành công hơn – một người lãnh đạo đang sỉ vả, xả đủ thứ vào mặt các thành viên trong đội nhóm khi anh ta bị căng thẳng, hay là một nhà lãnh đạo nắm quyền kiểm soát và bình tĩnh đánh giá tình huống?

Theo Daniel Goleman, một nhà tâm lý học người Mỹ đã giúp phổ biến EI, có 5 yếu tố chính của trí tuệ xúc cảm, bao gồm:

1. Tự nhận thức.

2. Tự điều chỉnh.

3. Động lực.

4. Đồng cảm.

5. Kỹ năng xã hội.

Là một nhà lãnh đạo, bạn càng quản lý 5 yếu tố này tốt, trí tuệ xúc cảm của bạn càng cao. Vì vậy, hãy xem xét từng yếu tố cụ thể hơn và kiểm tra xem bạn có thể phát triển như thế nào.

Trí tuệ xúc cảm trong Lãnh đạo

1. Tự nhận thức

Nếu bạn tự nhận thức, bạn luôn biết cảm giác của mình, và biết cảm xúc và hành động của mình có thể tác động tới những người xung quanh như thế nào. Hãy tự nhận thức khi bạn ở vị trí của một người lãnh đạo, điều đó cũng có nghĩa bạn phải nắm được toàn bộ bức tranh về điểm mạnh và điểm yếu của mình. Và tiếp theo là ứng xử với sự khiêm tốn.

Vậy, bạn có thể làm gì để nâng cao khả năng tự nhận thức về bản thân?

  • Viết nhật ký – Nhật ký giúp bạn nâng cao khả năng tự nhận thức về bản thân. Bạn chỉ cần dành ra vài phút mỗi ngày viết ra những điều mà mình suy nghĩ, thì khả năng tự nhận thức của bạn sẽ phát triển rõ rệt.
  • Chậm lại – Khi bạn cảm thấy tức giận hoặc cảm xúc mạnh mẽ khác, hãy chậm lại để kiểm tra lý do tại sao. Hãy nhớ rằng, bất kể tình huống là gì, bạn luôn luôn có thể lựa chọn cách mình phản ứng lại nó. (Bài viết về Làm thế nào để quản lý cảm xúc của bạn tại nơi làm việc? sẽ giúp bạn hiểu điều mà cảm xúc đang giao tiếp với bạn.)

2. Tự điều chỉnh

Các nhà lãnh đạo tự điều chỉnh bản thân một cách hiệu quả và hiếm khi công kích người khác, đưa ra quyết định vội vã hoặc quyết dựa trên cảm xúc, hoặc làm tổn hại đến giá trị của họ. Tự điều chỉnh bản thân chính là việc kiểm soát cảm xúc.

Theo Goleman, yếu tố này của trí tuệ xúc cảm cũng bao hàm tính linh hoạt và cam kết của lãnh đạo với trách nhiệm cá nhân.

Vậy, làm thế nào bạn có thể cải thiện khả năng tự điều chỉnh?

  • Biết giá trị của bạn – Bạn có một ý tưởng rõ ràng về nơi mà bạn sẽ hoàn toàn không thỏa hiệp? Bạn có biết những giá trị nào quan trọng nhất với mình? Nếu bạn biết điều gì quan trọng nhất với mình, thì có thể bạn sẽ không phải suy nghĩ hai lần khi phải đối mặt với một quyết định về đạo đức – bạn sẽ đưa ra được lựa chọn đúng đắn.
  • Giữ tính trách nhiệm của bạn – Nếu bạn có xu hướng đổ lỗi cho người khác khi có điều gì đó không ổn, hãy dừng lại. Hãy cam kết chấp nhận những sai lầm của mình và đối mặt với hậu quả cho dù nó có là gì đi nữa. Bạn sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm, và nhanh chóng có được sự tôn trọng của những người xung quanh bạn.
  • Luyện tập khả năng giữ bình tĩnh – Lần tới, khi đối mặt với một tình huống đầy thử thách, hãy cẩn thận về cách bạn phản ứng. Bạn có xả căng thẳng bằng cách hét vào mặt người khác? Hãy hít thở thật sâu để bình tĩnh trở lại. Ngoài ra, hãy cố gắng viết xuống tất cả những điều tiêu cực bạn muốn nói, và sau đó đốt nó đi. Thể hiện những cảm xúc của bạn trên giấy là một cách tuyệt vời thay vì to tiếng với đội nhóm của bạn. Hơn thế nữa, điều này giúp bạn thách thức phản ứng của mình để đảm bằng rằng chúng công bằng!

Đừng để công sức “kiếm củi” bao lâu nay bị thiêu rụi chỉ bởi một “que diêm”.

3. Động lực

Các nhà lãnh đạo năng động làm việc luôn hướng tới mục tiêu của họ, và họ có những tiêu chuẩn cực kỳ cao về chất lượng công việc của mình.

Vậy, làm thế nào bạn có thể cải thiện động lực?

  • Hãy kiểm tra lại xem tại sao bạn đang làm công việc này – Thật dễ dàng để quên đi những điều bạn thực sự yêu thích về sự nghiệp của mình. Vì vậy, hãy dành thời gian để nhớ tại sao bạn muốn công việc này. Nếu bạn không hài lòng trong vai trò của mình và bạn đang cố gắng nhớ lý do tại sao mình lại muốn nó, hãy thử kỹ thuật Five Whys để tìm ra gốc rễ của vấn đề. Bắt đầu từ gốc sẽ giúp bạn nhìn vào tình hình của mình ở một góc độ mới. Và đảm bảo rằng các tuyên bố mục tiêu của bạn mới mẻ và tràn đầy sinh lực. Để biết thêm về điều này, hãy khám phá trong bài viết Thiết lập mục tiêu.
  • Biết nơi bạn đang đứng – Xác định bạn có động lực như thế nào.
  • Tìm ra điều gì đó đầy hứa hẹn – Các nhà lãnh đạo động lực thường rất lạc quan, do dù họ có gặp phải vấn đề gì đi chăng nữa. Hãy thực hành điều này. Mỗi khi bạn đối mặt với một thách thức, hoặc thậm chí là thất bại, hãy cố gắng tìm một điều tốt từ tình huống đó. Nó có thể là một điều gì đó nhỏ thôi, giống như một mối quan hệ với, hoặc một cái gì đó có tác động lâu dài, như một bài học quan trọng học được. Bạn sẽ luôn luôn có được điều gì đó tích cực nếu bạn tìm nó.

4. Đồng cảm

Đối với các nhà lãnh đạo, có sự đồng cảm là cực kỳ quan trọng để quản lý một đội nhóm hoặc tổ chức thành công. Các nhà lãnh đạo với sự đồng cảm có khả năng đặt mình vào tình huống của người khác. Họ giúp phát triển con người trong đội nhóm, thách thức những người khác đang hoạt động không công bằng, đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, và lắng nghe những người cần nó.

Nếu bạn muốn có được sự tôn trọng và lòng trung thành của đội nhóm, hãy cho họ thấy rằng bạn rất quan tâm họ dựa trên sự đồng cảm.

Vậy, làm sao bạn có thể cải thiện khả năng đồng cảm của mình?

  • Đặt mình vào vị trí của người khác – Sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề hơn khi nó trở thành vấn đề của bạn! Hãy dành thời gian để nhìn vào các tình huống từ quan điểm của người khác. Bạn sẽ không hề biết trong tấm chăn đó có “rận” trước khi chui vào và ngủ.
  • Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể – Có lẽ khi lắng nghe ai đó, bạn khoanh tay, di chuyển qua lại bàn làm việc, hoặc cắn môi. Ngôn ngữ cơ thể này cho người khác biết bạn thực sự cảm thấy thế nào về tình huống, và thông điệp bạn đưa ra không tích cực! Học cách đọc ngôn ngữ cơ thể là một tài sản thực sự trong vai trò lãnh đạo, bởi vì bạn sẽ có thể xác định được cảm giác của một người như thế nào. Điều này cho bạn cơ hội để phản ứng một cách thích hợp.
  • Phản hồi lại các cảm xúc – Hãy hình dung, bạn yêu cầu trợ lý của mình ở lại làm việc muộn – một lần nữa. Và mặc dù anh ấy đồng ý, nhưng bạn có thể dễ dàng nghe thấy sự thất vọng trong giọng nói của anh ấy. Vì vậy, hãy phản hồi lại cảm xúc của anh ấy bằng cách nói rằng bạn đánh giá cao sự sẵn sàng làm việc nhiều giờ của anh ấy, và bạn cũng chán ngấy việc này rồi. Nếu có thể, hãy tìm ra cách để đáp ứng lại sự cố gắng đó của nhân viên bằng cách cho họ nghỉ buổi sáng tiếp theo chẳng hạn.

Suy cho cùng thì đồng cảm là con đường ngắn nhất khiến con người xích lại gần nhau hơn.

5. Kỹ năng xã hội

Các nhà lãnh đạo giỏi các kỹ năng xã hội là những người truyền đạt tuyệt vời. Họ luôn mở lòng để nghe về những tin tốt cũng như tin xấu, và họ là chuyên gia trong việc cung cấp sự trợ giúp cho đội nhóm của mình về nhiệm vụ hay dự án mới.

Các nhà lãnh đạo có kỹ năng xã hội tốt cũng có khả năng quản lý sự thay đổi và giải quyết xung đột một cách hiệu quả. Họ hiếm khi hài lòng với việc để lại những thứ như vậy. Họ sẽ thiết lập một ví dụ với hành vi của mình.

Vậy, làm thế nào bạn có thể xây dựng các kỹ năng xã hội?

Học cách giải quyết xung đột – Các nhà lãnh đạo phải biết cách giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong nhóm, khách hàng hoặc nhà cung cấp. Học các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn là rất quan trọng nếu bạn muốn thành công.

Cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn – Bạn giao tiếp tốt như thế nào?

Học cách ca ngợi người khác – Là người lãnh đạo, bạn có thể truyền cảm hứng cho lòng trung thành của đội nhóm mình bằng cách khen ngợi đúng lúc. Học cách khen ngợi người khác là một nghệ thuật, nhưng nó hoàn toàn xứng đáng để bạn dành thời gian.

Cuối cùng, thử tưởng tượng sự nghiệp của bạn sẽ ra sao nếu như thành thạo 5 yếu tố trong việc quản lý trí tuệ xúc cảm của mình?

Hpo Banner