Blog

Tam giác hùng biện

Làm thế nào để bài viết của bạn trở nên đáng tin cậy, hấp dẫn và hợp lý

Bạn có mất tinh thần khi được yêu cầu chuẩn bị tài liệu bằng văn bản hay trình bày thông tin cho người nghe?

Nếu có thì bạn không phải là người duy nhất! Nhiều người vất vả với việc viết ra ý tưởng và suy nghĩ của mình và truyền tải thông điệp. Đây là một kỹ năng cần phải học và thực hành.

Tuy nhiên, với việc sử dụng email và làm việc từ xa ngày càng phổ biến, truyền thông rõ ràng và thuyết phục ngày càng trở nên quan trọng. Xu hướng này không liên quan trực tiếp đến giao tiếp trực tiếp bởi mọi người không đối mặt trực tiếp nữa khi họ làm việc cùng nhau.

Có lẽ vấn đề lớn nhất là khi viết là bạn không có cơ hội thứ hai để trình bày quan điểm của mình theo cách khác. Bạn có một cơ hội và nếu như không thu hút được người đọc, rất khó để khiến họ quay lại. Đây là lý do tại sao bạn cần chọn lựa từ ngữ một cách cẩn thận và trình bày luận điểm theo phong cách và trình tự phù hợp nhất với thông điệp gửi đi.

Tam giác hùng biện là một phương pháp hữu ích giúp xây dựng ý nghĩ và trình bày quan điểm.

Mục lục

Hiểu được phương pháp: Hùng biện

Hùng biện là nghệ thuật cổ xưa sử dụng ngôn ngữ để thuyết phục mọi người. Nếu bạn sử dụng tốt, đối tượng sẽ dễ dàng hiểu những điều bạn nói và bị ảnh hưởng bởi thông điệp đó.

Bằng cách dành thời gian hiểu cấu trúc và cách trình bày lập luận, bạn có thể cải thiện đáng kể kỹ năng viết của mình và trình bày luận điểm rõ ràng, hiệu quả hơn.

Áp dụng các nguyên tắc hùng biện giúp bạn trình bày luận cứ hợp lý,  trở nên rõ ràng với đối tượng giao tiếp ngay lập tức. Với phương pháp tiếp cận tam giác hùng biện, chúng ta tập trung vào 3 vấn đề có ảnh hưởng lớn nhất đến lập luận. Đó là:

  • Tác giả.
  • Đối tượng/ khán giả
  • Ngữ cảnh.

Ba yếu tố này tạo thành các đỉnh Tam giác hùng biện:

Theo phương pháp này, 3 yếu tố kể trên mang tính quyết định tính thuyết phục cho các lập luận. Bài viết, bài nói – hay bất cứ hình thức giao tiếp nào khác – đều cần xem xét cả 3 yếu tố này.

Tác giả/ Người viết

Cho dù có chủ ý hay không, người đọc hay người nghe đều muốn biết động cơ đằng sau thông điệp bạn truyền tải là gì. Nếu không làm rõ lí do trình bày thông tin, một số người sẽ cho rằng bạn đang vòng vo, không thẳng thắn và thậm chí đang cố che giấu điều gì đó. Họ có thể tự hỏi:

  • Bạn chỉ đơn thuần đưa ra thông tin?
  • Hay bạn đang cố gắng đào tạo họ?
  • Bạn muốn kêu gọi hành động?
  • Hay bạn đang cố gắng thuyết phục mọi người thay đổi quan điểm hay giữ vững niềm tin của họ?
  • Bạn đang trình bày ý tưởng để giải quyết một vấn đề hay đưa ra phân tích?
  • Hay bạn chỉ đang cố gắng khiến mọi người vui vẻ?

Cách mà người viết (hay người nói) xác định ảnh hưởng tới uy tín trong giao tiếp. Độc giả muốn biết họ đang đối diện với ai Vì vậy, làm rõ:

  • Bạn là ai
  • Bạn có thẩm quyền hay “trình độ” thế nào mà nói về vấn đề này
  • Thẩm quyền của bạn đến từ đâu

Đối tượng cũng sẽ cố gắng tìm ra động cơ của bạn là gì và giả định, giá trị, niềm tin của bạn là gì. Thông tin này giúp họ xác định xem bạn có phải là người đáng tin hay không và rằng bạn có chân thành hay không.

Đối tượng giao tiếp

Khi giao tiếp, dù bằng văn bản hay lời nói, bạn cần hiểu đối tượng mình nhắm tới là ai. Có như vậy thì bạn mới biết khi nào nên tránh sử dụng từ ngữ chuyên môn nếu người nghe không trong cùng ngành hay tìm cách truyền tải nội dung một cách đơn giản và thú vị nếu người nghe là những chuyên gia. Những điều cần xem xét bao gồm:

  • Kỳ vọng của đối tượng là gì?
  • Họ sẽ sử dụng thông tin bạn cung cấp như thế nào?
  • Đối tượng hy vọng điều gì sau khi đọc/nghe?
  • Tại sao ngay từ đầu bạn lựa chọn giao tiếp với đối tượng này?

Phần này của tam giác liên quan tới việc khơi gợi cảm xúc của đối tượng. Lời bạn nói cần chạm đến cảm xúc đối tượng . Tự hỏi bản thân:

  • Bạn muốn gợi lên cảm xúc gì? Sự sợ hãi, niềm tin, lòng trung thành, v.v?
  • Bạn có chia sẻ giá trị mà bạn tạo ra hay không?
  • Những điều mà người nghe hằng tin tưởng phù hợp thế nào với thông điệp bạn truyền tải?

Kết nối với đối tượng bằng cách tác động đến cảm xúc của họ là một phương thức hữu hiệu để tìm kiếm sự ủng hộ.

Bối cảnh

Cuối cùng, người đọc sẽ chú ý đến ngữ cảnh và tình huống giao tiếp của bạn:

  • Trước khi truyền thông, có sự kiện nào xảy ra?
  • Bạn sử dụng những kiểu lập luận nào?
  • Chúng có tính logic và đã được suy tính cẩn thận?
  • Chúng được truyền tải thế nào?
  • Tài liệu hay bài phát biểu được truyền tải ở đâu?
  • Những thông tin này có thực sự cần thiết?

Điều nhấn mạnh ở đây là tính logic và lý do. Hãy tự hỏi bản thân:

  • Tôi trình bày một lập luận logic, có cấu trúc hợp lý?
  • Làm thế nào để hỗ trợ cho các luận điểm của tôi?
  • Bằng chứng tôi có là gì?
  • Các luận điểm phản biện là gì?

Ba điểm trên Tam giác hùng biện liên quan trực tiếp đến 3 khái niệm cần được cân nhắc khi giao tiếp là:

  • Ethos – Xây dựng lòng tin bằng cách thiết lập uy tín và thẩm quyền của bạn (Tác giả/ người viết).
  • Pathos – Khơi gợi cảm xúc bằng cách kết nối với đối tượng giao tiếp thông qua giá trị và mối quan tâm của họ (Đối tượng giao tiếp).
  • Logos– Khơi gợi trí thông minh với các ý tưởng được cấu trúc và rõ ràng (Bối cảnh).

Để đạt được hiệu quả và mang tính thuyết phục cao, cách truyền tải thông tin phải thỏa mãn cả 3 yếu tố Tam giác hùng biện. Lập luận cảm tính sẽ chẳng bao giờ bền lâu. Tương tự, nếu bạn chỉ trưng ra những dẫn chứng và số liệu khô khan, khán giả sẽ chẳng có hứng thú gì với thông tin bạn đưa ra và cũng không nhìn thấy mối liên hệ nào giữa những mối quan tâm của họ và nội dung bạn truyền tải. Cuối cùng, cứ cho như bạn là người đáng tin, nhưng nếu những gì bạn nói hay viết ra nghe chẳng hợp lý, hay lập luận bạn đưa ra không có tính logic, người khác sẽ lưu lại  ấn tượng về bạn là một kẻ không đáng tin cậy trong một thời gian khá lâu.

Sử dụng tam giác hùng biện

Khi chuẩn bị tài liệu văn bản, bài nói hay bài thuyết  trình, trước hết bạn cần đáp ứng 3 yếu tố Tam giác hùng biện để đạt được hiệu quả thuyết phục. Nếu thiếu một trong 3 yếu tố trên, bạn sẽ làm giảm tác động tổng thể của thông điệp tới đối tượng giao tiếp.

Bước một

Bạn cần tính đến việc uy tín của mình ảnh hưởng tới thông điệp ra sao. Nếu bỏ qua bước này, có thể đối tượng sẽ không bị thuyết phục. Hãy trả lời băn khoăn này của đối tượng giao tiếp, “Nguồn thông tin có đáng tin cậy hay không?”

  • Mục đích truyền thông là gì?
    • Kêu gọi hành động?
    • Để cung cấp thông tin?
    • Để giáo dục?
    • Để thuyết phục hay thay đổi một quan điểm?
    • Để trình bày ý tưởng?
    • Để giải trí?
  • Bạn trình bày với tư cách gì?
    • Bạn là ai và tiết lộ thành kiến, niềm tin, giá trị và giả định của bạn khi phù hợp
    • Giải thích chuyên môn của bạn có được từ đâu?
    • Sử dụng bằng chứng chuyên môn
    • Cho thấy bạn là người có thẩm quyền để trình bày thông tin đó

Bước hai

Tìm hiểu kỹ về đối tượng giao tiếp, rất có thể họ cảm thấy nội dung bạn truyền tải chẳng liên quan gì tới mình hoặc tệ hơn họ không có chút hứng thú nào. Lôi kéo cảm xúc của họ khi thích hợp và trung thực. Trả lời câu hỏi ẩn của đối tượng giao tiếp “Có phải người này đang cố gắng thao túng chúng ta?”

  • Đối tượng giao tiếp của tôi là ai?
    • Kỳ vọng của họ là gì?
    • Tại sao họ đang đọc/lắng nghe tôi?
    • Họ sẽ sử dụng những tài liệu này như thế nào?
    • Tôi muốn họ nhận được những gì?
  • Làm thế nào tôi có thể kết nối cảm xúc với họ?
    • Tôi muốn gợi lên cảm xúc gì từ họ?
    • Tôi có nên sử dụng những giai thoại hay câu chuyện cá nhân tôi?

Bước ba

Bạn cần xem xét đến bối cảnh truyền tải thông điệp và đảm bảo đưa ra dẫn chứng logic, hợp lý nhất có thể. Trả lời thay cho câu hỏi, “Bài thuyết trình này có logic không?”

  • Tôi sẽ trình bày thông tin thế nào?
    • Tôi sẽ sử dụng kiểu lập luận gì?
    • Tôi sẽ hỗ trợ lập luận của mình bằng cách nào? Bằng số liệu thống kê? Hay bằng những quan sát của tôi?
    • Tôi sẽ sử dụng giọng điệu nào, trang trọng hay không trang trọng?
    • Tôi sẽ truyền tải thông điệp như thế nào?
  • Sự kiện nào xung quanh cuộc giao tiếp này?
    • Tôi cần cung cấp những thông tin chung nào?
    • Tôi cần làm gì để đảm bảo các luận điểm rõ ràng, mạch lạc?
    • Tôi có nên đưa ra phản biện và sau đó bác bỏ?
    • Liệu phương pháp của tôi có phù hợp với thông điệp?

Những điểm chính

Thuyết phục người khác chẳng hề đơn giản chút nào. Tuy nhiên, khi áp dụng các nguyên tắc của thuật hùng biện trong bước lập kế hoạch ban đầu, cơ hội thành công sẽ gia tăng đáng kể.

Đối tượng giao tiếp cần chắc rằng bạn là người đáng tin; là người hiểu họ và biết họ muốn gì và họ muốn nghe các lập luận logic. Đây là 3 trụ cột của Tam giác hùng biện và ai cũng phải tính đến những yếu tố này để đưa ra lập luận, lí lẽ hiệu quả.

Đảm bảo thông điệp bạn đưa ra dung hòa cả 3 yếu tố này. Có vậy thì thông điệp bạn truyền tải mới dễ hiểu, dễ được đón nhận. Khi dành thời gian tìm hiểu xem thông điệp bạn truyền tải sẽ được đón nhận thế nào, bạn đã đi trước khán giả một bước trước khi họ nói lên mối quan tâm của mình.

Hpo Banner