Blog

Tại sao doanh nghiệp cần Đổi mới? 4 bước triển khai

Bạn từng nghe thấy khẩu hiệu:

Đổi mới hay là Chết.

Tôi search thử Google từ khóa “Đổi mới” và có 301.000.000 kết quả.

Con số này cho thấy sự phổ biến của nhu cầu đổi mới trong doanh nghiệp.

Bạn muốn đổi mới? Nhưng thực tế,

Từ “khẩu hiệu” đến “thực thi”, lại là một khoảng cách quá lớn.

Mục lục

Đổi mới là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về đổi mới. Tôi thích cách tiếp cận đơn giản được đưa ra bởi Bill Aulet, Giám đốc điều hành MIT.

Bill giải thích rằng một sự đổi mới, theo nghĩa kinh doanh, là một phát minh tạo ra giá trị – và ông đặt nó trong công thức:

Đổi mới = (Phát minh) x (Thương mại hóa)

Hiểu một cách khác,

Đổi mới là quá trình đưa một ý tưởng hoặc phát minh thành hàng hóa hoặc dịch vụ (tạo ra giá trị) mà khách hàng sẽ trả tiền.

Hội đồng đổi mới Canada thì mở rộng hơn, nói rằng, đối với các doanh nghiệp, có 4 loại đổi mới:

  1. Thay đổi hoàn toàn Sản phẩm và / hoặc Dịch vụ.
  2. Thay đổi hoàn toàn Quy trình.
  3. Cải tiến tăng dần cho Sản phẩm và / hoặc Dịch vụ.
  4. Cải tiến tăng dần cho Quy trình.

Đây là một sự khác biệt quan trọng, bởi vì phạm vi của đổi mới đã được mở rộng. Cụ thể:

  • Bạn không cần phải hét tướng lên: “Ơ rê ka” khi phát hiện ra một sáng kiến mang tính cách mạng (chưa ai nghĩ ra).
  • Giờ đây, Đổi mới, đơn giản là những cải tiến nhỏ tăng dần trong các sản phẩm, dịch vụ và quy trình của doanh nghiệp.

Cải tiến nhỏ, nó hoàn toàn khả thi phải không bạn?

Tại sao đổi mới là quan trọng?

Bạn có thể đang nghĩ rằng, các công ty thường dành nhiều thời gian để suy nghĩ về cách họ có thể đổi mới.

Nhưng thực tế, hầu hết là không.

Các thành viên trong doanh nghiệp của bạn, luôn bị cuốn vào cả tá công việc hàng ngày. Họ không có thời gian để suy nghĩ về đổi mới, nói đúng hơn, họ không ưu tiên cho đổi mới.

Trong khi, không đổi mới đe dọa sự tồn tại và phát triển của bất kỳ công ty nào.

Hãy nghĩ về hãng máy ảnh Kodak, hoặc điện thoại Nokia. Đây là những công ty lớn trong thời đại hoàng kim của họ, nhưng không đổi mới để theo kịp thời đại, đã khiến họ thất bại.

Vì vậy, các công ty cần nhìn về tương lai – để dự đoán xu hướng và xem xét các cơ hội có thể tận dụng – nhằm đổi mới sản phẩm, dịch vụ và quy trình kinh doanh.

Làm thế nào xây dựng văn hóa Đổi mới trong công ty của bạn?

Đổi mới không phải là một viên đạn, bắn một phát.

Nó cũng không phải là về một ý tưởng độc đáo, tự dưng từ trên trời rơi xuống.

Đổi mới là một quá trình liên tục đưa ra những ý tưởng mới và thử nghiệm. Giống như nhìn ra bờ biển, bạn thấy sóng sau xô sóng trước, liên tục.

Và cách duy nhất để làm điều đó là xây dựng văn hóa đổi mới vào công ty của bạn.

Đổi mới phải là công việc của mọi thành viên trong tổ chức.

Điều đó không chỉ cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp; mà còn tốt cho động lực, tinh thần và sự hài lòng trong công việc của nhân viên.

Thử hỏi: Khi làm việc trong một đội nhóm không có chút sáng tạo nào. Bạn có động lực không? Có hài lòng không?

Đây là một cách tạo ra văn hóa đổi mới, bạn có thể tham khảo:

1. Bắt đầu với một tuyên bố sứ mệnh

Tuyên bố sứ mệnh là một niềm tin lâu dài. Nó xác định mục đích của doanh nghiệp và giải thích lý do tại sao bạn làm những việc bạn đang làm?

Muốn kích thích sự đổi mới, bạn cần tạo ra một sứ mệnh đủ lớn và có ý nghĩa.

Ví dụ, nếu sứ mệnh của công ty là “Giúp bệnh nhân thoát khỏi thế giới ung thư”, thì nó sẽ truyền cảm hứng cho đội ngũ của bạn tạo ra các loại thuốc mới, phát triển các kỹ thuật giải phẫu sáng tạo; Hoặc thậm chí phát triển ra các kỹ thuật ngăn ngừa ung thư sớm ngay từ giai đoạn đầu.

Ngược lại,

Nếu tuyên bố sứ mệnh của bạn tập trung vào cái gì đó nhỏ hơn, ví dụ: “Phát triển các loại thuốc tốt hơn để điều trị ung thư”, thì phạm vi và khả năng đổi mới sẽ bị thu hẹp.

Dù cách nào, thì đó là một sự lựa chọn của riêng bạn.

2. Học cách quan sát

Để thực sự đổi mới, các công ty (và các cá nhân trong đó) phải chú ý đến những gì đang xảy ra trong thế giới xung quanh họ. Bao gồm:

  • Quan sát các xu hướng lớn trong xã hội và trên thế giới,
  • Cũng như những thay đổi xảy ra với khách hàng và thị trường của doanh nghiệp. Ví dụ, khách hàng của bạn đang sử dụng những gì để giải quyết vấn đề của họ?
  • Bạn cũng nên quan sát các xu hướng trong các ngành liên quan, thậm chí một ngành hoàn toàn khác, và xem xét cách chúng có thể được áp dụng cho ngành của bạn.

Thử và có thể bạn sẽ thấy bất ngờ.

Percy Spencer là một kỹ sư người Mỹ, làm việc với radar vào những năm 1940, quan sát thấy rằng vi sóng từ một bộ radar mà ông đang làm việc đã khiến thanh socola (trong túi) tan chảy.

Ngay lập tức, Spencer tự hỏi: “Liệu lò vi sóng có thể được sử dụng để nấu chín thức ăn?”

Ông bắt đầu thử nghiệm với bỏng ngô và trứng. Từ quan sát đó (và các thí nghiệm tiếp theo của Spencer), lò vi sóng đã ra đời.

Ghi chú: Spencer không phải là người đầu tiên nhận thấy rằng vi sóng hoạt động trên thực phẩm, nhưng ông là người đầu tiên tiến hành các thí nghiệm.

Bạn hãy học cách Quan sát. Và

3. Biến quan sát thành ý tưởng đổi mới

Bước tiếp theo trong quy trình là biến các quan sát thành ý tưởng cho sự đổi mới – như Percy Spencer đã làm.

Đừng ngại sáng tạo khi “suy đoán” về cách những ý tưởng có thể tạo ra tương lai cho công ty.

Đây chính là lúc, gạt bỏ thực tế, để có thể mơ mộng.

Công ty Airbnb đã thực hiện một bài tập tuyệt vời.

Họ yêu cầu nhân viên tưởng tượng ra những trải nghiệm trong dịch vụ của Airbnb. Và chấm điểm những trải nghiệm tưởng tượng đó:

  • 1 sao sẽ như thế nào?
  • Sau đó là mức 2 sao,
  • Cuối cùng là mức 11 sao cho trải nghiệm tuyệt hảo.

Người tham gia được quyền thoải mái mơ mộng, trải nghiệm 11 sao có thể hoàn toàn vô lý. Đó có thể bao gồm việc gặp một diễn viên nổi tiếng tại sân bay và được đưa đến chỗ ở Airbnb trên một đoàn xe limousine …

Mục đích của bài tập này là khiến mọi người nảy sinh ý tưởng.

Đôi khi, trong số tất cả những ý tưởng điên rồ đó, là những điều bạn có thể triển khai để thay đổi tương lai của công ty.

Lưu ý:

Mọi thành viên trong tổ chức cần tham gia vào việc tạo ra các ý tưởng đổi mới. Đây không phải là trách nhiệm của một người (như giám đốc sáng tạo) hay của 1 bộ phận (như Phòng R&D). Đổi mới là công việc của mọi thành viên trong doanh nghiệp.

4. Đưa những ý tưởng đổi mới sáng giá vào thực tiễn

Tin hay không, đây là phần khó.

Tại sao?

Bởi vì mọi người thường miễn cưỡng chấp nhận những ý tưởng hoặc cách làm mới. Họ sợ sự thay đổi.

Khách hàng của bạn cũng vậy.

Trong cuốn sách Crossing the Chasm, một nghiên cứu bước ngoặt về tiếp thị các sản phẩm công nghệ cao trong giai đoạn khởi nghiệp, giải thích rằng những ý tưởng mới chỉ được chấp nhận bởi một tỷ lệ nhỏ khách hàng (khoảng 16% người chấp nhận sớm).

Ngay cả các nhân viên trong công ty của bạn, vẫn có một khoảng cách lớn trước khi một ý tưởng được họ chấp nhận rộng rãi – đặc biệt nếu đó là một ý tưởng đột phá.

Hãy nhớ:

  • Nếu bạn trình bày một ý tưởng và mọi người nói không, thì ý tưởng đó có thể không phải là một ý tưởng hay.
  • Nhưng nếu mọi người nói có, thì ý tưởng của bạn có lẽ chưa đủ sáng tạo.

Ý tưởng đổi mới, không nhất thiết phải được mọi người đồng ý, ngay lập tức. Nếu bạn nhận được một câu trả lời không, có lẽ bạn đang đi đúng hướng.

Thực tế,

Những ý tưởng sáng tạo, cuối cùng, quá dễ để giết chết.

Chúng cần được nuôi dưỡng và bảo vệ.

Để làm được việc này phải có sự can đảm.

Cuối cùng,

Cuộc chơi Đổi mới là cuộc chơi của Rủi ro và Cơ hội. 1000 ý tưởng có thể chết, nhưng chỉ cần 1 ý tưởng thành công, bạn có thể thay đổi số phận của doanh nghiệp.

Hpo Banner