Blog

Phát triển Sự nghiệp Vượt trội với Phân tích SWOT cá nhân

Sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ nắm trong tay cách thức để tiến hành một phân tích SWOT cá nhân hiệu quả, từ đó tận dụng tối đa tài năng và cơ hội của mình để phát triển một sự nghiệp vượt trội.

Bạn sẽ có nhiều khả năng thành công hơn trong cuộc sống nếu bạn biết cách tận dụng triệt để tài năng của mình. Tương tự, bạn sẽ gặp phải ít rắc rối hơn nếu như quản lý được những điểm yếu của mình, để nó không còn cơ hội phá vỡ kế hoạch và mục tiêu của bạn.

Vậy, làm thế nào bạn xác định được điểm mạnh, điểm yếu, phân tích được các cơ hội cũng như phát hiện ra các mối nguy kéo theo đó? Phân tích SWOT cá nhân sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi trên!

Điều gì khiến phân tích SWOT cá nhân lại mạnh mẽ tới vậy? Chỉ với một sự tập trung suy nghĩ nho nhỏ, bạn sẽ tìm ra chiếc chìa khóa giúp mở toang cánh cửa cơ hội mà trước giờ chưa từng phát hiện ra. Tuyệt hơn, nó còn giúp bạn hiểu rõ điểm yếu của mình, cũng như quản lý và triệt tiêu được các mối nguy có thể cản trở bạn trên con đường chinh phục mục tiêu sự nghiệp.

Bạn sẽ nhìn thấy chính bản thân mình rõ nét như soi gương, từ đó bắt đầu tách mình ra khỏi đồng nghiệp và xa hơn nữa là bạn biết cách phát triển các kỹ năng chuyên môn cũng như các yếu tố cần thiết giúp đạt được mục tiêu cá nhân của mình. Và dựa vào đòn bẩy đó, bạn sẽ phát triển sự nghiệp của mình một cách vượt trội. Nghe thật hấp dẫn đúng không?

Mục lục

Làm thế nào để thực hiện một phân tích SWOT cá nhân?

Để thực hiện phân tích SWOT cá nhân của mình, đầu tiên bạn hãy tải mẫu phân tích này, sau đó viết ra các câu trả lời cho các câu hỏi dưới đây.

Điểm mạnh

  • Bạn có lợi thế gì mà người khác không có (ví dụ như các kỹ năng, bằng cấp, trình độ học vấn, hay các mối quan hệ)?
  • Bạn làm việc gì tốt hơn người khác?
  • Bạn có thể sử dụng các nguồn tài nguyên cá nhân nào?
  • Những người khác (đặc biệt là sếp) thấy bạn có những thế mạnh gì?
  • Thành tựu nào khiến bạn cảm thấy tự hào nhất?
  • Giá trị nào bạn tin rằng người khác không bao giờ kế thừa được?
  • Bạn có là một phần không thể thiếu trong mạng lưới mà không ai khác có thể thay thế? Nếu có, thì mối liên hệ đó là gì?

Hãy đồng thời xem xét điều này theo quan điểm của bạn, và từ quan điểm từ những người xung quanh bạn. Từ đó có được các góc nhìn khách quan nhất.

Tưởng tượng xem công việc và cuộc sống của bạn sẽ ra sao nếu như bạn tận dụng tối đa tài năng và điểm mạnh của mình? Chắc chắn bạn sẽ tìm thấy một sự hạnh phúc và thỏa mãn không hề nhỏ đấy!

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm một công cụ cũng hữu ích không kém giúp bạn khám phá ra những điểm mạnh tiềm năng của mình có tên là StrengthsFinder. Hai tay hai súng vẫn tốt hơn đúng không?

Nhưng nếu bạn vẫn gặp khó khăn khi xác định các thế mạnh của mình thì sao? Đừng lo, hãy viết ra một danh sách các đặc điểm cá nhân của bạn. Biết đâu bạn sẽ tìm ra một vài điểm mạnh cho mình. Đáng để thử nhỉ?

Lưu ý nhỏ:

Hãy suy nghĩ về điểm mạnh của bạn khi so với những người xung quanh. Xét xem liệu đó có thực sự là một điểm mạnh hay không? Ví dụ, nếu bạn là một nhà toán học vĩ đại và mọi người xung quanh cũng giỏi toán, thì chắc chắn đây không phải là một thế mạnh trong vai trò hiện tại của bạn, mà đó là một điều “tất lẽ dĩ ngẫu”.

Điểm yếu

  • Công việc nào bạn thường lảng tránh bởi cảm giác không tự tin khi làm nó?
  • Mọi người thấy điểm yếu của bạn là gì?
  • Bạn có hoàn toàn tự tin về nền tảng giáo dục và các kỹ năng của mình? Nếu không, bạn yếu nhất ở điểm nào?
  • Thói quen tiêu cực khi làm việc của bạn là gì (ví dụ: bạn thường đi muộn, vô tổ chức, hay mất bình tĩnh, không kiểm soát được căng thẳng)?
  • Bạn có đặc điểm cá nhân nào đang giữ chân mình? Ví dụ, nếu bạn phải tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ, thì nỗi sợ nói trước công chúng chính là một điểm yếu lớn.

Một lần nữa, hãy xem xét điều này từ quan điểm cá nhân và bên ngoài. Mọi người có thấy những điểm yếu mà bạn không thấy? Các đồng nghiệp có làm việc hiệu quả hơn bạn ở những lĩnh vực chính không? Hãy thực tế và dũng cảm đối mặt với các sự thật khó chịu đó càng sớm càng tốt. Bởi xét cho cùng, thì bạn cũng chẳng thể nào trốn tránh mãi được đúng không?

Cơ hội

  • Ngành công nghiệp của bạn có đang phát triển? Nếu có, bạn sẽ làm gì để tận dụng thời cơ đó?
  • Bạn có một mạng lưới quan hệ chiến lược trợ giúp, hoặc đưa ra lời khuyên?
  • Xu thế nào (quản lý hoặc khác) bạn thấy trong công ty của mình, và bạn sẽ tận dụng nó thế nào?
  • Các đối thủ cạnh tranh của bạn có đang mắc phải sai lầm nghiêm trọng gì không? Nếu có, bạn sẽ làm gì để tận dụng cơ hội từ sai lầm của họ?
  • Có nhu cầu nào trong công ty hay trong ngành mà chưa có ai đáp ứng không?
  • Khách hàng hay nhà cung cấp của bạn có đang phàn nàn về điều gì không? Nếu có, bạn có thể tạo ra một cơ hội bằng cách đưa ra một giải pháp như thế nào?

Bạn cũng có thể tìm được các cơ hội hữu ích dưới đây:

  • Các mạng lưới sự kiện, các lớp giáo dục hoặc các hội nghị.
  • Một đồng nghiệp nghỉ phép dài hạn. Bạn có thể tham gia vào một số dự án của người này để có được kinh nghiệm?
  • Một vai trò hay dự án mới yêu cầu bạn phải học các kỹ năng mới, ví dụ như nói trước công chúng hoặc quan hệ quốc tế.
  • Công ty mở rộng sang một số quốc gia khác. Bạn có kỹ năng cụ thể nào (ví dụ như ngoại ngữ) để tận dụng cơ hội đó?

Đừng quên nhìn vào điểm mạnh của bạn và tự hỏi bản thân khi nào chúng sẽ mở ra cơ hội? Cũng như nhìn vào các điểm yếu, liệu có cơ hội nào mở ra khi bạn loại bỏ chúng hay không?

Mối đe dọa

  • Bạn đang phải đối mặt với những trở ngại nào tại công ty không?
  • Có đồng nghiệp nào đang cạnh tranh với bạn về các dự án hoặc vai trò nào đó không?
  • Công việc của bạn có bị thay đổi không?
  • Sự thay đổi về công nghệ có ảnh hưởng tới vị trí của bạn không?
  • Có điểm yếu nào của bạn có thể trở thành mối đe dọa không?

Khi thực hiện phân tích SWOT cá nhân thường xuyên bạn sẽ có được những thông tin quan trọng để biết được mình cần làm những gì để tiến về phía trước.

Triển khai một phân tích SWOT cá nhân thực tế ra sao?

Đọc tới đây bạn sẽ thắc mắc một điều rằng thực hiện đánh giá một phân tích SWOT cá nhân thực tế sẽ trông như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy cùng xem xét ví dụ dưới đây.

Nam là một Giám đốc quảng cáo, anh ấy đã phân tích SWOT cá nhân của mình như sau:

Điểm mạnh

  • Tôi rất sáng tạo. Tôi thường gây ấn tượng cho khách hàng với cách nhìn khác biệt về thương hiệu của họ.
  • Tôi giao tiếp rất tốt với khách hàng và đội nhóm của mình.
  • Tôi có khả năng đặt ra các câu hỏi trọng tâm để tìm ra đúng khía cạnh truyền thông.
  • Tôi hoàn toàn cam kết cho sự thành công về thương hiệu của khách hàng.

Điểm yếu

  • Tôi có một thói quen đó là cố gắng giải quyết thật nhanh các công việc trong “to do list”, chính vì thế đôi khi chất lượng làm việc của tôi không tốt lắm.
  • Khi cố gắng hoàn thành mọi việc cũng khiến tôi rơi vào tình trạng căng thẳng.
  • Tôi thường lo lắng khi trình bày các ý tưởng cho khách hàng, và nỗi sợ nói trước đám đông này khiến cho bài thuyết trình của tôi trở thành vô dụng.

Cơ hội

  • Một trong những đối thủ nặng ký của chúng tôi vừa tạo ra một tai tiếng bởi đối xử không công bằng với các khách hàng nhỏ.
  • Tôi sẽ tham gia một hội nghị về truyền thông cực kỳ quan trọng vào tháng tới. Điều này sẽ giúp tôi tiếp cận được các mạng lưới chiến lược, cũng như các hội thảo đào tạo tuyệt vời.
  • Giám đốc nghệ thuật của chúng tôi sẽ sớm nghỉ sinh. Tiếp nhận các nhiệm vụ khi cô ấy nghỉ là một cơ hội tuyệt vời để tôi phát triển sự nghiệp.

Mối đe dọa

  • Quân, một trong những đồng nghiệp của tôi, một người có kỹ năng nói trước công chúng tốt hơn tôi, và anh ta cạnh tranh với tôi cho vị trí giám đốc nghệ thuật đó.
  • Do sự thiếu hụt nhân sự nên gần đây tôi thường làm việc quá sức, và điều này tác động tiêu cực tới việc sáng tạo của mình.
  • Tình hình kinh tế hiện nay đã dẫn đến sự tăng trưởng chậm cho ngành marketing. Nhiều công ty đã sa thải nhân viên, và công ty chúng tôi cũng đang trong quá trình xem xét cắt giảm hơn nữa.

Sau khi thực hiện phân tích SWOT cá nhân này, Nam tiếp cận Quân về việc nghỉ sinh của giám đốc nghệ thuật. Nam đề xuất với cả giám đốc nghệ thuật và Quân về các nhiệm vụ công việc khi cô ấy nghỉ sinh. Anh gợi ý về ý tưởng làm việc cùng nhau, và tận dụng thế mạnh của 2 bộ não. Quân biết anh trình bày rấy tốt, nhưng anh thừa nhận rằng anh thường ấn tượng với những ý tưởng sáng tạo của Nam, cái mà hiện tại đang là điểm yếu của anh ấy.

Bằng cách trở thành một nhóm thống nhất, Nam và Quân đã làm cho khách hàng của mình cảm thấy hài lòng hơn, thỏa mãn hơn về các dịch vụ của công ty hơn. Điều này đã tạo nên một lợi thế cạnh tranh không nhỏ trong lĩnh vực của họ.

Những điểm chính

Như bạn đã thấy, một ma trận phân tích SWOT cá nhân là một khuôn khổ vô cùng hữu ích cho việc phân tích điểm mạnh và điểm yếu, cũng như các cơ hội và các mối đe dọa mà bạn phải đối mặt. Điều này giúp bạn tập trung vào những điểm mạnh, giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ những điểm yếu, và tận dụng tối đa các cơ hội để bứt phá trong sự nghiệp.

Hãy hình dung trong vòng 2 năm tới bạn sẽ ra sao nếu không bỏ lỡ bất cứ cơ hội vàng ngọc nào để phát huy tối đa thế mạnh của mình?

Cuối cùng, sau khi phân tích SWOT cá nhân xong, hãy tiến xa hơn bằng việc phân tích SWOT cho doanh nghiệp/tổ chức để bạn giống như “hổ mọc thêm cánh” vậy.

Hpo Banner