Blog

Phân tích Đối thủ Cạnh tranh thông qua 4 góc độ

Dự đoán hành vi của đối thủ cạnh tranh.

  • Làm sao để xây dựng Chiến lược kinh doanh hiệu quả?
  • Và làm thế nào để nó linh hoạt với sự thay đổi của thị trường?

Có nhiều yếu tố tác động đến chiến lược của bạn, bao gồm: Mong đợi của khách hàng, mục tiêu tài chính, văn hoá doanh nghiệp, trình độ nhân sự, thậm chí cả những giả định về điểm mạnh và điểm yếu.

Điều này cũng xảy ra tương tự với đối thủ cạnh tranh của bạn. Khi muốn dự đoán đối thủ sẽ hành xử như thế nào trong tương lai? Điều quan trọng là xem xét tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định của họ.

Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét mô hình 4 góc độ của Porter, một khuôn khổ mà bạn có thể sử dụng để phân tích các đối thủ cạnh tranh và dự đoán hành vi tương lai của họ.

Mục lục

Mô hình 4 yếu tố phân tích đối thủ cạnh tranh

Michael Porter, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard và là người sáng tạo ra các công cụ chiến lược nổi tiếng khác như: 5 yếu tố cạnh tranh của PorterPhân tích chuỗi giá trị… Ông đã phát triển mô hình 4 góc độ giúp các doanh nghiệp phân tích vị trí của đối thủ cạnh tranh và dự đoán các hoạt động trong tương lai của họ.

Mô hình 4 góc độ của Porter bao gồm:

Mục tiêu Các giả định
Chiến lược Khả năng

Bốn góc của mô hình thể hiện:

  • Động lực – bao gồm: “Mục tiêu” và “Các giả định”, và
  • Hành động – bao gồm: “Chiến lược” và “Khả năng” của đối thủ cạnh tranh.

Góc “động lực” đại diện cho tình trạng nội bộ của đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như mục tiêu, nhiệm vụ và giá trị của họ. Còn góc “Hành động” cho thấy các bước mà đối thủ cạnh tranh đang thực hiện và bạn có thể quan sát trực tiếp.

Bằng cách xem xét từng yếu tố, bạn có thể dự đoán đối thủ cạnh tranh sẽ phản ứng thế nào trong một tình huống kinh doanh cụ thể.

Các công cụ chiến lược khác, chẳng hạn như Phân tích SWOT hoặc Ma trận Boston, cũng có thể giúp bạn thực hiện việc này; Tuy nhiên, sức mạnh chính của mô hình này là phải biết các động lực chính, văn hoá, giả định và giá trị của đối thủ cạnh tranh.

Cách áp dụng 4 yếu tố để phân tích đối thủ

Hãy xem từng góc của mô hình chi tiết hơn và thảo luận xem làm thế nào bạn có thể áp dụng chúng.

1. Về phía “Động lực”

Góc 1: Mục tiêu tương lai

Bước đầu tiên của bạn là tìm hiểu mục tiêu của đối thủ cạnh tranh và đo lường sự tiến bộ của họ để đạt được những mục tiêu này. Điều này giúp bạn dự đoán xem họ có thể phản ứng thế nào – hoặc phòng thủ – đối với bất kỳ mối đe dọa nào mà tổ chức bạn thực hiện. Bạn cũng cần phải xem xét kỹ giá trị và văn hóa doanh nghiệp của họ.

Bạn có thể làm gì?

Bắt đầu bằng cách nhìn vào mục tiêu mà đối thủ cạnh tranh của bạn đã trình bày trong tài liệu đã xuất bản – ví dụ như trên các trang web, trong các báo cáo hàng năm, trong các báo cáo của các nhà phân tích, trong các cuộc phỏng vấn.

Sau đó, tiến hành phân tích PEST từ quan điểm của đối thủ cạnh tranh. Những yếu tố địa phương hoặc quốc gia nào có thể ảnh hưởng đến mục tiêu và chiến lược của họ? Điều bạn quan tâm ở đây là những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược mong muốn của họ như thế nào.

Sử dụng Thiết lập mạng lưới văn hóa hiệu quả cho tổ chức, mô hình văn hóa của Deal và Kennedy hoặc Khung giá trị cạnh tranh để phân tích và hiểu rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp của đối thủ cạnh tranh. Văn hoá của họ khác với văn hóa tổ chức bạn như thế nào? Nó ảnh hưởng đến mục tiêu và chiến lược của họ như thế nào?

Tiếp theo, hãy xem xét các thành viên lãnh đạo của đối thủ cạnh tranh. Nền tảng của họ là gì? Tài năng và kinh nghiệm của họ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu và chiến lược tổng thể của công ty? Ai có quyền lực nhất và họ ở đâu trong hệ thống phân cấp của công ty?

Cuối cùng, hãy nhìn vào đề xuất giá trị và tuyên bố tầm nhìn sứ mệnh của đối thủ cạnh tranh. Chúng khác với tổ chức bạn như thế nào? Sự khác nhau này ảnh hưởng đến các quyết định và mục tiêu như thế nào?

Sau đó, kéo tất cả những điều này lại với nhau và nghĩ về khả năng họ đạt được mục tiêu. Có phải họ thiết kế một cách hoàn hảo để đạt được thành công hoặc họ sẽ làm gì để đạt được mục tiêu?

Mẹo:

Mô hình này giả định rằng bạn có kiến thức sâu về đối thủ cạnh tranh. Tìm hiểu về họ thông qua các nguồn công khai và từ những người đã từng làm việc cho họ và sau đó đưa ra dự đoán tốt nhất. Tuy nhiên, nếu bạn đưa ra quá nhiều dự đoán, kết luận của bạn có thể không đáng tin cậy.

Góc 2: Các giả định

Góc phần tư này khuyến khích bạn khám phá những giả định mà đối thủ cạnh tranh và đội nhóm quản lý của họ có thể tạo ra về điểm mạnh và điểm yếu của họ, cũng như của toàn ngành nói chung. Bạn cũng cần xem xét về những giả định mà đối thủ cạnh tranh có thể đưa ra về chiến lược và mục tiêu của tổ chức bạn

Nếu đối thủ cạnh tranh nhận thức được mức độ cạnh tranh của họ – và của toàn ngành – là rất mạnh thì họ có thể có những chiến lược phù hợp để đối phó với các mối đe dọa. Tuy nhiên, nếu đối thủ cạnh tranh của bạn tin rằng mức cạnh tranh của họ yếu hơn hoặc ngành đang trì trệ, họ có thể không chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa mới hoặc với các công nghệ mới nổi và đột phá.

Bạn có thể làm gì?

Tiến hành Phân tích SWOT từ những điều bạn tìm hiểu được về quan điểm của đối thủ cạnh tranh. Bạn nghĩ họ nhận thức thế nào về điểm mạnh và điểm yếu của họ? Họ đã tận dụng cơ hội để phát huy điểm mạnh trong quá khứ hay chưa?

Các tổ chức này có liên quan đến ngành này như thế nào? Họ có nhanh chóng áp dụng công nghệ mới và các phương pháp tốt nhất? Nếu không, tại sao không?

Sau đó, tiến hành phân tích đểm mù từ những điều bạn hiểu về quan điểm của đối thủ cạnh tranh. Những giả định đáng nghi ngờ họ đưa ra về thị trường và về điểm mạnh, điểm yếu của họ? Và những giả định sai lầm này có thể mở ra cơ hội gì cho bạn?

2. Về phía “Hành động”

Góc 3: Chiến lược

Góc phần tư này khuyến khích bạn xem xét chiến lược của đối thủ cạnh tranh. Hầu hết các tổ chức có hai chiến lược: chiến lược “lý tưởng”, thường được trình bày chi tiết trong báo cáo hàng năm hoặc trong các tuyên bố công khai và chiến lược “thực tế”, được phản ánh trong hành động của tổ chức, cụ thể là với việc mua lại, phát hành sản phẩm mới và phản ứng với mối đe dọa.

Mục tiêu góc phần tư này là xác định liệu đối thủ cạnh tranh có hài lòng với cách họ đang hoạt động hay không. Nếu chiến lược hiện tại của họ đang hoạt động, thì họ sẽ không thay đổi nó. Tuy nhiên, nếu họ đang gặp khó khăn, thì có vẻ như đội ngữ quản lý đang phát triển – hoặc sắp tung ra – một chiến lược mới.

Bạn có thể làm gì?

Xem xét vị trí của đối thủ cạnh tranh trong ngành. Mức độ cạnh tranh thế nào?

Đọc qua các báo cáo hàng năm, các cuộc phỏng vấn, các tuyên bố công khai từ tổ chức này. Hành động của họ phản ánh mục tiêu của họ hay họ đang theo một hướng khác?

Từ đó, hãy cố gắng hiểu chiến lược thực tế của đối thủ cạnh tranh là gì – đó là cách họ cố gắng giành chiến thắng trên thị trường – và nghĩ xem liệu điều này có ổn định hay thay đổi.

Góc 4: Khả năng

Góc phần tư cuối cùng này khuyến khích bạn xem xét năng lực và hiệu quả của đối thủ cạnh tranh. Các đối thủ cạnh tranh của bạn có thể muốn phản ứng theo một cách nào đó, nhưng có thể họ bị hạn chế, thiếu nguồn lực hoặc giả định không chính xác.

Ví dụ: hãy tưởng tượng rằng tổ chức bạn giảm giá một sản phẩm phổ biến. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của bạn cũng có thể muốn giảm giá sản phẩm đó, tuy nhiên, nếu họ đang gặp khó khăn về tài chính, điều đó sẽ không thể. Mặt khác, nếu nó có mạng lưới nhà cung cấp mạnh, có thể rút ngắn thời gian vận chuyển để cạnh tranh với giá thấp hơn.

Bạn có thể làm gì?

Bắt đầu bằng cách liệt kê năng lực cốt lõi của đối thủ cạnh tranh. Tiến hành phân tích năng lực cốt lõi và phân tích USP để xác định năng lực cung cấp giá trị thực cho đối thủ cạnh tranh.

Tiếp theo, xem xét liên minh chiến lược của họ. Họ hợp tác với ai mà có thể giúp họ phản ứng lại với mối đe dọa? Và tiến hành Phân tích VRIO để hiểu tài sản chiến lược của họ.

Sau đó, đem ttất cả lại với nhau, xem xét khả năng thực hiện chiến lược của họ như thế nào.

Là một bước cuối cùng, hãy cùng nhau đánh giá mục tiêu, giả định, chiến lược thực tế và khả năng của đối thủ cạnh tranh để biết được làm thế nào đối thủ cạnh tranh có thể hành động và phản ứng trong tương lai.

Những điểm chính

Giáo sư tại trường đại học kinh doanh Harvard, Michael Porter, đã phát triển mô hình 4 góc độ giúp các doanh nghiệp phân tích vị trí của đối thủ cạnh tranh và đưa ra các dự đoán có cơ sở về các hoạt động trong tương lai của họ.

Mô hình có bốn chiều, thuộc hai tiêu đề chính:

Động lực:

  • Mục tiêu.
  • Giả định.

Hành động:

  • Chiến lược.
  • Khả năng.

Lợi thế của mô hình 4 góc độ của Porter là nó khuyến khích bạn xem xét động lực, giá trị và văn hóa doanh nghiệp của đối thủ cạnh tranh – tất cả đều có thể ảnh hưởng đến chiến lược và mục tiêu trong tương lai của họ. Bất lợi là ở Việt Nam, khó có thể tìm được đầy đủ và chính xác những thông tin mà mô hình cần và nếu bạn đoán sai quá nhiều, phân tích có thể dẫn bạn đi sai hướng. Tuy nhiên, đây vẫn là một công cụ rất hữu ích khi bạn phải đối đầu trực tiếp với các đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất.

Hpo Banner