Blog

Phân tích điểm mạnh và điểm yếu khi kinh doanh ở một quốc gia

Mức độ cạnh tranh của các công ty thuộc các quốc gia khác nhau đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Ở góc độ người tiêu dùng, điều này là tốt! Nó tạo ra áp lực tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thậm chí là giảm giá, áp lực này có lợi cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, đối với các doanh nhân và người lao động, điều này tạo ra nhu cầu cao hơn về tính hiệu quả, sự sáng tạo và khả năng tối ưu hóa nguồn lực có hạn.

Với các tổ chức muốn sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, họ cần hiểu cạnh tranh toàn cầu sẽ diễn ra như thế nào? Phần quan trọng là phải hiểu điều kiện kinh doanh ở mỗi quốc gia khác nhau thì khác nhau ra sao? Đây chính là chủ đề của “Mô hình kim cương – Michael Porter.”

Ở một cấp độ nào đó, mô hình kim cương dường như chỉ phù hợp với các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, đây là một vấn đề mà tất cả các tổ chức và cá nhân, cần xem xét khi muốn thành công trong một thế giới kết nối phẳng và thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

Mục lục

Tìm hiểu mô hình

Trong cuốn sách “The Competitive Advantage of Nations,”, tác giả Michael Porter đưa ra mô hình kim cương, nhằm giúp cho một quốc gia hay một ngành công nghiệp (trong quốc gia đó) có thể phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cũng như lợi thế hay bất lợi trong cạnh tranh. Mô hình này gồm bốn yếu tố chính:

  • Điều kiện về các yếu tố đầu vào
  • Điều kiện về nhu cầu
  • Chiến lược, cơ cấu và sự cạnh tranh của công ty
  • Cách ngành hỗ trợ và có liên quan

Ngoài ra, Porter đề xuất 4 yếu tố quan trọng này tác động qua lại lẫn nhau và đều bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của chính sách chính phủ đưa ra. Điều này được chỉ ra trong hình dưới.

Từ The Competitive Advantage of Nations của Michael E. Porter.

Giải thích các yếu tố

Chúng ta hãy xem xét từng yếu tố riêng biệt:

1. Điều kiện về các yếu tố đầu vào

“Yếu tố đầu vào” là những yếu tố đóng góp vào quá trình sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Theo truyền thống, đó là con người, nguyên liệu thô, đất đai và vốn. Điều kiện về các yếu tố sản xuất này liên quan tới sự “có sẵn” hoặc “không có sẵn” của chúng ở một quốc gia cụ thể.

  • Phân biệt lợi thế quốc gia và Tạo sự khác biệt

Phân tích các yếu tố đầu vào sản xuất, giúp bạn phân biệt được quốc gia này với các quốc gia cạnh tranh khác. Ví dụ, Ấn Độ là một nước có một lượng lớn lực lượng lao động tốt nghiệp đại học, họ có mong muốn được trả lương thấp hơn so với những người tốt nghiệp ở các nước phương Tây. Điều này khiến Ấn Độ trở thành nhà lãnh đạo trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ call-center và dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia.

  • Sử dụng bất lợi để đổi mới

Khi yếu tố đầu vào sản xuất thiểu hụt, quốc gia cần phải đổi mới để vượt qua thách thức và sự đổi mới này có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh. Ví dụ: Thụy Điển là nước phải đối mặt với đặc thù mùa xây dựng ngắn, do đó, họ trở nên thành thục trong việc xây dựng nhà lắp ghép. Điều này giúp Thụy Điển có một lợi thế cạnh tranh khác biệt trong thị trường toàn cầu với phân khúc nhà lắp ghép.

2. Điều kiện về nhu cầu

Yếu tố này đề cập đến mức độ nhu cầu về sản phẩm/dịch vụ từ quốc gia chủ nhà của doanh nghiệp. Nếu người dân ở nước bạn yêu cầu rất nhiều sản phẩm/dịch vụ, điều đó đem lại cho bạn lợi thế mạnh mẽ hơn các đối thủ cạnh tranh thuộc quốc gia khác. Bạn có thể khai thác theo 3 cách:

  • Xuất khẩu

Khi đất nước của bạn tạo ra nhu cầu lớn cho một loại sản phẩm/dịch vụ cụ thể, các công ty trong nước sẽ có lợi khi sản xuất chúng. Vì vậy, quốc gia này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ở nước ngoài.

  • Lợi thế quốc gia

Khi nhu cầu ở nước chủ nhà cao, sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Cạnh tranh thúc đẩy sự đổi mới, làm cho ngành kinh doanh này trở nên hiệu quả hơn và trở thành một lợi thế quốc gia.

  • Xu hướng dự đoán

Khi người tiêu dùng nước chủ nhà có khuynh hướng đi theo một loại sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, buộc các công ty trong nước phải thay đổi nhanh chóng và linh hoạt nhằm đáp ứng các thay đổi. Điều này giúp các công ty này trở thành nhà tiên phong và thành công trên thị trường quốc tế.

3. Chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh

Đây là yếu tố tạo nên sự cạnh tranh trong nước. Quy mô của các công ty, cách họ quản lý và cách họ cạnh tranh, là những yếu tố giúp các công ty thành công hoặc thất bại trên toàn cầu. Các yếu tố ảnh hưởng tới điều này bao gồm:

  • Ngành phù hợp với điều kiện kinh doanh

Các ngành công nghiệp khác nhau phù hợp với các loại hình tổ chức khác nhau. Chẳng hạn, có một tỷ lệ cao các doanh nghiệp gia đình quy mô nhỏ ở Ý. Nó giúp nước này giữ vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang (nơi có khả năng phản ứng nhanh với xu hướng, yếu tố rất quan trọng để thành công). Bởi vì, thật khó để có cùng tốc độ linh hoạt trong những công ty lớn.

  • Phù hợp với phương thức đầu tư

Một ngành công nghiệp sẽ phát triển tốt nhất (ở một quốc gia) nếu nhà đầu tư của nước này thấy rằng các phương thức hoạt động của ngành đáp ứng được nhu cầu của họ. Điều này sẽ khuyến khích họ đầu tư. Những người này tìm kiếm lợi nhuận lâu dài, ổn định, vì vậy họ có thể không hứng thú với các ngành công nghiệp với tỷ trọng các công ty khởi nghiệp cao. Ngược lại, các nhà đầu tư mạo hiểm muốn có lợi nhuận cao sẽ thích ngành có tỷ trọng khởi nghiệp lớn.

4. Các ngành liên quan và hỗ trợ

Yếu tố này liên quan đến khả năng cạnh tranh của các ngành khác trong nước. Sự có mặt của các nhà cung cấp chất lượng cao và các ngành liên quan khác dẫn đến hai loại lợi thế chính:

  • Giá cả

Các ngành cạnh tranh cao thường mang lại lợi thế về chi phí. Khi các công ty có lợi thế chi phí hoạt động trong cùng một quốc gia, chúng sẽ đem lại lợi thế về chi phí cho các ngành liên quan khác. Một ví dụ điển hình, là ngành thuộc da và da giầy ở Ý. Thành công của ngành này đã chuyển thành sự thành công của các ngành liên quan đến sản xuất và chế biến da.

  • Đổi mới

Các công ty cạnh tranh cao có xu hướng sáng tạo. Các ngành công nghiệp liên quan được hưởng lợi từ sự đổi mới này.

Sử dụng Mô hình kim cương

Hầu hết mọi người có ít cơ hội để tạo ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ và nền kinh tế quốc gia ở mức độ các yếu tố của mô hình kim cương.

Mô hình bắt đầu có ích khi bạn muốn hiểu xem chúng ảnh hưởng thế nào tới công ty và bản thân bạn. Bằng cách suy nghĩ về các câu hỏi như ngành mình đang ở đâu (hoặc muốn chuyển sang đâu) để có một tương lai dài hạn? Xét cho cùng, làm việc trong một ngành công nghiệp đang phát triển thành công là một trải nghiệm thú vị, tràn đầy năng lượng. Còn làm việc trong một ngành đang suy yếu có thể khiến bạn chán nản và ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của bạn.

Thực hiện theo các bước sau giúp bạn phân tích ngành mà bạn quan tâm:

  1. Bắt đầu bằng cách sử dụng mẫu biểu ở trên.
  2. Xác định điều kiện cho các yếu tố sản xuất áp dụng cho ngành và quốc gia mà bạn làm việc. Nếu ngành của bạn thành công trên trường quốc tế, yếu tố nào đem lại lợi thế cạnh tranh so với quốc gia khác? Nếu nó đang phải đấu tranh, thì tại sao? Hãy suy nghĩ tới con người, nguyên vật liệu, vốn, đất đai, trình độ học vấn và chuyên môn về công nghệ. Và làm thế nào để so sánh chúng với các quốc gia cạnh tranh?
  3. Ghi lại các đặc điểm điều kiện về nhu cầu ở nước bạn. Người mua trong nước sáng suốt và đòi hỏi thị trường của bạn như thế nào? Có khía cạnh nào khác trong nhu cầu của nước bạn mà không áp dụng ở bất kỳ đâu? Mức độ làm giả? Làm thế nào để so sánh chúng với các quốc gia thành công nhất cạnh trạnh với bạn?
  4. Phân tích cách tiếp cận quốc gia về cơ cấu tổ chức và mức độ cạnh tranh ở nước bạn. Đâu là thứ mà ngành của bạn đang cần?
  5. Các ngành công nghiệp liên quan và hỗ trợ ở nước bạn như thế nào? Ngành của bạn dựa vào nhập khẩu hay có lợi từ các nhà cung cấp chất lượng cao hoặc chi phí thấp (hoặc cả hai)? Và bao nhiêu kiến thức chuyên môn có trong các ngành công nghiệp liên quan tại địa phương đang có lợi cho bạn?

Mẹo:

Mọi người thường đánh giá cao những tác động ngắn hạn, nhưng đánh giá thấp tác động lâu dài. Cũng như dễ bị choáng ngợp với tiềm năng/xu hướng thay đổi, nhưng lại bỏ qua các yếu tố sẽ ngăn chặn, kìm hãm sự thay đổi đó. Hãy nhớ bài học về sự phát triển bùng nổ trong giai đoạn dotcom và chuỗi phá sản sau đó!

Những điểm chính

Mô hình kim cương của Michael Porter là một khuôn khổ giúp bạn phân tích lợi thế cạnh tranh ở cấp quốc gia. Nó xem xét 4 khía cạnh ảnh hưởng tới các cơ hội sẵn có cho các ngành công nghiệp quốc gia để thành công:

  1. Điều kiện về nhân tố sản xuất (đầu vào)
  2. Điều kiện về nhu cầu
  3. Chiến lược, cơ cấu và sự cạnh tranh
  4. Các ngành liên quan và hỗ trợ

Bằng cách tìm hiểu xem chúng ảnh hưởng thế nào tới ngành ngành kinh doanh, bạn có thể định hình chiến lược phát triển trong một thị trường toàn cầu có tính cạnh tranh cao.

Hpo Banner