Blog

Mô hình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của Hartnett

Phát triển giải pháp chung

Bạn tập hợp các thành viên trong nhóm lại với nhau để khởi chạy một dự án mới, nhưng có vẻ như bạn chưa có một khởi đầu tốt.

Nhóm bạn đang cố gắng đạt được sự đồng thuận về hướng đi đúng. Hùng – thành viên có tiếng nói nhất trong nhóm, ngay lập tức đưa ra gợi ý và bắt đầu nói về những lợi ích của nó. Hằng lập luận rằng ý tưởng của cô hiệu quả hơn và Ngọc – người thường có những ý tưởng tuyệt vời, quá bị choáng ngợp bởi sự đóng góp tranh luận của Hùng và Hằng.

Bạn đã sẵn sàng bỏ cuộc!

Nếu bạn đã từng làm việc theo đội nhóm, kịch bản này có thể nghe quen thuộc. Có thể rất khó để nhóm đạt được sự đồng thuận về một quyết định, đặc biệt là khi tính cách, quan điểm và thái độ giữa các thành viên xung đột với nhau.

Trong một số trường hợp, bạn có thể chấm dứt những vấn đề này với sự quyết đoán (bài viết Mô hình Quyết định Vroom-Yetton-Jago giúp bạn suy nghĩ khi nào điều này là thích hợp). Trong các tình huống khác, bạn cần phải tìm một cách khác.

Đây là nơi mà Mô hình đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của Hartnett (CODM – Consensus-Oriented Decision-Making) rất hữu ích. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét mô hình CODM và xem làm thế nào bạn có thể áp dụng nó khi cần đưa ra quyết định nhóm một cách tốt nhất.

Mục lục

Giới thiệu về Mô hình

Mô hình CODM được phát triển bởi nhà tâm lý học – Tiến sĩ Tim Hartnett và được xuất bản trong cuốn sách của anh ấy năm 2010 “Consensus-Oriented Decision-Making.”

Mô hình sử dụng quy trình 7 bước. Các bước là:

  1. Định dạng vấn đề
  2. Có một cuộc thảo luận mở.
  3. Xác định các mối quan tâm cơ bản.
  4. Phát triển đề xuất.
  5. Chọn một định hướng.
  6. Phát triển giải pháp ưu tiên.
  7. Kết luận

Bằng cách sử dụng mô hình, bạn có thể mời tất cả mọi người trong nhóm tham gia trong quá trình phát triển giải pháp, giúp mỗi người cảm thấy có sự đóng góp vào quyết định cuối cùng. Điều này giúp bạn xây dựng một nhóm làm việc hiệu quả hơn.

Mô hình cũng khuyến khích mọi người đưa ra những ý tưởng sáng tạo mà không sợ bị phán xét. Điều này giúp nhóm phát triển giải pháp và đưa ra quyết định tốt hơn.

Mô hình này hữu ích nhất cho các dự án và vấn đề phức tạp, nơi bạn cần quyết định cách thức tiến hành tốt nhất và nơi mà các giải pháp cho các vấn đề chưa rõ ràng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể điều chỉnh mô hình cho nhiều tình huống khác.

Mẹo:

Điều quan trọng cần nhớ là sự đồng thuận có nghĩa là sự đồng ý chung, chứ không phải là toàn bộ sự đồng ý. Mặc dù mô hình này cho phép tất cả mọi người tham gia

phát triển giải pháp nhưng không phải ai cũng sẽ đồng ý với quyết định cuối cùng.

Làm thế nào để áp dụng mô hình CODM

Bây giờ chúng ta sẽ xem xét 7 bước chi tiết hơn và khám phá xem làm thế nào bạn có thể áp dụng mô hình trong một nhóm cụ thể

Mẹo:

Không nhất thiết bạn phải thực hiện đầy đủ 7 bước cùng một lúc – đôi khi sẽ mất nhiều cuộc họp để hoàn tất quá trình, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của quyết định.

Bước 1: Định dạng vấn đề

Trong bước đầu tiên này, cần đảm bảo có đúng người tham gia vào quá trình và mọi người đều có thông tin, công cụ và tài nguyên cần thiết để đưa ra ý tưởng hay.

Là một phần của quá trình này, xác định và định nghĩa vấn đề bạn cần giải quyết, nếu cần thiết hãy sử dụng các công cụ như Phân tích Nguyên nhân và tác độngPhân tích nguyên nhân gốc rễ.

Bạn cũng cần quyết định cách mà đội nhóm sẽ chọn lựa giữa các lựa chọn trong giai đoạn sau (Hartnett gọi đây là “quy tắc quyết định”). Chẳng hạn, bạn muốn tất cả mọi người trong nhóm đồng ý với quyết định cuối cùng hay đơn giản chỉ cần theo đa số? (Bài viết đưa ra quyết định nhóm có một số kỹ thuật mà bạn có thể sử dụng và bài viết người điều phối chỉ ra các kỹ năng cần thiết để dẫn dắt cuộc thảo luận.)

Bước 2: Có một cuộc thảo luận mở

Tiếp theo, gặp nhóm, trình bày lại vấn đề và khuyến khích một cuộc thảo luận mở. Mục tiêu của bạn ở đây là tạo ra càng nhiều ý tưởng hoặc giải pháp ban đầu cho vấn đề càng tốt.

Sử dụng các công cụ như động não vòng tròn, phương pháp đóng góp ý kiến của Crawford hoặc Kỹ thuật bậc thang khuyến khích mọi người tham gia thảo luận.

Nếu cuộc thảo luận dường như đi theo lối mòn hoặc nhóm bạn chỉ tạo ra những ý tưởng “an toàn”, sử dụng các kỹ thuật tư duy sáng tạo khuyến khích mọi người đưa ra ý tưởng mới.

Hãy nhớ mục tiêu của bạn là để mọi người suy nghĩ sáng tạo và khuyến khích mọi ý tưởng, ngay cả khi nó không thực tế ở giai đoạn này.

Khi xong bước này, ghi lại tất cả các ý tưởng, xóa những ý tưởng trùng nhau. Bạn sẽ sử dụng danh sách này trong bước 4.

Mẹo:

Cách tiếp cận khác là yêu cầu mọi người đưa ra ý tưởng và giải pháp ẩn danh, trước khi gặp mặt trực tiếp.

Bước 3: Xác định những mối quan ngại cơ bản

Bước tiếp theo là xác định những điều Hartnett gọi là “mối quan ngại cơ bản” – đó là những khó khăn và vấn đề mà bạn muốn giải quyết. Sau đó, bạn sẽ sử dụng phân tích này để tìm ra và cải tiến giải pháp trong bước tiếp theo của quy trình.

Để làm điều này, trước tiên xác định các bên liên quan chính (bao gồm cả những người bên ngoài tổ chức) bị ảnh hưởng bởi quyết định. (Tùy thuộc vào tình huống, bạn có thể làm điều này bằng cách chỉ đơn giản là brainstorming các bên liên quan hoặc tiến hành phân tích các bên liên quan).

Sau đó thảo luận với các bên liên quan hoặc liệt kê các mối quan ngại tiềm ẩn có thể có, một lần nữa đảm bảo tất cả mọi người trong nhóm tham gia vào cuộc thảo luận.

Mẹo:

Đừng nhầm lẫn các mối quan ngại cơ bản với các giải pháp trong bước này.  Ví dụ: nếu vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết là tăng chất lượng sản phẩm, giải pháp có thể là sử dụng các thành phần tốt hơn. Tuy nhiên, mối quan ngại cơ bản có thể là giữ chi phí tối thiểu (đối với bên liên quan) hoặc sản phẩm có thể sử dụng lâu hơn (đối với khách hàng).

Bước 4: Phát triển các đề xuất

Bây giờ, sử dụng các ý tưởng ban đầu mà bạn đã đưa ra trong bước 2, nhóm bạn có thể đưa ra các đề xuất nhằm giải quyết những mối quan ngại cơ bản được xác định trong bước 3.

Để làm điều này, hãy đi qua từng ý tưởng và khuyến khích tất cả mọi người trong nhóm đóng góp vào việc phát triển nó thành một giải pháp khả thi.

Một lần nữa, điều quan trọng là mọi người đều cởi mở trong cuộc thảo luận, mọi người tập trung vào một ý tưởng tại một thời điểm và không chỉ trích bất kỳ  ý tưởng nào.

Đến cuối bước này, những ý tưởng ban đầu sẽ được phát triển thành các đề xuất chi tiết hơn mà bạn có thể tiếp tục. Đừng bỏ qua bất kỳ đề xuất nào.

Bước 5: Chọn một hướng đi

Bây giờ bạn cần quyết định đề xuất tốt nhất để tiếp tục.

Bắt đầu bằng cách xem xét từng đề xuất, yêu cầu các thành viên trong nhóm làm nổi bật ưu và khuyết điểm của mỗi đề xuất. Một lần nữa, đảm bảo rằng tất cả mọi người tham gia thảo luận.

Cuối cùng, quyết định đề xuất tốt nhất để thực hiện, sử dụng “quy tắc quyết định” mà bạn đã đồng ý ở bước 1.

Bước 6: Phát triển Giải pháp Ưa thích

Mục đích của bước này là tìm cách cải tiến đề xuất cuối cùng tốt hơn nữa.

Là một phần của vấn đề này, hãy nhìn lại các mối quan ngại cơ bản mà bạn đã xác định trong bước 3. Nếu có bất kỳ mối quan ngại nào mà bạn chưa giải quyết, hãy tìm cách cải thiện đề xuất để giải quyết chúng

Một lần nữa, khuyến khích các thành viên trong nhóm đưa ra vấn đề và sửa đổi đề xuất cuối cùng để giải quyết những vấn đề này.

Mẹo 1:

Nếu bạn đang phát triển giải pháp cho một dự án phức tạp, có thể mất một thời gian để điều chỉnh và sửa đổi đề xuất.

Mẹo 2:

Tùy thuộc vào loại quyết định, đề xuất tốt nhất có thể không có giá trị. Xem bài viết Quyết định đi tiếp hay dừng lại để biết thêm.

Bước 7: Kết luận

Bây giờ, bạn nên có một giải pháp mà hầu hết mọi người trong nhóm đều hài lòng. Hãy sử dụng “quy tắc quyết định” mà bạn đã xác định trong bước 1 để đảm bảo rằng mọi người đều đồng thuận với quyết định của bạn.

Tùy theo tình huống, bạn cũng có thể sử dụng bước này như một cơ hội yêu cầu sự hợp tác của mọi người khi thực hiện quyết định cuối cùng. Sự hợp tác này có thể là bất cứ điều gì, từ việc đơn giản chỉ là hỗ trợ người khác khi họ thực hiện giải pháp, tời việc cung cấp nguồn lực và chuyên môn.

Mẹo 1:

Hãy linh động khi áp dụng từng bước của quy trình. Như chúng tôi đã đề cập trước đó, trong một số trường hợp, có thể không cần phải thực hiện mỗi bước một cách chi tiết. Bạn cũng có thể sẽ phải chuẩn bị để quay lại xem xét các bước trước đó, nếu bạn không thể quyết định được giải pháp thích hợp.

Mẹo 2:

Trong khi tìm kiếm sự đồng thuận trong một nhóm là rất quan trọng, hãy nhớ rằng mọi người có thể sử dụng sự đồng thuận như là một cách để tránh phải chịu trách nhiệm cá nhân với hành động hoặc quyết định của mình. Bạn không được để điều này xảy ra.

Những điểm chính

Mô hình CODM được phát triển bởi nhà tâm lý học, Tiến sĩ Tim Hartnett và đã được xuất bản trong cuốn sách “Consensus-Oriented Decision-Making” năm 2010 của anh ấy. Bạn có thể sử dụng nó để đưa ra các quyết định nhóm tốt hơn bằng cách khuyến khích mọi người phát triển một giải pháp.

Mô hình này hữu ích nhất khi bạn cần quyết định cách tiếp cận tốt nhất cho dự án và vấn đề phức tạp hoặc khi giải pháp cho vấn đề không rõ ràng.

Có 7 bước để sử dụng mô hình:

  • Định dạng vấn đề.
  • Có một cuộc thảo luận mở.
  • Xác định các mối quan ngại cơ bản
  • Phát triển các đề xuất.
  • Chọn một định hướng.
  • Phát triển một giải pháp ưu tiên.
  • Kết luận

Hãy linh động trong cách áp dụng mô hình – không nhất thiết phải thực hiện từng bước một cách chi tiết.

Hpo Banner