Blog

Khiêm nhường – và nhà Lãnh đạo cấp độ 5

1. Không cho rằng bản thân vượt trội hơn người khác.

Giống như những dòng sông, càng sâu càng tĩnh lặng.

David Packard, đồng sáng lập của Hewlett-Packard (HP), người luôn xác định vai trò số 1 của mình là một người bình thường trong gia đình HP. Sau đó mới là người làm việc ở vị trí Giám đốc điều hành. David Packard là một người anh của nhân viên, quản lý nhẹ nhàng như đi dạo. Ông nói:

Bạn không nên hả hê về bất cứ điều gì bạn đã làm. Bạn nên tiếp tục làm việc và tìm kiếm một việc gì đó để làm tốt hơn nữa.

Một nhân vật khác, Patrick Daniel, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng và đường ống North American Enbridge, người tán thành với nhận định về hai đặc điểm nổi bật của các nhà lãnh đạo:

  • Quyết tâm để tạo ra Kết quả.
  • Và sự khiêm nhường, ghi nhận đóng góp của người khác.

Ông nói:

Lãnh đạo vĩ đại đến từ sự khiêm nhường và luôn như vậy, chính là sự khiêm tốn ở cá nhân họ.

Một hiện tượng thú vị là, thông thường những người càng làm nhiều việc, họ càng ít kể lể về những gì họ đã hoàn thành, họ luôn khiêm tốn.

Những người thành đạt nhất lại là những người không bao giờ khoe khoang, họ khiêm tốn hơn những gì họ đang có. “Đó là phẩm chất quý giá, giống như những dòng sông, càng sâu càng tĩnh lặng” (Edward Frederick Halifax). Chúng ta đều đã biết và gặp những người như thế và tự đáy lòng ngưỡng mộ họ.

Các nhà lãnh đạo cấp độ 5 ở những công ty vĩ đại luôn loại bỏ cái tôi ra khỏi chính họ, đặt các mục tiêu lớn của công ty ở vị trí hàng đầu và điều đó đưa công ty và bản thân họ đến sự vĩ đại.

2. Khiêm nhường là gì?

Theo từ điển:

  • Là khiêm tốn, không giả tạo, không cho rằng bản thân vượt trội hơn những người khác.
  • Đặt ý kiến của người khác cao hơn ý kiến của mình.

Nhà lãnh đạo vĩ đại là một thực thể phức tạp. Một kết hợp nghịch lý của ý chí cá nhân mãnh liệt và sự khiêm tốn cá nhân:

  • Khiêm nhường là một cuộc đấu tranh nội tại (trong bản thân mỗi người). Ở đó, chúng ta đấu tranh với đặc điểm thích cạnh tranh, vượt trội, hiếu thắng trong mình.
  • Khiêm nhường không phải là thái độ tự hạ mình hay tự chê bai, rụt rè, nhu mì, yếu đuối. Không phải như vậy! Đó là nguồn sức mạnh giúp bản thân duy trì niềm tự hào cá nhân, về những giá trị và thành tựu của chúng ta. Đó là sự tự tại mà không cần những tô vẽ hào nhoáng, không kiêu ngạo, không hung hăng hiếu thắng chạy theo thành tích.

Khiêm nhường là quên đi sự tuyệt hảo của bản thân. Bởi vì, luôn có những thời điểm, nhà lãnh đạo rơi vào tình trạng không thể tự mình tìm ra câu trả lời cho vấn đề.

  • Họ thừa nhận điều đó và đi tìm sự hỗ trợ từ người khác.
  • Để làm việc này, đòi hỏi sự khiêm nhường.

Một dấu hiệu để nhận ra một nhà lãnh đạo khiêm nhường là cách họ ứng xử với người khác (đặc biệt là với nhân viên). Nhà lãnh đạo khiêm nhường luôn đối xử với mọi người với sự tôn trọng, bất kể vị trí của họ là gì.

Khi tiếp cận các tình huống từ góc độ của một lãnh đạo khiêm nhường:

  • Mọi chuyện được mở ra, bởi vì chúng ta sẵn sàng học hỏi từ người khác.
  • Chúng ta di chuyển ra khỏi vùng thoải mái để tìm kiếm sự giác ngộ.
  • Chúng ta quên đi sự hoàn hảo trong mình chính vào thời điểm này.

3. Gợi ý để rèn luyện đức tính khiêm nhường:

  • Nếu bạn chưa có phương án để giải quyết một vấn đề. Hãy lắng nghe và nhường sân khấu cho người khác.
  • Còn đây là ba chữ kỳ diệu, bạn hãy nói thường xuyên: “BẠN NÓI ĐÚNG”.
  • Khuyến khích ý kiến đóng góp của người khác về cách lãnh đạo của bạn. Hãy hỏi: “Tôi làm như vậy, anh thấy sao?”
  • Cuối cùng, hãy giảm bớt thói quen áp đặt quan điểm của bạn lên người khác. Trở thành tấm gương về sự khiêm nhường.

Khiêm nhường thực sự cải thiện các mối quan hệ (trên tất cả các cấp trong công ty), xua tan sự lo lắng khi giao tiếp, nó khuyến khích sự cởi mở và một điều bất ngờ:

Khiêm nhường giúp tăng cường sự tự tin trong bạn.

Một lần nữa hãy ghi nhớ:

Khiêm nhường là phẩm chất quý giá, giống như những dòng sông, càng sâu càng tĩnh lặng.

(Edward Frederick Halifax)

Hpo Banner