Blog

Khi nào nên lên tiếng

Bạn đã bao giờ “nói trước khi nghĩ” mà không tính đến hậu quả có thể xảy ra chưa? Hay bạn muốn né tránh “phản ứng an toàn của sự im lặng” mà hai nhà nghiên cứu Frances J. Milliken và Elizabeth Wolfe Morrison đề cập đến?

Lên tiếng tại nơi làm việc nghĩa là bày tỏ quan điểm của mình về một vấn đề gì đó, chẳng hạn như suy nghĩ về một dự án, cảm xúc về một quyết định được đưa ra hoặc ý tưởng của riêng bạn. Có một số điểm quan trọng bạn cần suy nghĩ khi quyết định lên tiếng. Làm thế nào và khi nào bạn có thể lên tiếng để đóng góp cho sự thành công của nhóm và tổ chức. Điều này cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn làm tốt công việc của mình và định hình danh tiếng nghề nghiệp của bản thân.

Mọi người thường lưỡng lự khi quyết định có nên phát biểu hay không bởi vì họ lo lắng rằng liệu những người khác sẽ phản ứng như thế nào. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu khi nào nên lên tiếng và làm thế nào để thực hiện nó một cách chuyên nghiệp nhất.

Mục lục

Tại sao cần lên tiếng tại nơi làm việc

Đóng góp vào “lợi ích lớn hơn” là mục đích chính của việc lên tiếng. Thách thức, đặt câu hỏi, bổ sung hoặc nêu bật điều gì đó có thể gây tranh luận, thu hút sự quan tâm và quan điểm từ những người khác. Nó có thể giúp cải tiến quy trình hoặc thay đổi chiến lược, thu hút sự chú ý đến những vấn đề nhỏ trước khi chúng trở nên lớn hơn và giải quyết xung đột. Nó có thể giúp tổ chức nâng cao kiến ​​thức tổng hợp, cải thiện nỗ lực sáng tạo và cuối cùng đạt được thành công về mặt tài chính. Đây cũng là cách tuyệt vời giúp bạn trở thành một người làm việc hiệu quả trong nhóm và được mọi người biết đến.

Lên tiếng có thể mang lại lợi ích cho cá nhân. Nó giúp bạn nhận ra con người thật của mình, làm nổi bật phẩm chất và xây dựng sự tự tin. Bạn có thể chứng minh cam kết của mình để đầu tư, hỗ trợ cho tổ chức và thậm chí truyền cảm hứng cho những đồng nghiệp ít lên tiếng phát biểu ý kiến.

Nghiên cứu cho thấy việc không nêu lên ý kiến của bản thân có thể gây ra bất lợi. Nếu giữ im lặng, tổ chức sẽ không được hưởng lợi từ kiến ​​thức, kinh nghiệm ​​hoặc ý tưởng của bạn. Mặc dù nói ra những điều khó khăn có thể khiến bạn gặp rắc rối nhưng im lặng cũng có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng và điều đó khiến sếp nghĩ rằng bạn chỉ là một kẻ đi theo chứ không phải là người lãnh đạo.

… Và khi nào cần phải cẩn thận

Vậy, nếu lên tiếng tốt hơn giữ im lặng, tại sao mọi người lại không làm điều đó? Một vài người cảm thấy sợ hãi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng họ sợ sẽ nhận được những phản hồi tiêu cực. Ví dụ, bạn có thể bị đánh giá là một người hay chỉ trích, xúc phạm hoặc thích tranh luận.

Mọi người cũng có thể phải chịu rủi ro khi trở thành “người tố cáo”, bao gồm bị kỷ luật hoặc mất việc. Họ cũng có thể nản lòng khi làm việc trong nền văn hoá mà việc lên tiếng bị coi là thiếu tôn trọng.

Chú thích:

Người tố cáo có thể được bảo vệ khỏi bị sa thải, kỷ luật hoặc đối xử bất công ở một số quốc gia.

Ví dụ như ở Anh, người tố giác trước hết phải “tiết lộ thông tin có chất lượng” cho người sử dụng lao động hoặc bên thứ ba để nhận được sự bảo vệ. Những thông tin cần được tiết lộ bao gồm như hành vi trái pháp luật, vi phạm nghĩa vụ pháp lý, gây hại đến sức khoẻ và an toàn cá nhân, thiệt hại cho môi trường, hoặc cố tình che giấu bất kỳ vấn đề nào trong số những vấn đề trên. (Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.)

Hãy tìm kiếm sự tư vấn pháp lý phù hợp trước khi quyết định thực hiện hành vi tố giác và làm theo những bước được thảo luận dưới đây.

Biết được khi nào nên lên tiếng…

Chọn đúng thời điểm để lên tiếng có thể rất phức tạp, dưới đây là một số ví dụ hướng dẫn có thể giúp bạn:

  • Khi quản lý hoặc đồng nghiệp của bạn đang cố gắng tìm kiếm ý tưởng và ý kiến góp ý. Hãy trở thành đồng đội của họ trong các phiên Brainstorming và thảo luận nhóm. Im lặng và không đóng góp ý kiến có thể bị coi là thiếu quan tâm hoặc lười biếng.
  • Khi nhận thức được những hành vi không thể chấp nhận đang xảy ra. Không ai đáng phải chịu sự phân biệt đối xử. Nếu bạn là người chứng kiến ​​hoặc nạn nhân của những hành vi không thể chấp nhận, hãy trình bày với quản lý hoặc bộ phận nhân sự.
  • Khi biết những hành vi bất hợp pháp đang diễn ra. Báo cáo hành vi bất hợp pháp là nghĩa vụ, đặc biệt khi bạn là người chịu trách nhiệm về các quy định và hành vi bất hợp pháp liên quan đến việc rửa tiền, hoặc bạn là nhân viên, giám đốc công ty. (Điều này phụ thuộc vào luật pháp của từng quốc gia.)

Tuy nhiên, việc lên tiếng có thể khiến bạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn và để lại hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả bị sa thải. Tìm hiểu xem liệu công ty của bạn có quy định nào về việc tố cáo hay không, nếu có, hãy làm theo, đảm bảo điều bạn nói ra là sự thật và tìm kiếm lời khuyên phù hợp. Nếu không có quy định về nó, hãy đề cập vấn đề trong phạm vi nội bộ và nếu sự việc nghiêm trọng và không có hành động nào cho thấy nó đang được giải quyết, hãy tìm kiếm lời khuyên từ bên ngoài. (Như chúng tôi đã nói ở trên, tốt nhất là bạn nên nói chuyện với luật sư.)

Mẹo:

Hãy lưu giữ hồ sơ các email liên quan và ghi chép cuộc họp tại thời điểm bạn lên tiếng để có thể tìm lại nếu cần. Bộ phận nhân sự hoặc chương trình hỗ trợ nhân viên có thể giúp bạn xử lý vấn đề phát sinh. Bạn cũng có thể tranh thủ sự hỗ trợ của đồng nghiệp đáng tin cậy hoặc đại diện công đoàn nếu phù hợp.

  • Khi đó là “điều đúng đắn nên làm”. Quyết định điều gì “đúng đắn” là ý kiến chủ quan và phụ thuộc vào hoàn cảnh. Xem xét lên tiếng khi bạn lo lắng về một thành viên trong nhóm, nhận thấy khuyết điểm của sản phẩm, lo ngại về danh tiếng của thương hiệu, bị xúc phạm bởi hành vi không phù hợp hay khi giá trị của bản thân hoặc tổ chức bị đe doạ (đặc biệt nếu bạn là nhân viên, giám đốc công ty). Khi bạn có động cơ tích cực và lo lắng về hậu quả của việc giữ im lặng, bạn sẽ tự biết khi nào cần hành động. Một lần nữa, hãy thận trọng và làm theo những bước trên.

… Và khi nào không nên

Dưới đây là một số ví dụ về những tình huống bạn nên im lặng:

  • Khi bạn đang tức giận hoặc quá cảm xúc. Phản ứng tại thời điểm này không phải là ý tưởng khôn ngoan bởi vì bạn có thể nói ra những điều khiến bản thân phải hối hận. Hãy giữ nhiệt huyết, sắp xếp lại suy nghĩ và trình bày một cách có kiểm soát khi bạn bình tĩnh lại.

Chú thích:

Thể hiện sự tức giận có thể giúp bạn trở nên mạnh mẽ khi lên tiếng, ví dụ nếu bạn muốn ngăn cản khi sự việc đi sai hướng hoặc động viên mọi người. Tuy nhiên, việc lên tiếng phải mang tính xây dựng. Hãy nhớ rằng nếu những thành viên trong nhóm cảm thấy bị đe dọa, nhục nhã hoặc phân biệt đối xử, họ có quyền khiếu nại về hành vi gây rối.

  • Nếu bạn có kế hoạch phát biểu công khai ý kiến ​​của mình. Việc đặt câu hỏi hoặc chỉ trích tổ chức, đồng nghiệp tại nơi công cộng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bạn có thể vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin (ví dụ nếu bạn là bác sĩ và luật sư) hoặc làm rò rỉ bí mật thương mại, điều này khiến bạn phải chịu kỷ luật, sa thải và những hành động khác.

Bạn cần phải cân nhắc đến nghĩa vụ và lòng trung thành của mình với tổ chức. Lên tiếng công khai không phải lúc nào cũng thích hợp, đúng đắn và trong hợp đồng lao động của bạn có thể có điều khoản ngăn chặn điều này. Đôi khi bạn phải kiềm chế và làm những việc được yêu cầu cho dù có đồng ý với nó hay không. Nếu quá khó để thực hiện điều đó, hãy dành thời gian tìm kiếm công việc khác.

Làm thế nào để lên tiếng

Biết rằng nên lên tiếng về điều gì và làm thế nào để lên tiếng là rất quan trọng, tuy nhiên nói chuyện với quản lý hay trước mặt đồng nghiệp tuỳ thuộc vào phạm vi thoải mái của mỗi người. Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp đỡ bạn. Không có chiến lược cụ thể nào phù hợp với mọi tình huống, vì vậy tốt nhất là bạn nên linh hoạt và sử dụng phán đoán của bản thân.

Chọn thời điểm

Đối với một số nền văn hoá, việc công khai phản đối ý kiến của ai đó, đặc biệt là người có thẩm quyền là không thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu được gặp riêng để đánh giá tâm trạng của anh ta/cô ta và điều chỉnh cách tiếp cận của mình cho phù hợp. Ngoài ra, hãy cân nhắc việc sử dụng văn bản để đưa ra ý kiến, việc này giúp bạn có thêm thời gian thu thập và trình bày thông tin.

Tuy nhiên người quản lý tốt sẽ mong đợi và hoan nghênh ý kiến đóng góp ​​của bạn ngay cả khi nó đi ngược lại quan điểm của họ. Hãy đưa ra ý kiến nhưng đừng lạm dụng nó. Việc lặp đi lặp lại có thể khiến người khác khó chịu và không cần thiết cũng như không giúp bạn củng cố lập luận của mình. Ngoài ra, hãy cẩn thận để không làm sếp bạn cảm thấy bối rối.

Chuẩn bị cho thực tế …

Tối đa hóa tác động bạn có thể mang lại bằng cách chuẩn bị quan điểm của mình. Đặt câu hỏi để khuyến khích sếp hoặc đồng nghiệp xem xét những điều bạn đang nói và ngăn bạn không thể hiện mình như là người “biết tất cả”.

… Hoặc nắm bắt thời điểm

Bạn có thể không có nhiều thời gian, vì vậy hãy chuẩn bị nếu gặp phải trường hợp cần nói chuyện ngẫu hứng. Hãy chú ý khi phải nhanh chóng tuỳ cơ ứng biến. Tình huống này có thể khiến cảm xúc của bạn dâng cao, khiến bạn không thể hình thành lập luận một cách rõ ràng vì vậy hãy hít thở sâu và điều chỉnh thái độ trước khi bắt đầu. Hãy chuyên nghiệp và đóng góp mang tính xây dựng để quan điểm của bạn được mọi người nhìn nhận đúng mức.

Xử lý phản hồi

Nếu bạn chuẩn bị và diễn đạt ý kiến ​​của mình một cách phù hợp, chúng có thể được nhìn nhận một cách tích cực. Ngay cả khi quản lý hoặc đồng nghiệp không chấp nhận quan điểm của bạn, họ vẫn bị ấn tượng bởi lòng dũng cảm, sự sáng tạo cũng như khả năng của bạn trong việc đón nhận quyết định của họ.

Nếu ý kiến của bạn bị nhìn nhận theo cách tiêu cực, bạn có thể lựa chọn chấp nhận những đánh giá, tình huống đó và cố gắng thích nghi hoặc tiếp tục đấu tranh nếu cảm thấy mình vẫn đủ mạnh mẽ.

Những điểm chính

Quyết định lên tiếng không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng rất đáng giá và có ích. Bằng việc đóng góp ý kiến, kinh nghiệm ​​và kiến ​​thức, bạn có thể nâng cao hiệu suất làm việc của nhóm cũng như tổ chức và nâng cao vị thế của mình.

Bày tỏ quan điểm phù hợp với tình huống là rất cần thiết. Bạn có thể gặp phải rủi ro khi phát biểu không phù hợp, đặc biệt là khi muốn đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng. Trong những tình huống này, hãy suy nghĩ thận trọng, phát huy khả năng phán đoán cũng như chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận phản hồi.

Hpo Banner