Blog

Chiến lược sáng tạo của Disney

Kết hợp trí tưởng tượng với kế hoạch

Khi nói đến kế hoạch sáng tạo, thật khó tìm ra cách thích hợp để biến suy nghĩ tưởng tượng thành chiến lược kinh doanh cụ thể. Bạn cần có ước mơ lớn để đưa ra cách giải quyết vấn đề. Đồng thời, bạn cần tập trung vào những chi tiết cần thiết để biến kế hoạch thành hành động thành công.

Cân bằng hai khía cạnh này thực sự là thách thức, nhưng bạn có thể học hỏi nó từ một người, người này không chỉ nắm vững kỹ thuật mà còn biết sử dụng nó để tạo ra một đế chế hàng tỷ đô la đi vào huyền thoại.

Khi nghe đến cái tên “Walt Disney”, suy nghĩ nào nảy ra trong đầu bạn? Đối với rất nhiều người, đó là hình ảnh chú chuột hoạt hình nổi tiếng và niềm vui mà ông đã mang lại cho hàng triệu người qua những bộ phim. Nhưng nhiều người lại cho rằng Walt Disney là một thiên tài kinh doanh sáng tạo. Xem xét một cách chặt chẽ hơn cho thấy, phần lớn thành công của ông đạt được là nhờ một cách tiếp cận cụ thể để thực hiện giấc mơ của mình.

Chiến lược sáng tạo của Disney được xây dựng bởi Robert Dilts, một chuyên gia về Lập trình Ngôn ngữ (NLP). Một trong những mục tiêu của NLP là bắt chước chiến lược tư duy của những người thành công. Dilts xác định chiến lược cụ thể này sau khi phân tích những phương pháp biến giấc mơ thành hiện thực của Disney . Ông đã mô tả chi tiết chiến lược này trong cuốn sách “Strategies of Genius: Volume One” xuất bản năm 1995.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Chiến lược sáng tạo của Disney và làm thế nào sử dụng chiến lược này để thực hiện ý tưởng.

Mục lục

Chiến lược sáng tạo của Disney

Chiến lược sáng tạo của Disney là công cụ brainstorming và phát triển ý tưởng. Nó liên quan đến việc sử dụng 3 vai trò tuần tự hay quy trình suy nghĩ, cụ thể là Mơ ước, Hiện thực và Phê phán.

Khi bạn tưởng tượng và phát triển ý tưởng, bạn chuyển từ vai trò này sang vai trò khác, tự đặt mình vào những tư duy khác nhau để phân tích tốt hơn những điều bạn đang làm.

Dưới đây chúng ta sẽ xem xét từng yếu tố:

  • Dreamer – Mơ ước: Với vai trò Dreamer trong giai đoạn đầu tiên, bạn và đội nhóm cần tập trung vào việc động não và kết hợp một cách tự do các ý tưởng. Đây là cơ hội để trí tưởng tượng phát huy!
  • Realist  – Hiện thực: Tiếp theo, bạn cần thực tế và quyết định xem liệu những ý tưởng này có khả thi, thiết thực hay không. Bạn cần làm gì để biến chúng thành hiện thực?
  • Critic  – Phê bình, chỉ trích: Ở đây, bạn cần xem xét đề xuất được chọn và thực tế của nó dựa trên quan điểm mang tính phê bình hơn. Chắc chắn bạn muốn kế hoạch của mình toàn diện nhất có thể. Vì vây, mọi chi tiết cần được xem xét và chọn lọc kỹ càng.

Có vẻ như việc lập kế hoạch đòi hỏi những người đổi mới phải đảm nhận cả ba vai trò và tuân theo thứ tự. Bạn có thể bố trí một số thành viên trong nhóm thực hiện một vai trò nào đó nhưng cần cân bằng quá trình sao cho tất cả vai trò đều được sử dụng. Không dành đủ thời gian và nguồn lực vào giai đoạn Phê phán, chỉ trích có nghĩa bạn đưa ra đề xuất không thực tế, dẫn đến thất bại. Tương tự, nếu bỏ qua giai đoạn Mơ ước, kế hoạch có thể thiếu đi sự tưởng tượng cần thiết để quá trình đổi mới thực sự diễn ra.

Kế hoạch chỉ thực sự thành công khi bạn thực hiện cả ba vai trò theo thứ tự chính xác.

Làm thế nào để sử dụng công cụ 

Vậy, làm thế nào để sử dụng Chiến lược sáng tạo của Disney?

Bước 1: Tạo không gian

Nếu có không gian, sử dụng phòng hoặc không gian khác trong phòng cho mỗi giai đoạn khá hữu ích. Điều này giúp bạn và đội nhóm chuyển đổi tư duy và chuyển sang từng vai trò khác nhau. Và quan trọng khi ai đó phụ trách tư liệu từng giai đoạn.

Bước 2: Bước vào vai trò Mơ ước

Khi tập hợp nhóm, đảm bảo mọi người biết rõ bạn đang bắt đầu với vai trò Dreamer. Mỗi người nên cảm thấy thoải mái khi brainstorming và chia sẻ ý tưởng trong khoảng thời gian này. Đừng đưa ra bất kỳ giới hạn nào. Tránh đề cập đến vấn đề ngân sách, khung thời gian hoặc quy tắc. Nếu bạn và đội nhóm có thể làm mọi thứ với dự án này, bạn muốn làm điều gì nhất? Ý tưởng nào thực sự kích thích bạn?

Bước 3: Chuyển sang vai trò Hiện thực

Khi mọi người đã có nhiều thời gian động não về các ý tưởng, đã đến lúc chuyển sang vai trò Hiện thực.

Trong giai đoạn này, bạn cần tinh chỉnh và điều chỉnh ý tưởng cụ thể hơn. Đây là lúc nhóm cần tập trung vào hành động: lên kế hoạch, lịch trình và đánh giá những ý tưởng triển vọng nhất.

Bước 4: Chuyển sang vai trò Phê phán, chỉ trích

Trong giai đoạn cuối cùng này, bạn và đội nhóm xem xét ý tưởng từ quan điểm phê phán. Bạn cần đặt câu hỏi và kiểm tra từng bước quy trình, giả định mình là “người phản đối” và cố gắng tìm ra sai sót với bất kỳ đề xuất nào. Mục tiêu là phê phán và tinh chỉnh kế hoạch cho đến khi đạt được kết quả tốt nhất.

Đảm bảo bạn dành đủ thời gian ở mỗi giai đoạn để phát triển ý tưởng đầy đủ. Chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác quá nhanh có thể làm giảm trí tưởng tượng của mọi người.

Mẹo:

Trong giai đoạn Phê phán, bạn và đội nhóm cần nhớ tập trung kế hoạch, thay vì người nghĩ ra ý tưởng. Điều này rất quan trọng.

Ví dụ: Biến chiến lược sáng tạo của Disney thành hành động

Nam làm việc trong một tổ chức còn non trẻ. Sau 5 năm kể từ khi thành lập, công ty đã phát triển nhanh chóng và hiện có khoảng 100 nhân viên.

Tuy nhiên, anh nhận ra công ty không có hệ thống tại chỗ cho phép mọi người chia sẻ bí quyết, hiểu biết của mình. Nam muốn giới thiệu kỹ năng quản lý tri thức cho mọi người vì anh tin rằng điều này có thể làm tăng doanh thu và lợi nhuận công ty trong dài hạn. Anh cần tạo lập và hoàn thiện một hệ thống thân thiện với người dùng để chia sẻ và truyền bá những hiểu biết này.

Nam quyết định thử nghiệm chiến lược sáng tạo của Disney với nhóm mình, từ đó tạo ra một hệ thống phù hợp với mọi người. Nhận được sự đồng thuận của sếp, anh có quyền sử dụng ba phòng hội nghị khác nhau để thực hiện việc này.

Nam giải thích với nhóm cấu trúc cuộc họp một cách chính xác. Đầu tiên, nhóm bước vào vai trò Mơ ước. Nam có trách nhiệm như người điều hành ghi lại ý tưởng và hướng dẫn quá trình thảo luận. Anh viết ra tất cả gợi ý và khuyến khích mọi người tham gia. Giai đoạn này không có ý tưởng nào quá xa vời hoặc không thực tế và nhóm thực sự cảm thấy phấn khích khi được nói lên mọi ý tưởng của mình.

Sau 15 phút nghỉ ngơi, nhóm chuyển sang căn phòng tiếp theo, nơi họ được hướng dẫn để bước vào vai trò Hiện thực. Đã đến lúc cân nhắc liệu ý tưởng mà họ đưa ra trong giai đoạn đầu có thực tế hay không. Bao gồm: Thiết lập mạng nội bộ mới để lưu trữ những thông tin có liên quan; Kết hợp “ăn trưa và học hỏi”; Bổ nhiệm người đứng đầu về mảng kiến thức, người này sẽ dành thời gian thảo luận, xác định kiến ​​thức nào nên được chia sẻ; Tạo ra hệ thống nhóm chéo chia sẻ kiến thức.

Bốn đề xuất trên được xem là chắc chắn và thiết thực nhất. Sau khi xác định, nhóm lập kế hoạch sơ bộ để thực hiện từng ý tưởng. Tại thời điểm này, họ quyết định loại bỏ ý tưởng bổ nhiệm người đứng đầu về mảng kiến thức vì tốn kém và phụ thuộc quá nhiều vào một người thay vì nỗ lực của một tập thể. Kế hoạch triển khai từng bước được được đưa ra cho ba ý tưởng còn lại.

Nam cho nhóm nghỉ 15 phút và sau đó di chuyển đến phòng họp thứ ba đảm nhận vai trò Phê phán. Tại đây, anh và cả nhóm xem xét từng kế hoạch theo quan điểm của người đứng ngoài cuộc với thái độ hoài nghi. Mỗi bước cần được phân tích, chọn lọc và tinh chỉnh.

Vì vậy, Nam và đội nhóm đưa ra được một kế hoạch vững chắc, được cân nhắc kỹ lưỡng

Mẹo:

Các bước trên tương tự với một số cách tiếp cận giải quyết vấn đề sáng tạo. Tham khảo bài viết Giới thiệu về giải quyết vấn đề, Quy trình Simplex Sáu chiếc mũ tư duy.

Những điểm chính

Cân bằng các vai trò Mơ ước, Hiện thực và Phê phán có thể thách thức với đội nhóm. Cả 3 yếu tố đều rất cần thiết cho kế hoạch dự án thành công nhưng cần được thực hiện theo đúng thứ tự. Nhóm có thể dễ dàng gặp phải sai lầm khi cố gắng đảm nhận cả 3 vai trò cùng một lúc.

Bằng việc sử dụng Chiến lược sáng tạo của Disney, bạn có thể tách bạch những vai trò này và dành thời gian cho mỗi giai đoạn.

Hpo Banner