Blog

Chiến lược Đa dạng hóa trong kinh doanh

Giảm rủi ro kinh doanh và mở rộng quy mô thị trường.

Đối với nhiều người, đa dạng hóa nghĩa là tăng doanh thu.

Hầu như mỗi ngày, khi thời điểm tốt, đều có tin tức về việc một công ty mua lại công ty khác.

Một số tổ chức lớn trên thế giới như GE, Honeywell và Siemens – điều hành một loạt doanh nghiệp đa dạng ngành nghề kinh doanh ở nhiều quốc gia khác nhau.

Đối với một số khác, đa dạng hoá nghĩa là giảm rủi ro. Nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình để nếu lỗ trong một lĩnh vực thì sẽ không vướng phải thảm hoạ tài chính. Và một trong những lý do khiến người nông dân đa dạng hoá cây trồng là thời điểm thu hoạch khác nhau sẽ làm giảm khả năng thời tiết xấu phá huỷ công sức cả năm.

Một số tập đoàn sử dụng đa dạng hóa làm chiến lược giảm rủi ro vì nó có thể khiến lợi nhuận của công ty ít bị tổn thương trước những thay đổi của một ngành cụ thể. Ví dụ, khi giá năng lượng tăng, chi phí của nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng. Nếu công việc kinh doanh chính của bạn là vận tải/ giao hàng thì theo suy nghĩ này, công ty có thể muốn mua lại một công ty trong ngành dầu khí – điều này có thể giúp bảo vệ lợi nhuận tổng thể.

Tuy đa dạng hóa là một chiến lược có thể giảm thiểu rủi ro nhưng nó cũng có thể gây ra những rủi ro mới đáng kể vì đưa tập đoàn ra khỏi năng lực cốt lõi của nó.

Bài viết này nhằm tìm hiểu về đa dạng hóa, những loại hình đa dạng khác nhau và lý do tại sao các công ty và nhà đầu tư đa dạng hóa ngay từ đầu.

Mục lục

Đa dạng hoá là gì?

Nhìn từ một góc độ, đa dạng hoá có nghĩa là nhóm một loạt các khoản đầu tư hoặc đơn vị kinh doanh lại với nhau để hạn chế tổn thất tổng thể nếu một ngành công nghiệp, khu vực hoặc kinh doanh cụ thể gặp khó khăn.

Nhìn từ góc độ khác, đa dạng hóa là một công ty bước chân vào ngành kinh doanh nằm ngoài khu vực nó đang hoạt động hiện tại.

Thật không may, điều này có nghĩa là công ty chuyển sang lĩnh vực bị giới hạn về chuyên môn. Đây thường là một nỗ lực có rủi ro cao và cần được chú ý nhiều.

Có bốn loại đa dạng hoá chính:

1. Đa dạng hóa đồng tâm

Ở đây, chiếc lược kinh doanh mới liên quan đến ngành hiện tại, công ty mẹ có thể sử dụng công nghệ và năng lực của mình đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh mới. Ví dụ, Coca-Cola đã sử dụng đa dạng hoá đồng tâm khi tung ra dòng nước giải khát đóng chai. Tuy nhiên, mặc dù sản phẩm sử dụng công nghệ liên quan nhưng cách tiếp thị lại khác nhau.

Bạn cũng có thể sử dụng năng lực hoạt động để đạt được đa dạng hóa đồng tâm. Ví dụ, nếu công ty có hệ thống bán hàng và phân phối xuất sắc thì việc sản xuất thêm sản phẩm mới là một cách hay để tận dụng năng lực hiện có và theo đuổi chiến lược tăng trưởng.

Điều quan trọng cần phải nhớ là ngay cả khi hai doanh nghiệp có nhiều điểm chung thì vẫn tồn tại điểm khác biệt, đòi hỏi phát triển kỹ năng và kiến thức mới để hoạt động kinh doanh mới vận hành hiệu quả.

2. Đa dạng hóa theo chiều ngang

Với loại đa dạng hóa này, việc kinh doanh mới cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ không liên quan đến lĩnh vực chính của tổ chức nhưng có cùng cơ sở khách hàng. Thường được xem là kinh doanh song song.

Các siêu thị lớn thường sử dụng đa dạng hóa theo chiều ngang rất hiệu quả, khi họ không chỉ cung cấp thực phẩm mà còn hàng tiêu dùng gia đình, những thiết bị nhỏ, quần áo, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ điện thoại …. Những doanh nghiệp này rất giỏi trong việc đưa người tiêu dùng vào cửa hàng của mình, nơi sau đó họ có thể bạn một dòng sản phẩm đa dạng.

3. Đa dạng hoá và tích hợp theo chiều dọc

Ở đây, toàn bộ mạng lưới kinh doanh – từ việc mua nguyên vật liệu thô đến việc bán thành phẩm – có thể được liên kết trong cùng công ty mẹ. Những loại hình cụ thể của chiến lược đa dạng hóa hội nhập kết hợp gồm:

Đa dạng hóa sản phẩm phụ – Công ty mẹ bán phụ phẩm cho các công ty khác. Một nhà máy sản xuất tạo ra một lượng lớn nhựa, kim loại, và phế thải các tông có thể chọn nhập vào doanh nghiệp tái chế và bán các sản phẩm phụ này. Sau đó họ có thể bắt đầu một cơ sở tái chế kim loại, lần lượt bán các sản phẩm của họ cho các công ty cần kim loại tái chế. Các công ty tiêu dùng này thậm chí có thể bao gồm cả công ty sản xuất mẹ.

Đa dạng hoá liên kết – Doanh nghiệp theo đuổi chuỗi hoạt động từ bất cứ hướng nào có thể. Giả sử một công ty sản xuất kem đánh răng có ý tưởng mới về cách đóng gói sản phẩm của mình. Họ phát hiện ra rằng không nhà cung cấp nào có thể đáp ứng chính xác những điều họ muốn, vì vậy họ bắt đầu xây dựng công ty nhựa và tự cung cấp những thứ họ cần. Để sử dụng công suất dư thừa của nhà máy nhựa, họ bắt đầu sản xuất những sản phẩm bằng nhựa khác. Họ mua lại một công ty vận chuyển để đáp ứng nhu cầu tạo ra dòng chảy hiệu quả cho nguyên liệu. Áp lực môi trường trong ngành công nghiệp nhựa dẫn đến việc tạo lập cơ sở nghiên cứu phát triển những loại nhựa mới. Cuối cùng công ty đầu tư vào hoạt động tái chế nhựa. Tất cả đều đến từ kem đánh răng!

4. Đa dạng hóa tập đoàn

Với loại đa dạng hóa này, việc kinh doanh mới hoàn toàn không liên quan đến công ty mẹ và việc mua lại không dựa vào bất kỳ yếu tố công nghệ hay năng lực khác nào. Lý do phổ biến nhất để thực hiện chiến lược này là giảm nguy cơ, tăng lợi nhuận tổng thể, tiếp cận nguồn vốn mới, thu hút khách hàng mới hoặc trở thành lực lượng lớn hơn trên thị trường.

Nhiều nhà đầu tư phản đối đa dạng hóa doanh nghiệp, được thực hiện trên cơ sở rủi ro. Những người này tin rằng nhà đầu tư – chứ không phải doanh nghiệp – chịu trách nhiệm cho sự đa dạng hóa của họ và họ có thể làm điều đó bằng cách đầu tư vào nhiều ngành kinh doanh và công nghiệp.

Họ lập luận rằng các tập đoàn nên tập trung vào việc tối đa hóa giá trị của cổ đông bằng cách sử dụng tài sản hiện tại và năng lực cốt lõi của họ – tức là tiếp tục làm những việc thường làm từ trước đến nay. Rời xa khỏi năng lực cốt lõi có thể dẫn đến sai lầm, rủi ro không đáng có cho lợi tức của cổ đông.

Những điểm chính

Đa dạng hóa có thể giúp bạn giảm thiểu rủi ro trong hoạt động hiện tại nhưng vẫn tồn tại những rủi ro riêng.

Chiến lược này có thể được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng công ty lớn hơn và tạo ra lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, nhiều tổ chức bị tổn hại vì tiến hành đa dạng hóa mà không tìm hiểu đầy đủ về rủi ro và hậu quả của nó. Trước khi áp dụng bất cứ chiến lược đa dạng hóa nào, hãy đảm bảo rằng bạn hoàn toàn hiểu rõ về mong đợi của mình và đánh giá rủi ro một cách trung thực.

Hpo Banner