Blog

Cách quản lý doanh nghiệp dựa trên Giá trị

Hãy suy nghĩ về giá trị lâu dài – thay vì lợi nhuận ngắn hạn.

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 chứng kiến hai cuộc suy thoái kinh tế và những thất bại của các công ty.

Điều này khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải tìm hiểu xem làm thế nào dẫn dắt tổ chức họ vượt qua những thời điểm khó khăn này một cách hiệu quả để tiếp tục thành công.

Nhưng “thành công” thực sự là gì? Là có lợi nhuận cao, trả cổ tức cao cho cổ đông? Hay là hiệu quả hơn, xây dựng một cấu trúc tổ chức bền vững có thể tồn tại trong những thời điểm khó khăn?

Nếu chiến lược thành công của bạn chủ yếu dựa trên lợi nhuận. Ví dụ: bạn có thể tăng giá để tăng lợi nhuận hoặc bạn có thể cắt giảm chi phí đáng kể và tăng thu nhập hàng quý để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể ảnh hưởng đến thị phần và khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng thu hút và giữ chân nhân tài.

Bạn không muốn bỏ qua mục tiêu ngắn hạn, nhưng hy sinh lợi ích lâu dài để đổi lấy lợi nhuận ngắn hạn không phải là một chiến lược bền vững. Nếu bạn muốn xây dựng và tối đa hóa khả năng sinh lời lâu dài. Một cách để thực hiện điều này là sử dụng mô hình Quản lý dựa trên Giá trị (Value-Based Management – VBM).

Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét các ý tưởng đằng sau VBM và nêu bật các chiến lược mà bạn có thể áp dụng để tăng giá trị tổng thể cho tổ chức. Chúng tôi cũng sẽ xác định những hạn chế của VBM và xem xét các tình huống mà VBM có thể không phù hợp.

Chú thích:

Bài viết này tập trung vào việc áp dụng quản lý giá trị trong bối cảnh tổ chức. Nhưng bạn cũng có thể áp dụng các ý tưởng đằng sau nó cho một bộ phận hoặc nhóm nhỏ, nếu điều này phù hợp với mục tiêu chung của tổ chức.

Mục lục

Nguyên tắc Quản lý Giá trị

Trong cách tiếp cận Quản lý dựa trên Giá trị (Value-Based Management – VBM), mục tiêu tổng thể của bạn là tối đa hóa giá trị của tổ chức. Có nghĩa, những quyết định mà bạn đưa ra ngày hôm nay không chỉ đơn giản là vì lợi nhuận ngắn hạn. Thay vào đó, bạn xem xét ảnh hưởng lâu dài của nó tới sự bền vững và lợi nhuận dài hạn của tổ chức, được phản ánh qua dòng tiền mặt trong tương lai.

VBM yêu cầu mọi người trong một công ty suy nghĩ giống như chủ sở hữu và đưa ra các quyết định đem lại lợi ích lâu dài cho tổ chức. Các nhà quản lý và ban điều hành phải liên tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư và phát triển, nhằm tạo ra giá trị và sử dụng vốn của công ty theo cách đảm bảo thành công lâu dài.

Nguyên tắc cơ bản của VBM là niềm tin vào dòng tiền và sự tăng trưởng trong tương lai – đây chính là nguồn gốc giá trị của một công ty. Nguyên tắc này có thể sẽ gặp khó khăn, đặc biệt khi có áp lực đáng kể từ các nhà đầu tư ngắn hạn.

VBM vừa là triết học vừa là phương pháp luận. Nó chỉ ra rằng các quyết định mà bạn đưa ra trên cơ sở hàng ngày đều góp phần vào giá trị dài hạn của tổ chức. Do đó, VBM phải được đẩy mạnh trong toàn tổ chức; không chỉ trong phòng họp. Mọi người ở mọi cấp bậc phải tham gia vào việc thúc đẩy giá trị tổng thể.

Điểm yếu của VBM

Mặc dù cách tiếp cận VBM có thể tăng giá trị cho tổ chức, nhưng điều quan trọng cần nhớ là nó không phù hợp trong mọi tình huống. Bởi nó hướng tới một viễn cảnh dài hạn, ở đó bạn phải dựa vào dự báo và giả định về những gì sẽ (và sẽ không) đóng góp vào giá trị của tổ chức.

Ví dụ, mặc dù có thể bạn chắc chắn rằng nâng cấp hệ thống phấn mềm quản trị nhằm nâng cao hiệu quả sẽ tạo ra giá trị, nhưng thật khó để tiên đoán liệu hiệu quả của công nghệ mới có tiềm năng tăng thị phần đáng kể hay không? (trong khi việc triển khai sẽ gây ra gián đoạn cho dịch vụ của bạn).

Ngoài ra, VBM có thể không phù hợp với các công ty đã sử dụng thành công một mô hình kinh doanh đặc biệt trong một thời gian dài. Việc tạo ra giá trị tổ chức mới lúc này phải đảm bảo các dự án mà bạn thực hiện không làm giảm giá trị những công việc mà bạn đã làm thành công trước đó.

Tóm lại, điều quan trọng là bạn cần tiếp cận mô hình VBM với phạm vi và quan điểm phù hợp với sứ mệnh và mục đích chung của tổ chức.

Chú thích:

Huyền thoại lãnh đạo Jack Welch, người ủng hộ mạnh mẽ việc tối đa hóa giá trị của một tổ chức, từng phát ngôn trong một cuộc phỏng vấn năm 2009: “Trên hết, theo đuổi giá trị của cổ đông là ý tưởng tồi tệ nhất trên thế giới.” Tuy nhiên, tiêu đề giật gân này chưa phản ánh hết toàn bộ ý kiến của ông, Welch tiếp tục nói: “Giá trị của cổ đông là kết quả, không phải là một chiến lược …”

Quan điểm của Welch là bạn không thể nói với mọi người rằng chiến lược của bạn là tối đa hóa giá trị tổ chức. Điều này chưa đủ để kích thích hay thúc đẩy mọi người. Ông tin rằng để cung cấp giá trị, bạn phải thực hiện các chiến lược thành công và VBM có thể là một phần của việc thực hiện.

Thực hiện Quản lý dựa trên Giá trị

Chưa có một quy trình chuẩn nào để giới thiệu VBM cho tổ chức của bạn. Bởi vì như chúng tôi đã nói, đây là một triết lý kinh doanh, một cách tư duy trong tổ chức. Tuy nhiên, bạn có thể khởi động và duy trì cuộc hành trình tạo giá trị qua bốn giai đoạn chính để tạo nên sự thành công:

  1. Hiểu giá trị của bạn đến từ đâu?
  2. Phát triển một chiến lược để tối đa hóa giá trị.
  3. Thiết lập mục tiêu về hiệu suất ngắn và dài hạn.
  4. Xây dựng các chỉ số đo lường dựa trên giá trị.

Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết dưới đây.

1. Hiểu giá trị của bạn đến từ đâu?

Để tạo ra và tối đa hóa giá trị, bạn cần hiểu nguồn gốc của nó. Hãy bắt đầu bằng cách xem xét tất cả các cách mà bạn đầu tư nguồn lực vào tổ chức. Sau đó đánh giá giá trị của các tài nguyên đó. Ví dụ, trước khi thực hiện các khoản đầu tư vốn, hãy phân tích tài chính một cách kỹ lưỡng về dòng tiền trong tương lai và tự hỏi bản thân xem làm thế nào để những đầu tư này đem lại lợi ích lâu dài cho cổ đông.

  • Bạn có thể sử dụng phân tích chuỗi giá trị để xác định và đo lường các khu vực chính trong công ty, nơi bạn có thể tối đa hóa tổng giá trị.
  • Trả lời câu hỏi: Làm thế nào để cung cấp dịch vụ tốt hơn?
  • Bạn có thể trở nên hiệu quả hơn ở đâu và tạo ra lợi tức lớn hơn cho khoản đầu tư của mình?
  • Làm thế nào bạn có thể sử dụng tài nguyên (con người và vốn) để tạo ra nhiều giá trị nhất?

2. Xây dựng Chiến lược tối đa hóa giá trị

Tư duy giá trị rất quan trọng đối với một chương trình VBM thành công. Khi xây dựng một chiến lược VBM, hãy làm như sau:

  • Đánh giá xem làm thế nào bạn xác định được tổng giá trị của từng chiến lược mà bạn đang cân nhắc. Chú ý tới những giả định ảnh hưởng tới giá trị của tổ chức và sử dụng chúng để phân tích các lựa chọn chiến lược khác.
  • Cân bằng giá trị của mỗi lựa chọn chiến lược. (Phân tích dự án thông thường, Phân tích cây quyết định, Ma trận Phân tích Quyết định và Quá trình phân tích cấp bậc có thể hữu ích cho việc này).
  • Xác định các nguồn lực (đầu tư) cần thiết cho mỗi chiến lược. Xem xét cam kết kết quả tài chính cũng như phi tài chính.
  • Phân tích giá trị mong đợi được trả về, so sánh thế nào với đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể muốn cung cấp thêm giá trị cho khách hàng và cổ đông nhiều hơn đối thủ cạnh tranh.
  • Xem xét các lựa chọn thay thế về tính hiệu quả trong việc cạnh tranh và làm thế nào đưa chúng vào ngành kinh doanh. Đây là những yếu tố quan trọng của giá trị tổng thể.

3. Thiết lập mục tiêu dài hạn và ngắn hạn

Khi bạn bắt đầu một chiến lược VBM, hãy thiết lập mục tiêu hiệu suất để đảm bảo mọi người trong tổ chức hoạt động theo hướng đạt được mục tiêu chung đó. Đây là cách mà văn hóa VBM lan rộng. Khi mỗi người chịu trách nhiệm về các kết quả dựa trên giá trị, cuối cùng ý tưởng về giá trị tổ chức sẽ trở thành “giá trị chia sẻ” trong toàn công ty.

Để thúc đẩy ý tưởng này, hãy truyền thông mối quan hệ giữa mục tiêu hoạt động với giá trị tổ chức. Tạo mối liên kết trực tiếp giữa kế hoạch 10 năm, kế hoạch 3 năm và kế hoạch 1 năm. Khi bạn liên kết hiệu suất và kết quả một cách rõ ràng, mọi người sẽ dễ hiểu hơn. Quản lý Theo Mục tiêu là một hệ thống hữu ích để thực hiện việc này rõ ràng.

Bạn cũng cần có kế hoạch hành động để mọi người tuân theo. Kế hoạch này chia nhỏ chiến lược thành các bước hành động nhỏ hơn để đạt được mục tiêu nâng cao giá trị của tổ chức. Giá trị là một mục tiêu không dễ dàng để đo lường, vì vậy kế hoạch hành động cần tạo ra cấu trúc theo ngày để VBM có thể thành công.

4. Xây dựng các chỉ số đo lường hiệu suất dựa vào giá trị

Đảm bảo hệ thống quản lý hiệu suất của bạn củng cố mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa giá trị tổ chức. “Khi một cái gì đó được đo lường, nhiều khả năng nó sẽ được thực hiện.” Do đó, bạn cần xây dựng chỉ số hiệu suất cụ thể, từ đó thúc đẩy và khuyến khích mọi người làm việc hướng tới chiến lược dựa trên giá trị. Một lần nữa, điều quan trọng là liên kết kết quả của mọi người với chiến lược lâu dài – và truyền đạt rõ ràng mối liên kết này.

Hãy nhớ các nguyên tắc dưới đây:

  • Nhìn nhận rộng hơn thay vì chỉ đo lường hiệu suất tài chính.
  • Đảm bảo những người có trách nhiệm giải trình có ảnh hưởng tới các chỉ số đo lường được thiết lập. Mọi người phải thấy được nỗ lực của họ tác động trực tiếp tới mục tiêu như thế nào.
  • Xây dựng hệ thống cảnh báo khi bạn không tạo ra giá trị, nhờ đó bạn có thời gian thay đổi trước khi khách hàng và các cổ đông phản ứng tiêu cực.
  • Xây dựng hệ thống đãi ngộ có liên quan đến giá trị được tạo ra. Bằng cách thưởng cho các hoạt động dựa trên giá trị, bạn sẽ thúc đẩy được những hoạt động đó.
  • Phân bổ các chỉ số đo lường hiệu suất dựa trên giá trị cho tất cả các cấp trong tổ chức.

Những điểm chính

Quản lý dựa trên giá trị (Value-based management – VBM) là một triết lý kinh doanh, một loại tư duy – coi giá trị của một tổ chức là thước đo thành công cuối cùng.

VBM thành công phụ thuộc vào kế hoạch chiến lược có hiệu quả cao, được hỗ trợ bởi một hệ thống quản lý hiệu suất hiệu quả và văn hoá giá trị của tổ chức.

Áp dụng VBM có hiệu quả tạo ra một chu trình tăng nhận thức và công nhận các yếu tố tạo ra lợi nhuận lâu dài và bền vững. Với sự tin tưởng của nhà đầu tư, công ty bạn có thể vượt qua các giai đoạn suy thoái của thị trường.

Tuy nhiên, VBM không phù hợp với mọi tình huống và tổ chức. Nếu bạn áp dụng bất kỳ chiến lược hoặc ý tưởng nào với VBM, hãy đảm bảo nó phù hợp với mục đích và mục tiêu của tổ chức.

Áp dụng 

Hãy nghĩ xem điều gì đang thúc đẩy và cản trở giá trị lâu dài cho tổ chức của bạn?

  • Lập danh sách những việc bạn đang làm để tạo thêm giá trị – ví dụ như đầu tư vốn vào các dự án nhằm cải thiện sự hài lòng của khách hàng.
  • Lập danh sách các hành động và quyết định có khả năng làm giảm giá trị dài hạn. Ví dụ, cắt giảm ngân sách có thể tiết kiệm tiền trong ngắn hạn, nhưng nó có thể làm giảm năng suất và do đó làm hỏng khả năng thu hút và giữ chân nhân tài của tổ chức trong tương lai.
  • Thảo luận với đội nhóm về những điều bạn sẽ làm để tạo thêm giá trị và tại sao?
Hpo Banner