Blog

6 yếu tố xây dựng Tinh thần Hợp tác trong đội nhóm

Đội nhóm của bạn đã từng có tình trạng dưới đây chưa?

  • Mỗi người làm theo một phách,
  • Quy kết trách nhiệm, người này đổ lỗi cho người kia,
  • Thậm chí, tranh cãi và xung đột xảy ra trong các cuộc họp,

Đây chính là biểu hiện của đội nhóm thiếu tinh thần hợp tác. Khi các thành viên không sẵn sàng hợp tác, các vấn đề sẽ không được giải quyết triệt để, hiệu suất của đội nhóm sớm muộn sẽ sụt giảm.

Tinh thần Hợp tác: Một bài toán cũ rích, nhưng không giải được?

Bài viết này chia sẻ 6 yếu tố giúp bạn xây dựng tinh thần hợp tác để nâng cao hiệu suất làm việc của đội nhóm. Bao gồm:

Mục lục

1. Lý do Hợp tác – Mục đích chung

Bạn muốn nhân viên hành động mạnh mẽ? Hãy cho họ một lý do đủ lớn!

Việc đầu tiên bạn cần làm, khi muốn tăng cường sự hợp tác trong đội nhóm, là tạo ra một mục tiêu chung thách thức và truyền cảm hứng.

Thứ nhất, không có một mục tiêu chung, các thành viên trong nhóm sẽ không thể sắp xếp những nỗ lực ưu tiên của họ theo cùng một hướng. Nếu mỗi người đi mỗi hướng khác nhau, đương nhiên họ sẽ không hợp tác.

Thứ hai, mục đích hoặc mục tiêu chung cần đủ lớn và truyền cảm hứng. Bởi vì các thành viên muốn đóng góp sức mình để tạo ra một điều gì đó thực sự khác biệt. Đến mức họ sẵn sàng đặt cái tôi của mình xuống dưới, xóa bỏ những xung đột vụn vặt, để bắt tay nhau chinh phục mục tiêu đó.

2. Cấu trúc Hợp tác – Vai trò rõ ràng

OK. Tôi muốn hợp tác để cùng chinh phục mục tiêu chung. Nhưng tôi cần làm gì để đóng góp sức mình vào đó? Hoặc khi gặp vấn đề, tôi cần tìm ai để phối hợp cùng giải quyết?

Đây là yếu tố số 2: Cấu trúc Hợp tác trong đội nhóm. Mỗi thành viên cần biết rõ vai trò của mình là gì? Và vai trò của đồng đội là gì?

Hãy hình dung, nhóm của bạn tham gia cuộc đua thuyền trên sông và mục tiêu truyền cảm hứng là trở thành đội vô địch. Vậy thì những ai là người chèo bên mạn trái? ai là người chèo bên mạn phải? Và ai là người đánh trống gõ nhịp chèo? Nếu không biết rõ các vai trò này, hay không biết mình ngồi ở vị trí số mấy, thì khi cả đội phi lên thuyền sẽ trở thành một mớ lộn xộn.

Xác định rõ vai trò, phân công nhiệm vụ và thiết lập mục tiêu cho từng cá nhân là bài toán cần giải lúc này. Lưu ý: nhiệm vụ hay mục tiêu cá nhân phải đóng góp vào mục tiêu chung của đội nhóm.

3. Phương pháp Hợp tác – Quy trình hiệu quả

Câu hỏi tiếp theo là: Các thành viên trong đội nhóm phối hợp với nhau như thế nào?

Một bức tranh nữa với đội đua thuyền, khi còi lệnh bắt đầu, mọi người ồ ạt phi lên thuyền, người phụ trách chèo thuyền thì nấy chèo lấy chèo để, người gõ nhịp thì đánh trống ầm ầm loạn xạ. Thuyền của bạn sẽ quay vòng vòng.

Thay vào đó, bạn có một quy trình chặt chẽ, khi còi lệnh bắt đầu:

  • Người ngồi trước lên thuyền trước, người ngồi sau lên sau, lần lượt và nhanh chóng.
  • Người gõ nhịp đánh trống và người chèo thuyền theo theo nhịp trống đó.

Ví dụ này, cho bạn thấy vai trò của quy trình hoặc bản kế hoạch công việc, hướng dẫn các thành viên tuần tự làm từng việc và ai làm trước, ai làm sau, phối hợp nhịp nhàng.

4. Môi trường Hợp tác – Mối quan hệ bền vững

Thực tế, rất nhiều đội nhóm có mục tiêu chung, có vai trò của từng thành viên và quy trình rõ ràng. Hội tụ đủ 3 yếu tố nêu trên, nhưng các thành viên vẫn chưa thể hợp tác tốt. Tại sao vậy?

Nếu các yếu tố từ 1 – 3 là các yếu tố kỹ thuật, thì các yếu tố từ 4 – 6 là các yếu tố về con người.

Con người cũng là một cỗ máy, nhưng khác ở chỗ: Con người có CẢM XÚC. Bạn đã bao giờ nghe thấy lời phàn nàn như này:

“Nhìn cái bản mặt đã thấy ghét. Em không muốn làm việc với nó!”

Cảm xúc (yêu/ghét) chi phối chất lượng mối quan hệ và dẫn đến chi phối sự hợp tác trong đội nhóm. Bạn càng xây dựng được một môi trường làm việc gắn kết, các thành viên quan hệ với nhau càng tích cực và bền vững, thì tinh thần hợp tác càng cao.

5. Phương tiện Hợp tác – Giao tiếp hiệu quả

Đã đến lúc sẵn sàng để hợp tác, và phương tiện để các thành viên phối hợp công việc chính là “giao tiếp” với nhau. Nhưng giao tiếp lại là một bài toán lớn, khi giao tiếp không hiệu quả:

  • Bạn nói nhân viên làm việc A,
  • Nhân viên lại hiểu là việc B,
  • Đến khi thực hiện, có khi lại làm việc C.

Sai lệch dẫn đến vấn đề và tranh cãi, xung đột xảy ra sau đó (Đổ lỗi tại anh, tại tôi). Nhiều lần xung đột dẫn đến mâu thuẫn cá nhân, tiếp đến, mâu thuẫn cá nhân dẫn tới nói xấu và buôn chuyện lan truyền tiếng xấu ấy. Tất cả phá hủy các mối quan hệ gắn kết trong đội nhóm. Tinh thần hợp tác dần biến mất.

Vì vậy, đảm bảo các thành viên trong đội nhóm biết cách giao tiếp hiệu quả, thì mới mong có được sự hợp tác chặt chẽ.

6. Linh hồn Hợp tác – Lãnh đạo tin cậy

Thực tế trong công việc, mâu thuẫn và xung đột luôn xảy ra, mặt phải của xung đột chính là động lực cho sự phát triển. Nhưng đội nhóm chỉ phát triển khi mâu thuẫn và xung đột đó được giải quyết.

  • Với xung đột nhỏ, có thể các thành viên sẽ tự giải quyết với nhau (nếu biết cách).
  • Nhưng các xung đột lớn, sẽ cần bạn đứng ra giải quyết.

Lúc này, bạn có thực sự là người đáng tin cậy trong mắt của nhân viên? Không phải lúc nào chúng ta cũng có được giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên (win – win). Các thành viên nghe theo phương án giải quyết của bạn, đôi khi, chỉ vì họ tin tưởng bạn.

Cuối cùng,

Hợp tác là yếu tố quan trọng giúp đội nhóm đạt mức hiệu suất cao. Nhưng để xây dựng tinh thần hợp tác trong đội nhóm, là một cuộc hành trình. 6 yếu tố trong bài viết này là khung chỉ dẫn giúp bạn từng bước kiến tạo tinh thần hợp tác cho đội nhóm hiệu suất cao.

Hpo Banner