Blog

4 Bước để Trở thành một nhà Lãnh đạo truyền Cảm hứng

Điều gì sẽ xảy ra, nếu bạn có thể truyền cảm hứng cho đội nhóm của mình, khiến họ hừng hực khí thế chinh phục mọi mục tiêu?

Hãy thử liệt kê các lợi ích. Bạn sẽ rất ngạc nhiên về số lượng lợi ích mà bạn nhận được!

Bây giờ,

Chúng ta sẽ cùng nhau đi vào phân tích một phong cách lãnh đạo có thể nói là rất khác biệt. Đó chính là phong cách Lãnh đạo Chuyển đổi.

Để dễ dàng hơn chúng ta sẽ cùng nhau xem xét ví dụ sau:

Lan là trưởng phòng kinh doanh, cô ấy đang quản lý một đội nhóm gồm 10 thành viên. Gượm đã, vậy thì có gì đặc biệt ở đây?

  • Điều đặc biệt là đội nhóm của Lan luôn đạt được doanh số “khủng” nhất công ty. Đặc biệt hơn nữa là trong suốt 5 năm qua không có ai bỏ việc.
  • Đặc biệt hơn hơn nữa là các thành viên trong đội nhóm của Lan đều có được hiệu suất làm việc cực kỳ đáng nể! Vậy thì điều gì đang xảy ra ở đây?

Tại sao đội nhóm của Lan lại đạt được sự thành công như thế?

Đó chính là câu hỏi chúng ta sẽ trả lời tiếp đây!

Tiếp tục với ví dụ của Lan, trong khi đội nhóm của cô thành công vượt trội như thế.

Thì những đội nhóm khác lại rơi vào tình trạng nhân viên thiếu động lực làm việc.

Hiệu suất làm việc thì lẹt đẹt, dẫn đến tình trạng cả quản lý tới nhân viên đều stress!

Vậy thì, Lan có điều gì mà các quản lý khác không có?

  • Câu trả lời chính là, Lan thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong đội nhóm của mình về mục đích và ý nghĩa mà công việc họ đang thực hiện.
  • Cô ấy biết rằng mình là hình mẫu để nhân viên noi theo, chính vì thế cô ấy đã thể hiện sự toàn vẹn trong tất cả các mối quan hệ làm việc của mình.

Trong trường hợp này, Lan chính là một ví dụ sinh động về phong cách lãnh đạo chuyển đổi.

Cô ấy đặt kỳ vọng cao, nhưng thay vì ngồi “vắt chân” một chỗ và chờ kết quả, cô ấy lại “từng bước, từng bước” truyền đạt kỳ vọng của mình cho đội nhóm. Thật tuyệt đúng không?

Đọc tới đây chắc chẳn bạn cũng muốn biết thực sự thì “lãnh đạo chuyển đổi” là cái gì mà có tác dụng ghê gớm tới vậy?

Đừng vội, sau khi đọc xong bài viết này bạn sẽ biết cách để trở thành một nhà lãnh đạo chuyển đổi, từ đó tạo động lực cho đội nhóm của mình đạt được hiệu suất vượt trội. Chẳng phải điều đó rất tuyệt sao?

Mục lục

Phong cách Lãnh đạo chuyển đổi là gì?

Chuyên gia nghiên cứu về lãnh đạo James McGregor Burns đã giới thiệu khái niệm lãnh đạo chuyển đổi trong cuốn sách của ông ấy “Leadership” năm 1978. Ông định nghĩa rằng lãnh đạo chuyển đổi là một quá trình nơi “người lãnh đạo và đội nhóm cùng giúp đỡ nhau nâng cao trình độ từ đạo đức tới động lực.”

Bernard M. Bass đã phát triển khái niệm này xa hơn trong cuốn sách “Leadership and Performance Beyond Expectations“, năm 1985. Trong đó nhà lãnh đạo chuyển đổi có các đặc điểm:

  • Là tấm gương cho sự toàn vẹn và công bằng.
  • Thiết lập mục tiêu rõ ràng.
  • Có kỳ vọng cao.
  • Khuyến khích động viên mọi người.
  • Cung cấp sự hỗ trợ và công nhận thành quả.
  • Đặc biệt chú ý tới cảm xúc của nhân viên.
  • Giúp mọi người nhìn xa hơn sở thích cá nhân của họ.
  • Truyền cảm hứng cho mọi người đạt được những điều không tưởng.

Hơn 25 năm sau cuốn sách của Bass, lãnh đạo chuyển đổi đã được coi là một trong những ý tưởng lãnh đạo quan trọng nhất trong kinh doanh.

Lưu ý nhỏ: Bạn cũng có thể khám phá bài viết về các phong cách lãnh đạo nếu muốn phát hiện cũng như lựa chọn một phong cách phù hợp với bản thân.

Làm sao để trở thành một nhà lãnh đạo chuyển đổi?

Bạn có thể sử dụng quy trình đã được tổng hợp và cô đọng từ ý tưởng trong cuốn sách của Bass để trở thành một nhà lãnh đạo chuyển đổi. Bao gồm:

  1. Tạo ra một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai.
  2. Tạo động lực cho mọi người tiếp nhận và thực hiện tầm nhìn đó.
  3. Quản lý tiến độ thực hiện của tầm nhìn đó.
  4. Xây dựng và phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với mọi thành viên trong đội nhóm của mình.

Lưu ý nhỏ: Bạn có thể thấy rằng, quy trình trên không đi trực tiếp từ danh sách của Bass. Tuy nhiên, nó truyền tải được những đặc điểm mà ông đặt ra trong các bước thực hiện rõ ràng và khả thi.

Khi bạn áp dụng các bước dưới đây, kết hợp với những công cụ đi kèm, bạn sẽ sớm phát triển được các kỹ năng để trở thành nhà lãnh đạo chuyển đổi.

Bước 1: Tạo ra một tầm nhìn đầy cảm hứng

Mọi người đi theo sự dẫn dắt của bạn bởi một lý do thuyết phục, đây chính là nguyên do tại sao bạn cần phải tạo và truyền thông một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai.

Để thức dậy vào mỗi buổi sáng và sẵn sàng lao vào chiến đấu thì tầm nhìn của bạn phải làm bật được mục tiêu của đội nhóm cũng như mục đích của tổ chức. Bạn sẽ phát triển được điều này một phần bởi sự thấu hiểu về giá trị của các thành viên trong đội nhóm, một phần bởi sự thấu hiểu khả năng và nguồn lực của tổ chức, và một phần bởi sự lựa chọn cách thức sáng suốt để theo đuổi nó.

Trong trường hợp bạn đang phát triển một tầm nhìn cho tổ chức của mình, hãy sử dụng Mô hình 7 lãnh thổ của Mullins để phân tích môi trường của bạn. Tiếp đến sử dụng các công cụ như Mô hình chiến lược 5 bước của Lafley và Martin để phát triển chiến lược.

Nếu bạn đang phát triển một tầm nhìn cho đội nhóm của mình, hãy bắt đầu từ tầm nhìn và sứ mệnh của công ty, sau đó tìm ra giải pháp mà đội nhóm của bạn có thể cống hiến trực tiếp cho tầm nhìn và sứ mệnh đó.

Bước 2: Tạo động lực cho mọi người tiếp nhận và thực hiện tầm nhìn đó

Tại bước này, bạn hãy bắt đầu với tuyên bố sứ mệnh của mình. Bạn cần phải kêu gọi các giá trị của mọi người và truyền cảm hứng cho họ về hướng đi sắp tới và tại sao.

Đừng cố gắng nhồi nhét vào đầu mọi người về tầm nhìn của bạn. Ai quan tâm chứ?

Nhưng nếu bạn sử dụng các câu chuyện để thay cho lời kêu gọi hành động thì ngay lập tức mọi người sẽ đánh giá cao tác động tích cực từ tầm nhìn của bạn tới những người bạn đang cố gắng giúp đỡ.

Lưu ý: nếu người duy nhất bạn đang cố gắng giúp đỡ là chính bản thân mình, thì bạn sẽ chẳng thể truyền cảm hứng cho ai khác.

Tiếp đến, hãy nói về tầm nhìn của bạn thường xuyên. Liên kết nó với mục tiêu và nhiệm vụ của đội nhóm, từ đó giúp đỡ mọi người tìm ra cách để họ cống hiến cho tầm nhìn của bạn.

Đã là nhà lãnh đạo chuyển đổi bạn sẽ biết rằng sẽ không có thành quả nào đáng kể xảy ra trừ khi bạn khích lệ đội nhóm của mình.

Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn nắm chắc trong tay các kỹ thuật tạo động lực để áp dụng và truyền cảm hứng cho đội nhóm của mình giúp họ phát huy tối đa tiềm năng.

Và sẽ là kết quả tất yếu rằng bạn và đội nhóm của mình sẽ sớm đạt được tầm nhìn mà bạn đặt ra ban đầu. Chẳng phải đó là điều bạn vẫn hằng mong muốn sao?

Bước 3: Quản lý tiến độ thực hiện của tầm nhìn đó

Một tầm nhìn không thể tự nhiên thành hiện thực. Mặc dù biết rõ điều này nhưng nhiều nhà lãnh đạo đã mắc phải sai lầm đó là không đưa tầm nhìn đó ra thực tế, cũng như tạo ra các công việc nhằm đạt được tầm nhìn đó.

Để quản lý được tiến độ thực hiện tầm nhìn, bạn cần kết hợp quản lý tốt 2 điều: quản lý dự án và quản lý sự thay đổi.

Điều này sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi cần thiết với sự hỗ trợ toàn lực của các thành viên trong đội nhóm.

Làm sáng tỏ từng vai trò, trách nhiệm của từng thành viên, và kết nối chúng với kế hoạch của bạn. Tất cả mọi người đều cần phải thực sự thấu hiểu điều mà họ đang chịu trách nhiệm, và biết cách bạn sẽ định hướng tới thành công như thế nào.

Tiếp theo, hãy đặt mục tiêu SMART, bao gồm mục tiêu ngắn hạn giúp đội nhóm của bạn nhanh chóng đạt được thành quả và có được động lực hành động.

Bạn có thể liên kết mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu dài hàn của mình bằng cách áp dụng phương pháp quản lý bằng mục tiêu.

Trong cuộc sống đôi khi bạn sẽ thấy dường như mọi chuyện đang vượt qua sức chịu đựng của mình và bạn muốn buông xuôi?

Vậy làm sao để thoát khỏi tình cảnh đó và tiếp tục theo đuổi tầm nhìn phía trước? Còn nữa, đội nhóm của bạn sẽ ra sao nếu thấy chính người lãnh đạo của mình bị như vậy?

Liệu họ có còn động lực để chiến đấu nữa không? Bạn có thể hình dung ra câu trả lời rồi đúng chứ?

Để có thể theo đuổi tầm nhìn của bạn tới cùng, hãy xây dựng và phát triển tinh thần tự kỷ luật, tự giác, cũng như rèn luyện sức chịu đựng của bạn.

  • Hãy trở thành một tấm gương sáng, mạnh mẽ, bất chấp mọi khó khăn, thử thách để các thành viên trong nhóm noi theo.
  • Có ai mà không cố gắng hết sức khi nhìn thấy người lãnh đạo của mình tràn đầy nhiệt huyết như thế?

Còn điều này nữa bạn cần lưu ý, đó là đừng ngồi một chỗ rồi “chỉ tay năm ngón”.

Hãy thử phương pháp quản lý khi đi dạo, đây là một kỹ thuật lý tưởng cho phong cách lãnh đạo chuyển đổi, bởi lẽ nó giúp bạn luôn luôn kết nối với các công việc hàng ngày cũng như cung cấp sự hỗ trợ kịp thời cho đội nhóm của mình.

Thử nghĩ xem, điều gì sẽ xảy ra nếu như mọi vấn đề đều được phát hiện và xử lý kịp thời?

Lưu ý nhỏ:

Giao tiếp rõ ràng là điều tối quan trọng trong lãnh đạo chuyển đổi.

Hãy chắc chắn rằng mọi người đều lắng nghe và thực sự thấu hiểu bạn, kết hợp với đó là thường xuyên đưa ra phản hồi, có như vậy thì đội nhóm của bạn mới biết được mong muốn thực sự của bạn.

Suy cho cùng, thì đó chẳng phải là điều bạn muốn đúng không?

Bước 4: Xây dựng và phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với mọi thành viên trong đội nhóm của mình

Là một nhà lãnh đạo chuyển đổi, bạn cần dồn sự chú ý của mình vào nhân viên, và sau đó làm việc chăm chỉ để giúp họ đạt được mục tiêu và giấc mơ của mình.

Bạn có thể kẻ cho mình vạch đích xuất phát bằng cách áp dụng Mô hình quy trình lãnh đạo của Dunham và Pierce. Bạn sẽ thấy rằng đội nhóm của mình thực sự quan trọng tới sự thành công của bạn như thế nào qua việc áp dụng công cụ này.

Nó cũng nhấn mạnh thực tế việc lãnh đọa là một quá trình lâu dài, và ở cương vị đó, bạn cần phải liên tục xây dựng các mối quan hệ, nhận được sự tin tưởng, và giúp từng thành viên trong đội nhóm phát triển.

Nhưng, làm sao để giúp từng thành viên trong đội nhóm của bạn phát triển tối đa bản thân của họ?

Hãy gặp từng người, trò chuyện với họ, tâm sự với họ để nắm bắt được nhu cầu phát triển của họ là gì, từ đó giúp họ đạt được mục tiêu sự nghiệp. Họ muốn đạt được điều gì khi ở vai trò đó?

Họ thấy mình thế nào trong vòng 5 năm tới? Bạn giúp họ đạt được mục tiêu đó như thế nào?

Vậy còn sự tin tưởng thì sao? Cách nào giúp đạt nhận được sự tin tưởng từ mọi người?

Câu trả lời ở đây chính là “cởi mở” và “trung thực”. Hãy thực tâm vì mọi người và họ sẽ theo bạn tới cùng.

Cuối cùng, hãy dành thời gian để huấn luyện nhân viên của bạn. Bởi khi bạn giúp họ tìm ra giải pháp của riêng mình, thì bạn đã dùng “một mũi tên và bắn trúng 2 con chim”. Tại sao lại như vậy?

  • Thứ nhất bạn sẽ tạo ra được một đội nhóm có hiệu suất cực kỳ cao.
  • Thứ hai, bạn cũng sẽ giúp họ cảm thấy tự tin hơn về bản thân và củng cố niềm tin của họ vào bạn.

Như vậy là bạn đã đạt được mục tiêu và mục đích của mình rồi đúng không?

Đọc tới đây thì bạn đã gần như trải qua cả một quá trình mà các nhà lãnh đạo chuyển đổi thành công trên thế giới đã và đang áp dụng cho đội nhóm của họ.

Thách thức của bạn bây giờ chính là áp dụng nó vào tình huống của riêng mình.

Chúc bạn sớm trở thành một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng bậc thầy, từ đó xây dựng và phát triển được một đội nhóm vô địch chinh phục mọi mục tiêu thách thức và đạt được tầm nhìn đầy cảm hứng đã vạch ra.

Hpo Banner